Tất cả chuyên mục

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ đi đôi với cơ chế giám sát

Thứ sáu, 14/02/2025 - 18:12 (GMT+7)

Đồng tình với chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, các đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung cơ chế giám sát, đảm bảo việc thực thi hiệu quả, tránh những bất cập có thể phát sinh.

Sáng 14/2, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Đây là một trong 4 dự án luật được Quốc hội xem xét sớm thông qua để phục vụ công tác sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy.

Bày tỏ đồng tình với các nội dung mới của dự thảo Luật, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) quan tâm đến quy định phân quyền được nêu tại khoản 6, Điều 7 quy định “Chính quyền địa phương được đề xuất với cơ quan có thẩm quyền… xem xét, quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết”.

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, đây là tư duy mới của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã được luật hóa, mà hiện nay nhiều địa phương đang rất cần, để giải phóng các nguồn lực đang bị kìm hãm bởi các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Tuy nhiên, để tổ chức triển khai thực hiện thông suốt và hiệu quả các nội dung phân quyền này là hết sức khó khăn…

Do đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất bổ sung trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là thành viên Chính phủ nội dung “trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết, đồng thời phải bổ sung quy định giám sát chặt chẽ nội dung này”.

"Có như vậy, việc phân quyền mới thực sự hiệu quả và các điểm nghẽn mới được khơi thông và các nguồn lực mới có thể được giải phóng tốt nhất, nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", đại biểu Trần Quốc Tuấn bày tỏ.

Để Luật sớm được thực thi và đi vào cuộc sống, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành Trung ương sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành các Luật được thông qua tại kỳ họp này. Đặc biệt là cần ban hành một Nghị định quy định về “phân cấp, phân quyền” theo hướng rõ ràng, minh bạch và chặt chẽ để các “chủ thể phân cấp, phân quyền” và “chủ thể được phân cấp, phân quyền” dễ dàng triển khai thực hiện thông suốt, hiệu quả.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng, phân quyền không rõ ràng có thể dẫn đến sự chồng chéo giữa Trung ương và địa phương. Một số nhiệm vụ trọng yếu (quy hoạch, đầu tư công, quản lý đất đai, môi trường) có thể vừa thuộc trách nhiệm của Chính phủ, vừa thuộc thẩm quyền của địa phương, dễ dẫn đến tranh chấp trong thực thi chính sách. Nếu Trung ương vẫn giữ quyền ra quyết định nhưng giao địa phương thực thi mà không rõ trách nhiệm, có thể dẫn đến thiếu đồng bộ và trì trệ trong triển khai.

Bên cạnh đó, việc phân quyền mạnh mẽ có thể khiến một số địa phương tự quyết định theo lợi ích địa phương, không nhất quán với chính sách chung. Theo đó, đại biểu đề xuất điều chỉnh nội dung của Điều 7 về phân quyền, đó là bổ sung nguyên tắc “phân quyền có điều kiện”: Chỉ phân quyền khi địa phương đủ năng lực tài chính, nhân lực, quản trị; xây dựng chỉ số đánh giá năng lực quản trị của từng địa phương trước khi phân quyền; tăng cường giám sát của Trung ương: Thành lập Hội đồng kiểm soát phân quyền để giám sát chặt chẽ việc thực hiện.

Đối với vấn đề phân cấp, đại biểu Trần Văn Khải nêu, việc thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ có thể dẫn đến sự lạm quyền trong phân cấp. Nhiều nhiệm vụ có thể vừa do Bộ quản lý, vừa do địa phương thực hiện (ví dụ: quản lý đô thị, đầu tư công, hạ tầng giao thông). Nếu không có cơ chế đánh giá hiệu quả phân cấp, có thể dẫn đến việc giao quyền nhưng không đủ điều kiện thực hiện, gây lãng phí và trì trệ.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề xuất điều chỉnh nội dung của Điều 8 về phân cấp: Bổ sung cơ chế “thẩm định hiệu quả phân cấp”: Quy định rõ nhiệm vụ nào bắt buộc phải có báo cáo đánh giá hằng năm; các quyết định phân cấp phải được Quốc hội giám sát định kỳ. Đồng thời, áp dụng nguyên tắc “phân cấp linh hoạt”.

"Phân quyền, phân cấp, ủy quyền là xu hướng tất yếu nhưng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Bổ sung quy định giám sát, đánh giá năng lực địa phương và trách nhiệm giải trình là yếu tố quan trọng để tránh chồng chéo và cát cứ quyền lực. Nếu không điều chỉnh hợp lý, sẽ gây trì trệ, thiếu đồng bộ và giảm hiệu quả quản lý nhà nước", đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh.

Nêu ý kiến, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đề nghị trong phân cấp, phân quyền phải có một cơ chế cụ thể, nếu không đưa vào luật cũng phải đưa vào quy định để người được phân quyền, ủy quyền và giao thẩm quyền đó họ dám làm, dám chịu trách nhiệm về công việc đó.

“Luật đã quy định khung, thì nghị định cũng phải rành mạch, rõ ràng trong vấn đề này, để dễ cho khâu thực hiện cũng như người có quyền được phân quyền, ủy quyền thực hiện tốt”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề nghị người phân quyền phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thanh tra người được phân quyền, ủy quyền, đặc biệt khi ủy quyền mà người thực hiện làm chưa đúng thì người phân quyền cũng phải chịu trách nhiệm liên đới, quan trọng là sự phối hợp nhịp nhàng với nhau để tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) như một đạo luật gốc của nền hành chính Nhà nước.

Việc sửa đổi luật diễn ra vào một thời điểm lịch sử, mang ý nghĩa chính trị, xã hội, pháp lý sâu sắc, gắn liền với cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả đồng thời tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để khơi thông mọi nguồn lực phát triển đất nước.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chỉ ra nguyên tắc xây dựng Luật lần này là "mới và toàn diện" với một tư duy hoàn toàn mới về xây dựng hệ thống lập pháp của Việt Nam. Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội, Luật sẽ chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung, vừa đảm bảo giá trị, sức sống của dự án Luật, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, kiến tạo và phát triển.

Nguyên tắc xây dựng Luật cũng bám sát chủ trương của Đảng và Hiến pháp về phân định thẩm quyền, thực hiện mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương, khắc phục tình trạng giao thoa, chồng chéo, đảm bảo vị trí, vai trò, chức năng của Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành Quốc hội.

Điểm đột phá trong lần sửa đổi này là hoàn thiện nguyên tắc phân quyền, phân cấp, ủy quyền theo hiến định và chủ trương của Đảng, tạo sự chủ động, sáng tạo, thúc đẩy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo của hệ thống hành chính Nhà nước, nhất là chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, Luật sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng để tháo gỡ những rào cản về phân cấp, phân quyền, phân định nhiệm vụ cụ thể hiện hữu trong các luật chuyên ngành.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà dẫn chứng kết quả khảo sát về thực hiện phân cấp, phân quyền cho thấy nhiều vướng mắc do luật chuyên ngành quy định rõ thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ trưởng.

Cụ thể, rà soát 257 luật thì có tới 177 luật quy định thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; 152 luật quy định thẩm quyền của Thủ tướng; 141 luật quy định rất cụ thể về thẩm quyền Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân; 92 luật quy định thẩm quyền của tất cả cấp chính quyền. Điều này gây khó khăn cho việc thực hiện nguyên tắc phân cấp, phân quyền và ủy quyền.

Do đó, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sẽ đưa ra một nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ, yêu cầu tất cả các luật chuyên ngành phải tuân theo nguyên tắc phân cấp, phân quyền và ủy quyền khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Việc luật hóa biện pháp ủy quyền lập pháp để giải quyết những vướng mắc trong các luật chuyên ngành hiện nay được Bộ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá là một "tư duy đột phá" và "quyết định sáng suốt" của Quốc hội trong một điều kiện lịch sử đặc biệt. Nếu không có biện pháp này, việc giải quyết hàng trăm luật chuyên ngành đang phân cấp, phân quyền cụ thể sẽ là bất khả thi.

Trong đó, Điều 32 của dự thảo Luật quy định về điều khoản chuyển tiếp được xem là một vấn đề "rất mới, hay và độc đáo" để giải quyết vấn đề có tính lịch sử, tạo điều kiện cho đất nước cất cánh, bước vào kỷ nguyên mới.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của đại biểu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật đồng thời trao đổi, chia sẻ và giải trình một số vấn đề được quan tâm, như nguyên tắc tổ chức hoạt động của Chính phủ, phân định thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ...

Theo VGP

Từ khóa:

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Xây dựng khung pháp lý cho đội ngũ nhà giáo

(ThanhtraVietNam) - Tại Kỳ họp Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Nhà giáo đã được thảo luận sôi nổi, với nhiều chỉnh lý quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của nhà giáo, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Lan Anh

Bộ Dân tộc và Tôn giáo bàn giao Thanh tra Bộ về Thanh tra Chính phủ

(ThanhtraVietNam) - Ngày 6/5, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã có buổi làm việc với Bộ Dân tộc và Tôn giáo về việc bàn giao, tiếp nhận Thanh tra Bộ về Thanh tra Chính phủ. Ông Dương Quốc Huy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và ông Y Thông, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo cùng chủ trì và ký biên bản bàn giao.

K. Dung

Tạo điều kiện tối đa để phát triển kinh tế tư nhân toàn diện, hiệu quả

(ThanhtraVietNam) - Dù đã đạt được những kết quả quan trọng, là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng kinh tế tư nhân vẫn đối mặt với nhiều rào cản, thách thức. Chính vì vậy, Bộ Chính trị xác định, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Hoàng Minh

Thanh Tra Chính phủ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

(ThanhtraVietNam) - Thanh tra Chính phủ tích cực triển khai Nghị quyết 66/NQ-CP, tập trung cải cách thủ tục hành chính nội bộ, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương đơn giản hóa thủ tục liên quan đến sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu quả.

Lan Anh

Phòng ngừa tham nhũng thông qua cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra

(ThanhtraVietNam) - Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2025 làm rõ các thành tựu nổi bật, hạn chế, bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, với trọng tâm là công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính.

Lan Anh

Thanh tra, phòng chống tham nhũng: Đột phá tháo gỡ dự án tồn đọng, ứng dụng công nghệ số năm 2025

(ThanhtraVietNam) - Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của công tác thanh tra trong tháo gỡ hơn 2.200 dự án tồn đọng, ứng dụng công nghệ số trong tiếp công dân và nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, lãng phí. Báo cáo năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 cho thấy quyết tâm “không ngừng, không nghỉ” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Lan Anh

Nghị quyết 68 Bộ Chính trị: Xử lý nghiêm hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp

(ThanhtraVietNam) - Để tiếp tục tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, tại Nghị quyết 68, Bộ Chính trị yêu cầu chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết; xử lý nghiêm hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai thanh tra, kiểm tra trực tuyến, ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa…

Hoàng Minh

Tổng Bí thư Tô Lâm lên đường thăm cấp Nhà nước Kazakhstan, Azerbaijan, Belarus và thăm chính thức Liên bang Nga

Hôm nay (5/5), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Kazakhstan, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Azerbaijan, thăm chính thức Liên bang Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Belarus từ ngày 5 đến 12/5.

Thanh tra Chính phủ: Tăng cường kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng hiệu quả

(ThanhtraVietNam) - Thanh tra Chính phủ tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập, xử lý khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, đáp ứng kiến nghị của cử tri, góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch, củng cố niềm tin của nhân dân.

Lan Anh

600 tấn sữa giả - Lời cảnh tỉnh từ Luật sư về lằn ranh kinh doanh và tội phạm

(ThanhtraVietNam) - Vụ triệt phá đường dây sản xuất 600 tấn sữa bột giả trị giá gần 500 tỷ đồng đã làm rúng động dư luận, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về ranh giới mong manh giữa kinh doanh hợp pháp và tội phạm hình sự.

Lan Anh

Tăng tốc cải cách thủ tục hành chính

(ThanhtraVietNam) - Công điện của Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hướng tới mục tiêu giảm 30% điều kiện đầu tư kinh doanh, thời gian và chi phí tuân thủ, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.

P.V

Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

(ThanhtraVietNam) - Sáng ngày 05/05/2025, thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

K. Dung

Xem thêm