Thứ sáu, 14/03/2025 - 17:26 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những ý kiến cụ thể của dự thảo Báo cáo Kinh tế-xã hội tại phiên họp thứ tư của Tiểu ban Kinh tế-xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Ngày 13/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu Ban Kinh tế-xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, chủ trì phiên họp thứ tư của Tiểu ban.
Tại phiên họp, Tiểu ban tập trung thảo luận về các nội dung chủ yếu bổ sung, cập nhật, hoàn thiện dự thảo Báo cáo Kinh tế-xã hội từ sau Hội nghị Trung ương 10.
Dự thảo Báo cáo Kinh tế-xã hội đã được Hội nghị Trung ương 10 tháng 9/2024 cho ý kiến. Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có 2 cuộc họp với Thường trực Tiểu ban, cho ý kiến định hướng hoàn thiện dự thảo Báo cáo.
Từ Hội nghị Trung ương 10 đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận quan trọng như Nghị quyết 57-NQ/TW, Kết luận 123-KL/TW, Kết luận 127-KL/TW…
Ngày 11/3/2025, Thường trực Tiểu ban Kinh tế-xã hội đã họp để đánh giá, xem xét các hoạt động của Tiểu ban và dự thảo Báo cáo Kinh tế-xã hội.
Tiếp thu ý kiến Trung ương (tại Hội nghị Trung ương 10 và Hội nghị Trung ương tháng 01/2025); chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại các cuộc họp; bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; kết luận của đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu ban tại cuộc họp Thường trực Tiểu ban ngày 11/3/2025, Tổ Biên tập Tiểu ban đã bổ sung, hoàn thiện dự thảo Báo cáo Kinh tế-xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp (Ảnh: VGP)
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Thường trực Tổ Biên tập ghi chép đầy đủ, tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo Kinh tế-xã hội, trình Bộ Chính trị, trình Hội nghị Trung ương thời gian tới.
Theo Thủ tướng, phải chú ý hai đặc điểm lớn là tình hình thế giới diễn biến nhanh, xuất hiện nhiều vấn đề mới, khó lường, tác động rất sâu rộng, trong nước có nhiều thay đổi với những tiến triển mới.
Thủ tướng nhấn mạnh tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận trong tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo Kinh tế-xã hội: Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; tính chiến đấu và tính cách mạng mạnh mẽ hơn; tính khả thi, tính thực tiễn và tính hiệu quả cao hơn; nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, vượt qua giới hạn thực tiễn và vượt qua giới hạn của chính mình; Báo cáo Kinh tế-xã hội phải liên thông với Báo cáo Chính trị và các văn kiện khác, cụ thể hóa tư tưởng lớn của Báo cáo Chính trị; tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Dự thảo Báo cáo cần phản ánh đúng thực trạng, không tô hồng, không bôi đen trên cơ sở số liệu thống kê; đồng thời chỉ rõ được những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt. Phải bảo đảm tính khả thi để thực hiện thành công mục tiêu 100 năm thành lập Đảng, hướng tới mục tiêu 100 năm thành lập nước.
Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phải có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm tính súc tích, ngắn gọn, ở tầm chiến lược của văn kiện đại hội; có các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch cụ thể.
Cho ý kiến về phần mở đầu của dự thảo Báo cáo, Thủ tướng nêu rõ đánh giá bối cảnh, tình hình cần ngắn gọn, tập trung vào những vấn đề nổi lên ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của nước ta (như đại dịch COVID-19 với hậu quả kéo dài; xung đột làm đứt gãy cục bộ chuỗi cung ứng; lạm phát thế giới ở mức cao; kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu giảm và phục hồi chậm, thiếu vững chắc…).
Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều quyết sách có tính chất "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái", huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.
Phần kết quả đạt được trong dự thảo cần rà soát, cập nhật số liệu; nghiên cứu bổ sung nội dung đánh giá các thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân (về mức độ đóng góp trong GDP, thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm…); tiếp tục cập nhật kết quả trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Phần tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, cần chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, cản trở sự phát triển, nhất là về thể chế còn chồng chéo, thủ tục hành chính còn rườm rà, tư duy xây dựng pháp luật còn bó hẹp, nặng về quản lý, nhất là những rủi ro, vi phạm, chưa thực sự ưu tiên cho kiến tạo phát triển, giải phóng sức sản xuất.
Phần bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm. Theo đó, triển khai chủ động, quyết liệt, hiệu quả, sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả đối với vấn đề mới, vấn đề khó, những vấn đề đột xuất, bất ngờ.
Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Nhân dân làm nên lịch sử. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nâng cao năng lực thực thi. Coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán.
Nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện theo tinh thần 5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm. Phân định chức năng, nhiệm vụ rõ ràng nhưng phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, giữa Quốc hội và Chính phủ.
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: VGP)
Phần bối cảnh, tình hình thời gian tới, cần nhấn mạnh những yếu tố lớn, tác động mạnh đến kinh tế-xã hội nước ta, nhất là tác động đến các động lực tăng trưởng.
Về phần nhiệm vụ, giải pháp trong dự thảo Báo cáo, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung, đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (về thể chế, hạ tầng và nhân lực); trong đó tập trung cải cách thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" và là "đột phá của đột phá".
Về thể chế, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao năng lực thực thi của các cấp, quản lý theo hiệu quả, mục tiêu; mở rộng quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm của địa phương trong huy động nguồn lực; cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh, thể chế phải phát huy, giải phóng mọi nguồn lực, giải phóng sức sản xuất, đặc biệt là phát huy nguồn lực con người, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Thủ tướng cho rằng, quá trình xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật cần nêu rõ những nội dung lược bỏ, những nội dung hoàn thiện, những nội dung bổ sung, những nội dung cắt giảm thủ tục, những nội dung phân cấp, phân quyền, những nội dung đề xuất.
Về hạ tầng, Trung ương xây dựng hạ tầng chiến lược, hạ tầng quốc gia, liên vùng; với các hạ tầng còn lại thì phát huy tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Về nhân lực, tập trung phát triển nguồn nhân chất lượng cao, có cơ chế thu hút nguồn nhân lực, giữ chân người tài bằng chính sách thu nhập, nhà ở, chính sách visa thu hút các nhà khoa học, chuyên gia giỏi, tỷ phú, người nổi tiếng…; tạo môi trường làm việc tốt, bảo đảm liên thông trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt chú ý nghiên cứu cơ bản, gắn kết giữa khoa học công nghệ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn.
Phát triển đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị là nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững; bảo đảm từ 3%-5% tổng chi ngân sách cho khoa học, công nghệ. Quản trị phải thông minh, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong lãnh đạo, quản lý và điều hành của Đảng, Nhà nước, trợ lý ảo cho công dân.
Môi trường đầu tư kinh doanh phải thực sự thông thoáng; đặc biệt là xây dựng một cửa quốc gia về xúc tiến và thu hút đầu tư theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, để nhà đầu tư chỉ cần làm việc tại một cửa này, không phải đến nhiều cửa, đến từng bộ, ngành, cơ quan như hiện nay.
Xây dựng cơ chế huy động nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động tối đa nguồn lực trong dân, nguồn lực doanh nghiệp bằng các mô hình cụ thể, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh bệnh dàn trải và bệnh hình thức, mang lại hiệu quả cân đong đo đếm được.
Về hợp tác công tư, phát triển mạnh mẽ hơn nữa mô hình lãnh đạo công, quản trị tư như với các khu công nghiệp đang làm, điển hình như các khu VSIP…; đầu tư công, quản lý tư như với các nhà khách, nhà thi đấu, công viên, sân vận động…; đầu tư tư, sử dụng công như cơ quan nhà nước thuê trụ sở do tư nhân xây dựng…
Phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, lấy kinh tế tư nhân làm động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và có cơ chế, mạnh dạn đặt hàng, giao một số việc lớn cho các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân; đồng thời phân tích rõ vai trò, vị trí chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Phải có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thành lập doanh nghiệp mới; ươm tạo, phát triển nhân tài trong các lĩnh vực và doanh nghiệp tiềm năng; phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và nâng cao chất lượng, nâng tầm doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ thành doanh nghiệp lớn, tạo điều kiện thuận lợi phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp dẫn dắt, doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng trong khu vực, thế giới.
Bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội; chú trọng đầu tư cho nguồn lực con người, cho giáo dục-đào tạo, y tế, triển khai các chương trình mục tiêu về y tế và giáo dục, mọi người dân được tiếp cận bình đẳng về y tế và giáo dục. Quan tâm chăm lo sức khỏe, khám chữa bệnh, bảo vệ tính mạng người dân. Tạo cơ chế thúc đẩy học tập suốt đời. Phát huy tinh thần tự lực, tự chủ, tự cường, tự hào dân tộc; đẩy mạnh tự chủ của các trường đại học; thành lập các đại học thuộc các bệnh viện lớn. Chú ý hạ tầng cho vùng sâu, xa, vùng biên giới, hải đảo, nhất là hạ tầng điện, hạ tầng số.
Phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí; dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới và quốc tế hóa tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc. Bảo vệ môi trường sáng xanh sạch đẹp; xử lý ô nhiễm không khí, làm sạch các dòng sông tại Hà Nội, TPHCM và các địa phương khác./.
Từ khóa:
thủ tướng Tiểu ban kinh tê- xã hội báo cáo kinh tế xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của ĐảngÝ kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
Kim Dung - Dương Nguyễn
Tin đọc nhiều
(ThanhtraVietNam) - Tại Kỳ họp Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Nhà giáo đã được thảo luận sôi nổi, với nhiều chỉnh lý quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của nhà giáo, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Lan Anh
(ThanhtraVietNam) - Ngày 6/5, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã có buổi làm việc với Bộ Dân tộc và Tôn giáo về việc bàn giao, tiếp nhận Thanh tra Bộ về Thanh tra Chính phủ. Ông Dương Quốc Huy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và ông Y Thông, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo cùng chủ trì và ký biên bản bàn giao.
K. Dung
(ThanhtraVietNam) - Dù đã đạt được những kết quả quan trọng, là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng kinh tế tư nhân vẫn đối mặt với nhiều rào cản, thách thức. Chính vì vậy, Bộ Chính trị xác định, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài.
Hoàng Minh
(ThanhtraVietNam) - Thanh tra Chính phủ tích cực triển khai Nghị quyết 66/NQ-CP, tập trung cải cách thủ tục hành chính nội bộ, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương đơn giản hóa thủ tục liên quan đến sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu quả.
Lan Anh
(ThanhtraVietNam) - Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2025 làm rõ các thành tựu nổi bật, hạn chế, bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, với trọng tâm là công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính.
Lan Anh
(ThanhtraVietNam) - Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của công tác thanh tra trong tháo gỡ hơn 2.200 dự án tồn đọng, ứng dụng công nghệ số trong tiếp công dân và nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, lãng phí. Báo cáo năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 cho thấy quyết tâm “không ngừng, không nghỉ” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Lan Anh
(ThanhtraVietNam) - Để tiếp tục tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, tại Nghị quyết 68, Bộ Chính trị yêu cầu chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết; xử lý nghiêm hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai thanh tra, kiểm tra trực tuyến, ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa…
Hoàng Minh
Hôm nay (5/5), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Kazakhstan, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Azerbaijan, thăm chính thức Liên bang Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Belarus từ ngày 5 đến 12/5.
(ThanhtraVietNam) - Thanh tra Chính phủ tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập, xử lý khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, đáp ứng kiến nghị của cử tri, góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch, củng cố niềm tin của nhân dân.
Lan Anh
(ThanhtraVietNam) - Vụ triệt phá đường dây sản xuất 600 tấn sữa bột giả trị giá gần 500 tỷ đồng đã làm rúng động dư luận, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về ranh giới mong manh giữa kinh doanh hợp pháp và tội phạm hình sự.
Lan Anh
(ThanhtraVietNam) - Công điện của Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hướng tới mục tiêu giảm 30% điều kiện đầu tư kinh doanh, thời gian và chi phí tuân thủ, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
P.V
(ThanhtraVietNam) - Sáng ngày 05/05/2025, thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
K. Dung