Cổ phiếu làm tài sản đảm bảo có nguy cơ bị bán rẻ - Lợi bất cập hại!

Thứ năm, 02/03/2023 18:46
(ThanhtraVietNam)- Nhà đầu tư có cơ sở để giải chấp cổ phiếu là tài sản đảm bảo cho trái phiếu, điều này có thể thu lợi ngay trước mắt nhưng có thể gây thiệt hại lớn về tài sản không chỉ cho trái chủ, nhà phát hành mà còn là thị trường tài chính.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội mới đây đã công bố danh sách 54 doanh nghiệp từng chậm thanh toán lãi và gốc trái phiếu đến hạn, điều này càng khiến niềm tin về trái phiếu doanh nghiệp càng suy giảm và dấy lên lo ngại về việc xử lý mạnh tay các tài sản đảm bảo.

Trong bối cảnh khó khăn chung, việc ứng xử không phù hợp với tài sản đảm bảo thậm chí có thể làm thua thiệt nhiều hơn cho không chỉ các trái chủ và gây hệ lụy xấu cho các bên tham gia thị trường.

Tài sản đảm bảo bị mất giá

Gần đây, đại diện người sở hữu trái phiếu một tập đoàn bất động sản lớn đề nghị phương án xử lý tài sản đảm bảo là cổ phiếu khi thị giá bị ảnh hưởng lớn từ thị trường chung và hiện chỉ bằng 1/3 so với giá cách đây 5 năm.  

Việc bán tài sản đảm bảo là một trong các bước công việc tiếp theo dựa theo quy định tại các văn kiện trái phiếu trong trường hợp các tổ chức phát hành không đảm bảo các nghĩa vụ thanh toán theo quy định.

Áp lực bán cổ phiếu là tài sản đảm bảo trong giai đoạn hiện nay cũng không quá khó hiểu khi nhà đầu tư có tâm lý vớt vát tài sản, chấp nhận mức chiết khấu cao để thu lại được một phần vốn ban đầu.

Một chuyên gia tài chính nhận định phương án bán cổ phiếu để thực hiện nghĩa vụ trả nợ là có cơ sở. Câu chuyện này có thể giúp trái chủ thu được tiền nhanh nhưng cũng đánh đổi nhiều quyền lợi thanh toán hấp dẫn hơn trong tương lai. Hơn nữa, nếu nhiều nhà đầu tư cùng bán tháo sẽ làm thị trường tài chính sụp đổ nhanh chóng và tài sản của nhà đầu tư càng thiệt hại đáng kể, nhất là thị trường tài chính đang diễn biến rất xấu khiến nhiều cổ phiếu có nguy cơ bị bán rẻ.  

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa

Hiện nay, các lô trái phiếu thường được đảm bảo bằng các bất động sản và quyền lợi trên đất hình thành trong tương lai, bằng cổ phiếu, giấy tờ có giá, tài sản cố định khác hay thậm chí là hàng tồn kho, các khoản phải thu…Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán lao dốc và các kênh huy động vốn khác bị thắt chặt đã làm suy giảm đáng kể giá trị các tài sản đảm bảo.

Chẳng hạn, VN-Index năm ngoái lao dốc 33% với thanh khoản co hẹp, tương ứng giá trị vốn hóa bốc hơi hơn 100 tỷ USD. Nhiều cổ phiếu giảm hơn phân nửa giá trị, thậm chí là bị bán tháo mất đến 80-90% thị giá.  

Thị trường địa ốc không khá khẩm hơn khi nhiều chủ đầu tư đang bán cắt lỗ hay phải chiết khấu đến 50% giá trị bất động sản, dù vậy cũng không thể giải quyết được vấn đề thanh khoản chung.

Các tài sản đầu tư thường có mối tương quan thuận với nhau, do đó khi các tài sản tài chính bị mất giá cũng khiến định giá hàng loạt tài sản đảm bảo khác khó giữ được giá trị ban đầu theo hợp đồng.

Giải pháp nào là tối ưu

Một điều cần lưu ý khác trong trường hợp bán cổ phiếu vẫn không đủ thanh toán thì phần nghĩa vụ còn lại chưa thanh toán sẽ có thứ tự thanh toán ngang bằng với các nghĩa vụ chung, không phải là nợ thứ cấp và không có bảo đảm hiện tại hoặc tương lai. Điều này có nghĩa là cơ hội thu hồi vốn và quyền lợi đòi nợ các trái chủ sẽ hẹp hơn rất nhiều (trong trường hợp doanh nghiệp phá sản sẽ không còn là ưu tiên trả nợ đầu tiên).

Xử lý tài sản đảm bảo là cổ phiếu còn “nguy hiểm” cho thị trường tài chính hơn rất nhiều so với bán các loại tài sản khác. Bởi cổ phiếu đảm bảo có hiệu ứng dây chuyền rất lớn, không chỉ liên quan đến một vài lô cổ phiếu mà còn ảnh hưởng đến việc thế chấp ngân hàng và các hợp đồng đầu tư khác.  

Với giá nhiều cổ phiếu đã giảm 70-80%, nhà đầu tư buộc phải bán một khối lượng rất lớn, thậm chí vượt số lượng cam kết trong hợp đồng nhưng vẫn khó có thể thu về số tiền như mong muốn, vừa gây thiệt hại cho bản thân khi bán rẻ cổ phiếu và vừa tác động xấu đến các bên tham gia thị trường.  

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn có các phương án xử lý được sự ủng hộ của số đông như gia hạn lô trái phiếu thêm 2 năm với lãi suất cộng thêm 1,5-2% trên hợp đồng, tham gia hợp tác đầu tư với mức lãi suất 12%/năm, chuyển đổi sang bất động sản với giá chiết khấu 20-50% hoặc cam kết mua lại 120% giá chuyển nhượng…

Với các phương án trên, trái chủ sẽ đảm bảo nhận được quyền lợi tối đa so với phải đi đến việc xử lý tài sản đảm bảo, thậm chí còn hưởng thêm đặc quyền so với hợp đồng gốc nếu chấp thuận gia hạn hoặc chuyển.

Thực tế trên thị trường, nhiều trái chủ đã chấp thuận với phương án tái cấu trúc mà các tổ chức phát hành đưa ra. Đơn cử, Angimex hay Xây dựng Vina2 đã tổ chức hội nghị trái chủ về lộ trình trả nợ mới và được chấp thuận giãn thời gian thanh toán.   

Hay Novaland gần đây đã thương thảo thành công với Dallas Vietnam Gamma Ltd để chuyển đổi khoản vay trái phiếu gần 5.000 tỷ đồng thành vốn góp tại các doanh nghiệp thành viên. BCG Energy thỏa thuận với Hanwha Energy để chuyển một phần khoản trái phiếu thành khoản nợ có kỳ hạn đến giữa năm…

Ngoài ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đang được các cơ quan nhà nước tìm kiếm giải pháp hỗ trợ như tổ chức hàng loạt hội nghị gỡ khó cho doanh nghiệp, Sửa đổi Nghị định 65 về giãn nợ gốc, lãi vay.

Thậm chí với trường hợp chưa từng có tiền lệ như Tân Hoàng Minh, các cơ quan chức năng cũng tích cực trấn an người dân để giải quyết chu đáo các vấn đề phát sinh. Các ngân hàng thương mại đang quản lý tài sản đảm bảo được chỉ đạo thu thập các hợp đồng đầu tư trái phiếu để hoàn trả tiền theo cam kết của hợp đồng./.

Khánh Nghi
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra