Bài 2: Luật Phòng, chống rửa tiền và những vấn đề trọng tâm

Thứ hai, 28/02/2022 19:30
(ThanhtraVietNam) – Ngày 18 tháng 6 năm 2012, Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền số 07/2012/QH13 (PCRT). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013, tạo hành lang pháp lý vững chắc về PCRT.

Đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng, chống rửa tiền

Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT) quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PCRT; hợp tác quốc tế về PCRT. Việc phòng, chống hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của Bộ luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố.

Đối tượng áp dụng của Luật PCRT bao gồm: tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan; tổ chức, cá nhân Việt Nam; người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có giao dịch tài chính, giao dịch tài sản khác với tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến PCRT.

Việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi rửa tiền được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

leftcenterrightdel
 

Nhận diện hành vi rửa tiền

Luật PCRT quy định “rửa tiền” là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm: Hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự; Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có hoặc chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.

Trong khi đó “tài sản” trong hành vi “rửa tiền” bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.

Còn “Tổ chức tài chính” là tổ chức được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động: Nhận tiền gửi; Cho vay; Cho thuê tài chính; Dịch vụ thanh toán; Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, lệnh chuyển tiền, tiền điện tử; Bảo lãnh ngân hàng và cam kết tài chính; Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ; Tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán, đại lý phân phối chứng khoán; Quản lý danh mục vốn đầu tư; Quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán cho tổ chức, cá nhân khác; Cung ứng dịch vụ bảo hiểm; hoạt động đầu tư có liên quan đến bảo hiểm nhân thọ; Đổi tiền.

Đáng chú ý, “Giao dịch đáng ngờ” được hiểu  là giao dịch có dấu hiệu bất thường hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc từ hoạt động tội phạm hoặc liên quan tới rửa tiền...

Nguyên tắc và chính sách về phòng, chống rửa tiền

Điều 5 và Điều 6 của Luật PCRT quy định. Về nguyên tắc, việc PCRT phải thực hiện theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia; bảo đảm hoạt động bình thường về kinh tế, đầu tư; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chống lạm quyền, lợi dụng việc PCRT để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan. Các biện pháp PCRT phải được thực hiện đồng bộ, kịp thời; các hành vi rửa tiền phải được xử lý nghiêm minh.

Trong khi đó, về Chính sách của Nhà nước Luật quy định: “PCRT là trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan nhà nước. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống rửa tiền; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia PCRT; Ban hành chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế trong PCRT. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác PCRT được Nhà nước khen thưởng.

leftcenterrightdel
 

7 hành vi bị cấm

Đáng chú ý, Luật PCRT quy định rõ 7 hành vi bị cấm gồm:

Thứ nhất, tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền. Thứ hai, thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả. Thứ ba, thiết lập và duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng được thành lập tại một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhưng không có sự hiện diện hữu hình tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó và không chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Thứ tư, cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng tại một địa điểm khác. Thứ năm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong PCRT xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Thứ sáu, cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác PCRT. Thứ bảy, đe dọa, trả thù người phát hiện, cung cấp thông tin, báo cáo, tố cáo về hành vi rửa tiền.

Một số giao dịch được giám sát đặc biệt

Tại nội dung chính Chương II, Luật PCRT đề cập đến biện pháp PCRT. Trong đó, tại Mục 1, từ Điều 8 đến Điều 13 quy định về: Nhận biết khách hàng; Thông tin nhận biết khách hàng; Cập nhật thông tin nhận biết khách hàng; Biện pháp xác minh thông tin nhận biết khách hàng; Phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro; Khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị.

Trong khi đó, Điều 15, quy định về các giao dịch liên quan tới công nghệ mới, đối tượng báo cáo phải ban hành quy trình nhằm mục đích gồm: Phát hiện, ngăn chặn việc sử dụng công nghệ mới vào việc rửa tiền; Quản lý rủi ro về rửa tiền khi thiết lập giao dịch với khách hàng sử dụng công nghệ mới và không gặp mặt trực tiếp. Tiếp đó, quy trình quy định tại khoản 1 Điều này phải bảo đảm việc cập nhật thông tin khách hàng có hiệu quả như việc cập nhật thông tin khách hàng gặp mặt trực tiếp.

Đáng chú ý, các giao dịch được giám sát đặc biệt, yêu cầu các đối tượng phải báo cáo là: Giao dịch với giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp; Giao dịch với tổ chức, cá nhân tại quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách do Lực lượng đặc nhiệm tài chính công bố nhằm chống rửa tiền hoặc danh sách cảnh báo.

Đối tượng báo cáo phải kiểm tra cơ sở pháp lý và mục đích của giao dịch; Trường hợp có nghi ngờ về tính trung thực, mục đích của giao dịch, đối tượng báo cáo phải lập báo cáo về giao dịch đáng ngờ gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và có thể từ chối giao dịch đó.

Minh bạch và thống nhất trong công tác quản lý phòng, chống rửa tiền

Tiếp đó, Luật PCRT cũng quy định phải bảo đảm tính minh bạch của pháp nhân và thỏa thuận ủy quyền; Bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận với những quy định cụ thể tại Điều 17, Điều 18...

Bên cạnh các Điều, khoảng quy định tại Mục 2 về trách nhiệm báo cáo, cung cấp và lưu giữ thông tin thì Mục 3 về thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin về PCRT thì tại Mục 4 về áp dụng các biện pháp tạm thời và xử lý vi phạm quy định 2 trọng tâm.

Thứ nhất, phong tỏa tài khoản, niêm phong hoặc tạm giữ tài sản (Điều 34) quy định “Đối tượng báo cáo phải thực hiện phong tỏa tài khoản hoặc áp dụng biện pháp niêm phong hoặc tạm giữ tài sản của các cá nhân, tổ chức khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và báo cáo việc thực hiện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.

Thứ hai, trong trường hợp có vi phạm thì Điều 35 nêu rõ: “Tổ chức vi phạm các quy định của Luật này thì bị xử phạt vi phạm hành chính. Cá nhân vi phạm các quy định của Luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”...

Trên cơ sở các Mục, Điều, Khoản của Luật PCRT, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về PCRT. Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, chiến lược về PCRT. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác PCRT; phối hợp công tác PCRT và công tác phòng, chống tài trợ khủng bố.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về PCRT; Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch về PCRT. Đồng thời, tổ chức đầu mối theo quy định của Chính phủ để thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin về hành vi rửa tiền cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ về các giao dịch và các thông tin khác theo quy định của Luật này nhằm phục vụ việc phân tích, chuyển giao thông tin về hành vi rửa tiền.

Ngân hàng Nhà nước cũng có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan phòng, chống khủng bố có thẩm quyền thông tin về hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố theo quy định của Luật này và pháp luật về phòng, chống khủng bố.

Thanh tra, giám sát hoạt động PCRT đối với đối tượng báo cáo thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối. Hợp tác, trao đổi, cung cấp thông tin với các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án liên quan đến rửa tiền; trao đổi thông tin với cơ quan PCRT nước ngoài và các cơ quan, tổ chức nước ngoài khác theo quy định của pháp luật.

Thực hiện hợp tác quốc tế trong PCRT theo thẩm quyền, làm đầu mối tham gia, triển khai thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách thành viên các tổ chức quốc tế về PCRT...

Luật PCRT cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ: Công an, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp; trách nhiệm của các cơ quan: Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, các cơ quan khác của Chính phủ và UBND các cấp trong PCRT tại các Điều từ 38 đến 44. Cùng với đó là trách nhiệm bảo mật thông tin tại Điều 45.

Như vậy, với sự ra đời của Luật PCRT đã tạo hành lang pháp lý vững chắc để Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về PCRT và thực hiện chiến lược về PCRT cũng như đảm bảo phù hợp, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức Quốc tế về công tác PCRT. Góp phần tạo môi trường hoạt động kinh doanh minh bạch của Việt Nam, thu hút ngày càng nhiều các hoạt động đầu tư nước ngoài và Quốc tế.

Một số kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện

Sau 10 năm kể từ khi Luật PCRT có hiệu lực đã đạt được các mặt công tác khá toàn diện như: Từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; Hoàn thiện hệ thống các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong công tác PCRT; Nâng cao nhận thức, hiểu biết của cơ quan quản lý và đối tượng báo cáo về công tác PCRT; Tăng cường hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, giám sát về PCRT; Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền bước đầu có chuyển biến tích cực; Hoạt động hợp tác quốc tế trong PCRT tiếp tục được đẩy mạnh và nhìn chung các biện pháp PCRT được thực hiện một cách hiệu quả.

Cụ thể, sau khi Luật PCRT được ban hành, hàng loạt các Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn thực hiện pháp luật PCRT và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành đã được xây dựng, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ sở pháp lý về PCRT, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác PCRT, đồng thời, với việc ban hành Luật PCRT và các văn bản hướng dẫn, Việt Nam cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận nỗ lực trong việc giải quyết những thiếu hụt nghiêm trọng trong cơ chế PCRT và đáp ứng cơ bản các Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) về chống rửa tiền.

Tiếp đó, Chính phủ và các bộ, ngành, đơn vị có liên quan đã từng bước hoàn thiện hệ thống các cơ quan có trách nhiệm trong công tác PCRT, bao gồm: kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia về PCRT; thiết lập đầu mối chịu trách nhiệm về công tác PCRT tại hàng loạt các bộ, ngành và đơn vị liên quan; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) với trách nhiệm là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về PCRT đã kiện toàn cơ cấu tổ chức của Cục PCRT để thực hiện vai trò là Cơ quan PCRT theo quy định của pháp luật PCRT và là đơn vị tình báo tài chính của Việt Nam.

Cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của cơ quan quản lý và đối tượng báo cáo về công tác PCRT thì đáng chú ý, công tác chỉ đạo, hướng dẫn về thanh tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về PCRT, tài trợ khủng bố và xử phạt vi phạm hành chính đã được các bộ, ngành bước đầu được triển khai. Từ năm 2013 đến nay, đã có hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra về PCRT tại các tổ chức báo cáo. Cục PCRT đã chuyển giao hơn 1.000 vụ việc cho các cơ quan chức năng; phối hợp cung cấp thông tin cho gần 1.000 lượt đề nghị phục vụ công tác điều tra, thanh tra, kiểm tra. Thông tin, tài liệu do Cục PCRT chuyển giao, cung cấp là kênh thông tin vô cùng hữu ích cho các cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đã có hàng chục vụ việc được khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nhiều vụ việc liên quan đến thuế, hải quan và cơ quan chức năng đã truy thu hàng trăm tỷ tiền thuế cho ngân sách Nhà nước.
 
Nhìn chung, trên cơ sở quy định của pháp luật PCRT, hiện nay, hầu hết các đối tượng báo cáo trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, quản lý quỹ, bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, casino đã xây dựng quy định nội bộ, thực hiện các quy định về nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng, thực hiện trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật PCRT. Các đối tượng báo cáo cũng chủ động xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo hàng năm để nâng cao nhận thức về PCRT. Do vậy, việc thực hiện các biện pháp PCRT thực sự đem lại hiệu quả. 

Tại Phiên họp chuyên đề thảo luận về các đề nghị xây dựng pháp luật cuối tháng 11, năm 2021, Thủ tướng đã cho ý kiến, đề nghị xây dựng Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) là vấn đề rất quan trọng và cần thiết, góp phần phòng chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực.


Bình Minh

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra