Hàng loạt "ông lớn" bất động sản chi nghìn tỷ nắm cổ phần chi phối tại các ngân hàng

Thứ tư, 04/09/2024 11:11
(ThanhtraVietNam) - Việc các ngân hàng công khai danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, đặc biệt khi nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản đã được tiết lộ là cổ đông lớn của các ngân hàng này.

Dòng tiền kinh doanh âm, GELEX vẫn dốc túi để trở thành cổ đông lớn của ngân hàng có nhiều năm tranh chấp "giới chủ" cùng 4000 tỷ đồng nợ xấu

Ngân hàng ACB dưới thời Chủ tịch Trần Hùng Huy, nợ có khả năng mất vốn hơn 5.500 tỷ đồng

Ông Trần Hùng Huy là cá nhân nắm giữ cổ phần lớn nhất của ngân hàng ACB

Những cổ đông “gần lớn” tại VPBank

Lộ diện danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ tại ngân hàng HDBank

Một trong những thương vụ đáng chú ý gần đây là việc Công ty Cổ phần Tập đoàn GELEX thâu tóm cổ phần tại Ngân hàng Eximbank (mã: EIB). Theo dữ liệu cập nhật đến ngày 06/8/2024, GELEX hiện đang sở hữu 174,6 triệu cổ phiếu EIB, chiếm 10% vốn điều lệ của Eximbank. Dựa trên giá đóng cửa của cổ phiếu EIB vào ngày 16/8, tổng giá trị cổ phần mà GELEX nắm giữ tại ngân hàng này ước tính khoảng 3.200 tỷ đồng.

Trước khi mua thêm cổ phần, GELEX chỉ sở hữu 85,5 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 4,9% vốn điều lệ của ngân hàng. Tuy nhiên, vào ngày 05/8, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt cho GELEX mua thêm cổ phiếu Eximbank thông qua giao dịch khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM trong năm 2024.

Sau khi có sự chấp thuận này, trong hai ngày 07/8 và 08/8/2024, GELEX đã thực hiện mua thêm tổng cộng 89 triệu cổ phiếu EIB thông qua sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM, từ đó chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của Eximbank.

leftcenterrightdel

Tập đoàn Gelex vừa trở thành cổ đông lớn nhất của ngân hàng Eximbank. Ảnh: viettimes.vn 

Bên cạnh đó, trong danh sách cổ đông của ngân hàng TMCP hàng hải Việt Nam (MSB) vừa được công bố cho thấy nhiều công ty thuộc hệ sinh thái của ROX Group (trước đây là TNG Holdings), một doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản, đang sở hữu lượng lớn cổ phần tại ngân hàng này. Cụ thể, ROX Key Holdings hiện sở hữu 2,43% vốn điều lệ của MSB, cùng với các cá nhân liên quan nắm giữ gần 1% vốn. Ngoài ra, Công ty Đầu tư và Cho thuê tài sản TNL đang nắm giữ 1,08% vốn của MSB và các bên liên quan sở hữu thêm 1,87%. Công ty Đầu tư xây dựng ROX Cons cũng nắm giữ 1,87% vốn điều lệ của MSB.

Các công ty này đều nằm trong hệ sinh thái của ROX Group, với ROX Key Holdings chuyên quản lý và vận hành bất động sản, khách sạn; ROX Cons hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật; còn Công ty Cho thuê Tài sản TNL chuyên kinh doanh mặt bằng cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và mặt bằng bán lẻ.

Ngoài ROX Group, danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn của MSB còn có sự xuất hiện của một số doanh nghiệp bất động sản khác như Công ty TNHH khu nghỉ dưỡng Bãi Dài (sở hữu 4,96%), Công ty TNHH Thành phố Công nghệ xanh Hà Nội (4,97%), Công ty xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Hà Nội - Đài Tư (4,98%) và Công ty CP Đầu tư Ricohomes (2,64%).

Tương tự, tại HDBank, Công ty Cổ phần Sovico hiện đang nắm giữ hơn 417,7 triệu cổ phiếu, tương đương 14,27% vốn điều lệ của ngân hàng. Theo công bố của HDBank, Sovico là cổ đông duy nhất sở hữu trên 5% vốn điều lệ.

Sovico thuộc hệ sinh thái của Sovico Group, do nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đứng đầu. Đây là một tập đoàn đa ngành, trong đó bất động sản là một trong những lĩnh vực kinh doanh chủ chốt.

Còn theo danh sách 20 cổ đông đang sở hữu tổng cộng 1,66 tỷ cổ phiếu, tương đương gần 81% vốn điều lệ của Ngân hàng Phương Đông (OCB) mới được công bố, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cũng đang có cổ phần tại ngân hàng này.

Cụ thể, Tổng Công ty Bến Thành hiện là một trong những cổ đông lớn nhất của OCB với 4,96% vốn. Công ty Đầu tư Bình An House sở hữu 4,74% vốn OCB, Greenwave Capital nắm 4,44%, Công ty Đầu tư HVR có 3,85%, Công ty Đầu tư và Xây lắp điện số 8 Bình Thuận sở hữu 3,27%, và Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng khu công nghiệp Tây Ninh nắm giữ 3,25% vốn điều lệ của OCB.

Tại ngân hàng An Bình (ABBank), hiện có 19 cổ đông (gồm 16 cá nhân và 3 tổ chức) đang nắm giữ hơn 689 triệu cổ phiếu, tương đương gần 67% vốn điều lệ của ngân hàng.

Trong số đó, 3 cổ đông tổ chức bao gồm Tập đoàn Geleximco, hiện nắm giữ 132,2 triệu cổ phiếu, tương đương 12,78% vốn điều lệ, trở thành cổ đông lớn thứ hai của ABBank sau cổ đông chiến lược nước ngoài. Ngoài ra, những người có liên quan đến Tập đoàn Geleximco cũng đang sở hữu hơn 48 triệu cổ phiếu ABB, chiếm khoảng 4,65% vốn điều lệ.

Công ty Cổ phần Glexhomes, một công ty do Tập đoàn Geleximco thành lập, cũng đang nắm giữ gần 46 triệu cổ phiếu ABB, tương đương 4,43% cổ phần của ABBank.

Ông Vũ Văn Tiền, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ABBank, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco, hiện không trực tiếp sở hữu cổ phần tại ABBank. Tuy nhiên, ông Tiền đang nắm giữ 33,5% cổ phần tại Geleximco.

Ngoài ra, ông Vũ Văn Hậu, em trai của ông Tiền, cùng những người liên quan đang sở hữu gần 180 triệu cổ phiếu ABB, tương đương 17,41% vốn điều lệ của ngân hàng.

Geleximco, tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, được thành lập vào năm 1993. Bên cạnh việc đầu tư vào ngành xi măng và vật liệu xây dựng, Geleximco còn là một trong những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực bất động sản tại khu vực phía Bắc. Tập đoàn này hiện sở hữu nhiều dự án lớn tại Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc như Khu đô thị Thành phố Giao Lưu trên đường Phạm Văn Đồng, Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn, An Bình Plaza (Hà Nội), Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh), và Khu đô thị Đồi Rồng (Hải Phòng).

Trong khi đó, tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB), có tới 13 cổ đông tổ chức sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, trong đó nhiều tổ chức hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến bất động sản.

Theo thông tin công bố bởi OCB, các cổ đông tổ chức đáng chú ý bao gồm Tổng Công ty Bến Thành - TNHH MTV, hiện nắm giữ 4,96% vốn điều lệ của ngân hàng. Tiếp theo là Công ty Cổ phần Đầu Tư Bình An House với 4,74%, Công ty Cổ phần Greenwave Capital sở hữu 4,44%, và Công ty Cổ phần Đầu Tư HVR nắm giữ 3,85% vốn. Văn phòng Thành ủy đang nắm giữ 3,65%, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp điện số 8 Bình Thuận sở hữu 3,27%, Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng khu công nghiệp Tây Ninh nắm giữ 3,25%, và Công ty Cổ phần Năng lượng Tái tạo Hve với 3,14% vốn điều lệ của OCB.

Để ngăn chặn việc thao túng trong hệ thống ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 đã đưa ra các quy định chặt chẽ hơn. Cụ thể, các tổ chức tín dụng bắt buộc phải công khai thông tin về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Quy định này được coi là một biện pháp giúp các cơ quan chức năng giám sát và kiểm tra để đánh giá mức độ rủi ro của các tổ chức tín dụng.

Theo nhiều chuyên gia, quy định mới này sẽ hỗ trợ việc giám sát từ công chúng đối với hoạt động của các ngân hàng. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng đây chỉ là một phần nhỏ trong việc làm rõ mối quan hệ sở hữu chéo trong ngân hàng. Để thực sự hiểu rõ tình hình bên trong, cần có sự can thiệp và giám sát chặt chẽ từ phía Nhà nước thông qua hệ thống quản lý và các công cụ giám sát chuyên biệt./.

Bảo San

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra