Vai trò góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo chính sách của Mặt trận Tổ quốc

Thứ hai, 23/10/2023 14:27
(ThanhtraVietNam) - Thực hiện quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Hiến pháp năm 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam là tham gia xây dựng pháp luật, trọng tâm là góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo các chính sách liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Trong quá trình góp ý, phản biện xã hội, MTTQ Việt Nam thực hiện công tác truyền thông dự thảo chính sách, đặc biệt những chính sách lớn có tác động lớn đến xã hội để tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Thẩm quyền về việc tham gia góp ý kiến dự thảo chinh sách của MTTQ Việt Nam

Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020): “MTTQ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng VBQPPL và dự thảo VBQPPL” (khoản 1, Điều 6).

Điều 21 Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 cũng quy định: “2. MTTQ Việt Nam theo quy định của pháp luật tham gia góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp, dự án luật, pháp lệnh và dự thảo VBQPPL khác; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản pháp luật trái Hiến pháp và pháp luật”;“3. Trong quá trình xây dựng VBQPPL, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam tham gia góp ý kiến; tiếp thu và phản hồi kiến nghị của MTTQ Việt Nam theo quy định của pháp luật”.

Ủy ban MTTQ, các tổ chức thành viên Mặt trận các cấp chủ động tham gia góp ý hoặc theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản. Trong một số trường hợp, việc góp ý là thẩm quyền và trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên khi nội dung chính sách, quy định trong dự thảo văn bản liên quan trực tiếp đến tổ chức, hoạt động của MTTQ Việt Nam, của đoàn viên, hội viên, tổ chức thành viên của tổ chức mình. MTTQ Việt Nam có trách nhiệm động viên các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ thông qua các hội nghị nhân dân, tổ chức nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp, các văn bản luật, nghị định của Chính phủ… MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương tổ chức các hội nghị nhân dân hoặc đại diện các gia đình trên từng địa bàn dân cư, tổ chức hội nghị những người tiêu biểu trong các dân tộc, các tôn giáo để lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo luật.

leftcenterrightdel
 UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: mattran.org.vn 

Bên cạnh đó, vai trò tham gia xây dựng pháp luật của MTTQ Việt Nam được quy định cụ thể trong Hiến pháp và Luật MTTQ Việt Nam. Tại Điều 9 Hiến pháp năm 2013 quy định: “MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Điều 84 quy định: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và cơ quan Trung ương của các các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật ra trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.Tại Điều 9, Luật MTTQ Việt Nam quy định: MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng pháp luật với các nội dung sau đây: (1) Kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; (2) Trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án luật, pháp lệnh; (3) Cùng với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nghị quyết, thông tư liên tịch để hướng dẫn thi hành những vấn đề khi pháp luật quy định về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước; (4) Tham gia góp ý vào các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, nghị định và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác.”

Thực trạng góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo chính sách của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội thành viên của Mặt trận

Trong những năm qua, MTTQ đã phát huy vai trò của mình trong góp ý vào các dự án luật. Mặt trận với cơ chế đại diện quyền làm chủ của nhân dân - tham gia xây dựng pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật MTTQ Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan. Với các hình thức tham gia ban soạn thảo, tổ biên tập, hoạt động góp ý kiến và phản biện của 8 Hội đồng tư vấn của Đoàn chủ tịch trên các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của các tầng lớp nhân dân, liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận đến bộ máy nhà nước.

Hoạt động xây dựng pháp luật của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội lâu nay được thực hiện chủ yếu ở cấp Trung ương mà nòng cốt là Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các đoàn thể ở Trung ương là thành viên của Mặt trận.

Sự tham gia, phối hợp của MTTQ Việt Nam trong xây dựng pháp luật là nhu cầu tự thân của các cơ quan nhà nước, thể hiện bản chất Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhà nước dựa vào Mặt trận để phát huy được đầy đủ quyền làm chủ và sức mạnh của toàn dân, cũng chính là sức mạnh của Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện chức năng quản lý xã hội của mình.

MTTQ phản biện thông qua 3 hình thức cơ bản là: (1) tổ chức hội nghị phản biện chính sách (PBCS); (2) gửi dự thảo văn bản được PBCS đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến; (3) tổ chức đối thoại trực tiếp giữa MTTQ với cơ quan, tổ chức có văn bản được PBCS. Đây là hình thức mang tính cơ chế pháp lý ràng buộc trách nhiệm giữa chủ thể PBCS với cơ quan tổ chức được PBCS. Ngoài ra, nhân dân có ý kiến bằng gửi thư, gửi ý kiến đến các cấp có thẩm quyền, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Cùng với ba hình thức PBCS được quy định trong Luật MTTQ Việt Nam năm 2015, MTTQ và các tổ chức xã hội đã thực hiện PBCS qua các hình thức khác như: Thông qua việc tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các thành viên của tổ chức về các vấn đề trong xây dựng dự thảo. Các tổ chức xã hội chủ động tìm hiểu, phát hiện các chính sách, chương trình, dự án, đề án có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, đến môi trường hành nghề của hội viên để đề xuất ý kiến tư vấn, phản biện với các cơ quan có thẩm quyền. Đăng tải các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên website của tổ chức để tập hợp ý kiến phản biện. Trình bày quan điểm trong các diễn đàn, hội nghị, hội thảo; tranh luận trực tiếp trên các phương tiện truyền thông; gửi văn bản kiến nghị thông qua các cơ quan, tổ chức; tổ chức các buổi tiếp xúc đối thoại với cá nhân, tổ chức có thẩm quyền.

Đặc biệt, với sự thuận tiện, lan tỏa nhanh, mạng xã hội cũng là một diễn đàn mở thu hút và tạo dư luận xã hội nhanh chóng, từ đó tạo môi trường để các cá nhân thảo luận, chia sẻ các quan điểm, ý kiến của mình về các vấn đề mà họ quan tâm. Tuy nhiên, các hình thức này chưa được quy định trong luật nên hiệu lực, hiệu quả còn hạn chế.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả vai trò góp ý của MTTQ Việt Nam

Một là, để góp ý, phản biện xã hội và truyền thông các dự thảo chính sách có hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm thì các báo cáo viên pháp luật, tuyên tuyền viên, người hoạt động trong lĩnh vực tham mưu tổng hợp ý kiến góp ý, phản biện xã hội phải có năng lực tư duy, đánh giá và nắm chắc các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực góp ý, phản biện xã hội. Trong quá trình tổ chức góp ý, phản biện xã hội, nếu xét thấy cần thiết có thể tổ chức đi khảo sát, đánh giá tình hình thực tế tại cơ sở; tổ chức lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp trực tiếp chịu sự tác động.

Hai là, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Đối với những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, cần tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học, huy động và phân công trách nhiệm nghiên cứu, chuẩn bị nội dung và ý kiến đánh giá, đề xuất kiến nghị cụ thể cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn. Trong quá trình tổ chức góp ý, phản biện xã hội, khi cần thiết có thể tổ chức đi khảo sát, đánh giá tình hình thực tế tại cơ sở; tổ chức hỏi ý kiến người dân, doanh nghiệp trực tiếp chịu sự tác động.

Ba là, việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị góp ý phản biện xã hội phải khoa học, khách quan, trung thực, đầy đủ, có sự chắt lọc bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn, đồng thời đưa ra các giải pháp có tính khả thi. Phân công cán bộ có trách nhiệm, trình độ, năng lực làm công tác góp ý phản biện xã hội, thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc tiếp thu, trả lời các ý kiến kiến nghị sau phản biện xã hội.

Bốn là, tuyên truyền trong MTTQ Việt Nam các cấp, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư; các vị nhân sĩ, trí thức, cá nhân tiêu biểu, người uy tín trong các dân tộc thiểu số, chức sắc trong các tôn giáo. Phối hợp tuyên truyền rộng rãi trong đoàn viên, hội viên và nhân dân để người dân thấy được ý nghĩa của phổ biến chính sách, tích cực phản ánh, cung cấp thông tin với Mặt trận, đoàn thể./.

Trần Văn Duy - Bộ Tư pháp
Bảo San
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra