Nhờ vậy 90% sản lượng chè của hợp tác xã này được xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật, với giá bán 100 USD/ kg, cao gấp 60 - 70 lần giá chè xuất khẩu bình quân của cả nước.
Lợi ích lớn của Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP là việc chương trình này dựa trên ưu thế truyền thống về sản phẩm cây trồng từ nhiều đời của mỗi địa phương như nhãn Hưng Yên, vải thiều Hải Dương, xoài ở nhiều tỉnh miền Nam… Đất nước ta mỗi địa phương nổi danh với một loại sản phẩm cây trồng, nhất là hoa trái, tiêu thụ trong nước, rồi do mở rộng hội nhập mà nổi danh, tìm đến được với các nước trên thế giới, xuất khẩu đem về nhiều kim ngạch. Sự gia tăng thu nhập từ hoa trái đã khuyến khích phát triển thêm các cây đặc sản cho từng vùng vốn đã nổi danh, đồng thời gợi ý cho việc nhân rộng sang các tỉnh, vùng khác và một số nơi đã thực hiện thành công nhờ giống nhau về thủy thổ, khí hậu.
Trở lại với chè hữu cơ của hợp tác xã Bản Liền năm 2019 được Hội đồng OCOP trung ương chứng nhận đạt OCOP hạng 5 sao. Đây là sản phẩm duy nhất của tỉnh Lào Cai đến thời điểm này được thăng hạng OCOP. Hợp tác xã chè Bản Liền được thành lập từ năm 2004 với nhiệm vụ đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè cho người dân trên địa bàn, đến nay hợp tác xã có 310 thành viên tham gia trực tiếp vào quá trình trồng chè hữu cơ. Từ năm 2016, được sự vận động và hỗ trợ của Dự án thương mại đa dạng sinh học khu vực Đông Nam Á, hợp tác xã Bản Liền đã chuyển hướng sang sản xuất chè hữu cơ và mời các tổ chức chứng nhận uy tín trên thế giới đến giám sát, cấp chứng nhận. Chính những chứng nhận này đã như những tấm Visa dễ dàng đưa chè Bản Liền thâm nhập thị trường Châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới, rồi sau đó nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã sang tận nơi đặt hàng, ký kết hợp đồng mua chè hữu cơ.
Một mô hình trồng cây đặc sản (Ảnh: Internet)
Năm 2018, Bản Liền xuất khẩu 80 tấn chè, 8 tháng đầu năm nay xuất khẩu hơn 50 tấn, với giá bình quân 100. 000 USD/ tấn. Hợp tác xã này hiện có khoảng hơn 500ha chè shan, trong đó trên 400ha được công nhận chè hữu cơ. Nhờ trồng chè xuất khẩu, trung bình mỗi ha chè của hợp tác xã có thể đem lại lợi nhuận 80/100 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác. Nhiều hộ xã viên có thu nhập từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, càng giá trị, ý ngĩa khi 100% dân cư Bản Liền là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện. Từ sự thành công của một hợp tác xã, huyện Bắc Hà đang nhân rộng mô hình này ra toàn huyện, xem chè hữu cơ là sản phẩm thương hiệu chủ lực và đặc sản.
Sự nhân rộng đặc sản hoa trái cây trồng còn phát triển mạnh trên khắp các vùng đất núi rừng, tính đến hết tháng 7/2019, đã có 10 tỉnh trong 14 tỉnh miền núi phía bắc phê duyệt đề án triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, dự kiến đến năm 2020 là 577 sản phẩm, với nhiều đặc sản nông nghiệp nổi tiếng được thị trường trong ngoài nước đón nhận, đem lại hàng nghìn tỷ đồng cho nông dân. Qua đó, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu nông sản, kết nối sản xuất với tiêu thụ ở những nơi tưởng đâu là toàn những khó khăn, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp, đưa khu vực miền núi phía bắc từng bước trở thành trung tâm cây ăn trái của cả nước. Không kém gì nhiều vùng miền khác, miền núi phía bắc đang hình thành các vùng cây ăn quả hàng hóa tập trung quy mô lớn như vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Sơn La, cam Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, bưởi Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, chuối Phú Thọ, Thái Nguyên, na dai Lạng Sơn, xoài Sơn La, mận Lào Cai, Sơn La.
Tất nhiên, đẩy mạnh trồng cây đặc sản hoa trái mới là một vế, một mặt của sự phát triển nông nghiệp, còn cần một vế khác, phải đẩy mạnh cả phương diện khác, ấy là tiêu thụ. Cùng với đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, thì một trong những hướng tìm đầu ra cho đặc sản hoa trái là xuất khẩu. Rau quả là một trong những mặt hàng xuất khẩu liên tiếp tăng trưởng, năm 2018 đã đạt 3,8 tỷ USD. Năm nay, cộng dồn 7 tháng đầu năm đã đạt 2,3 tỷ USD, nhiều khả năng có thể đạt được mục tiêu 4 - 4,2 tỷ USD mỗi năm. Hiện nay, rau quả của Việt Nam đã có mặt trên hơn 50 nước, các thị trường chủ lực tiềm năng là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Hà Lan, Thái Lan, Singapore và nhất là các nước EU.
Theo Tổng cục Hải quan, trong cơ cấu thị trường 6 tháng đầu năm 2019 thì Trung Quốc vẫn là thị trưởng chủ đạo tiêu thụ rau quả của Việt Nam, chiếm tới 71,5% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, đạt 1,46 tỷ USD. EU là thị trường lớn thứ hai để xuất khẩu rau quả của Việt Nam bởi đây là khối kinh tế có nhu cầu nhập khẩu trái cây lớn nhất trên thế giới, đặc biệt là trái cây nhiệt đới mà Việt Nam có thế mạnh. Trong 40 loại hoa quả được trồng trên cả nước Việt Nam có đến 27 loại hoa quả có giá trị thương mại cao. Nhờ khí hậu thuận lợi, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có thể sản xuất nhiều loại trái cây nhiệt đới với số lượng lớn, năm 2014 Việt Nam từng được đánh giá có đến 6 loại trái cây có sản lượng thuộc top 10 thế giới. Việc vừa ký kết thành công Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), với thuế quan giảm dần về 0 thì EU càng là thị trường hứa hẹn nhiều khả năng đem về kim ngạch lớn cho hoa quả xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, đi liền với thuận lợi thì cũng có những khó khăn, thách thức là các bạn hàng EU cũng như của nhiều thị trường khác trên thế giới luôn luôn và ngày càng đòi hỏi khắt khe với hoa qủa Việt Nam về chất lượng, về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là dư lượng hóa chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, trồng cấy, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu hoa trái của Việt Nam cũng nằm trong những khó khăn chung về tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam, từ những sự bất thường khí hậu, hạn hán mưa bão, đến vốn đầu tư, vận chuyển hàng hóa, ách tắc cửa khẩu… Để khắc phục khó khăn, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có nhiều chủ trương, chính sách, nỗ lực tìm cách mở rộng thêm thị trường nhập khẩu cho trái cây Việt Nam, giúp nông dân và các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm để vượt qua rào cản kỹ thuật cũng như những đòi hỏi về chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng với Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá là còn nhiều tiềm năng và triển vọng hết sức ngoạn mục, rất cần phát huy, nhân rộng. Còn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thì yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết vướng mắc để tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản nói chung, đặc sản hoa trái nói riêng sang các thị trường quen cũ cũng như mới tìm kiếm, khai thác trên thế giới, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển các sản phẩm chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh/ địa phương gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Trung Vũ