Bác Hồ làm báo Việt Nam độc lập

Thứ hai, 21/06/2021 07:00
(ThanhtraVietNam) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định báo chí là công cụ tuyên truyền sắc bén để giáo dục, giác ngộ, định hướng và tổ chức quần chúng dưới ngọn cờ cách mạng. Vì thế, những hoạt động cách mạng của Người luôn gắn liền với báo chí. Sử dụng văn phong giản dị, trong sáng, ngắn gọn, súc tích, những bài viết mang tính chiến đấu cao của Người là đòn tấn công trực diện, mạnh mẽ, phơi bày tội ác của bọn xâm lược, nêu cao quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân Việt Nam, là lời hiệu triệu động viên mọi tầng lớp đoàn kết lại dưới ngọn cờ cách mạng. Đó còn là tiếng nói rất mực yêu chuộng hòa bình, suốt đời phấn đấu vì những mục đích tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.

Do yêu cầu của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập, chỉ đạo sáng lập ra nhiều tờ báo cách mạng, trong số đó không thể không kể đến tờ Việt Nam độc lập. Ra đời trong những năm tháng đói cơm, nhạt muối, thiếu thốn trăm bề, nhưng Việt Nam độc lập nhanh chóng nhen nhóm và quy tụ những đốm lửa yêu nước riêng lẻ thành ngọn lửa cách mạng lớn mạnh dần theo thời gian, để rồi khi thời cơ thuận lợi đến, ngọn lửa ấy bùng cháy mãnh liệt, biến thành sức mạnh quét sạch bè lũ bán nước và cướp nước. Việt Nam độc lập đã góp phần đáng kể vào việc tuyên truyền, xây dựng lực lượng cách mạng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám 1945.

leftcenterrightdel
Những tờ báo xưa được cất giấu trong những ống nứa, trong hang đá, trong lòng đất đã được sưu tầm lại để trưng bày trong các bảo tàng cách mạng nhằm tuyên truyền giáo dục về một thời kỳ hào hùng của dân tộc. Ảnh tư liệu
Sau 30 năm đi tìm đường cứu nước (kể từ năm 1911), mùa Xuân Tân Tỵ năm 1941, Bác đã trở về Tổ quốc. Đồng chí Vũ Kỳ kể lại: Hành trang theo Bác trở về Pác Bó vẻn vẹn chỉ có một chiếc va ly xách tay bằng mây, trong đựng hai bộ quần áo đã cũ và tập tài liệu “Con đường giải phóng” tập hợp những bài giảng trong lớp huấn luyện ở Nậm Quang (Quảng Tây, Trung Quốc) do Bác phụ trách vừa mới kết thúc trước Tết mấy hôm” (1). Bác sống trong hang Cốc Bó khoảng hơn một tháng, sau đó để đảm bảo bí mật, các đồng chí cùng đồng bào Pác Bó dựng cho Bác chiếc lán cách hang Cốc Bó khoảng 1km bên dòng Khuổi Nặm và đến cuối tháng 3/1941, Bác chuyển sang ở lán Khuổi Nặm. Khuổi Nặm là một khe suối nhỏ bắt nguồn từ một nơi khá cao trên dãy núi biên giới Việt Trung ở địa phận xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (hiện nay thuộc tỉnh Cao Bằng). Suối chảy qua một khe núi đất pha đá, ẩn mình kín đáo dưới tán lá một rừng cây um tùm. Độ dài của khe núi Khuổi Nặm, từ chỗ bắt nguồn cho tới nơi đổ vào dòng suối Pác Bó mà Bác đã đặt tên là suối Lênin chảy cuồn cuộn dưới vách núi Các Mác, chỉ vài cây số nhưng dòng suối nhỏ ấy gắn với một giai đoạn lịch sử rất hào hùng của dân tộc. Tại đây, Bác đã chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng (tháng 5/1941) - hội nghị thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh. Nhằm thiết thực phục vụ cho công tác tuyên truyền những nhiệm vụ cách mạng mà Hội nghị Trung ương đã đề ra, ngày 1/8/1941, báo Việt Nam độc lập, cơ quan tuyên truyền của Việt Minh tỉnh Cao Bằng xuất bản số đầu tiên.

Kể lại câu chuyện làm báo Việt Nam độc lập với Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16/4/1959, Bác nói: “Năm 1941, bí mật về nước, theo lời dạy của Lênin là: tờ báo là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo, cho nên mình cố gắng ra một tờ báo ngay và phải làm bí mật vì luôn luôn có mật thám của Pháp, Nhật và Bảo Đại rình mò. Điều kiện sinh hoạt thì bữa đói bữa no. Làm báo thì phải có đá in. Mấy đồng chí đã đi lấy trộm những tấm bia đá, rồi mài mặt mấy ngày mới thành bản in. In thì phải viết chữ trái lên đá, thế là có một đồng chí phải hì hục tập viết chữ trái. Mấy số báo đầu, ba, bốn anh em cùng làm nhưng in cứ toe toét, chỉ in được ít và xấu xí. Nhưng về sau, cứ tiến bộ dần, mỗi lần in được gần 300 số. Phải đặt ba “nhà in” ở ba chỗ khác nhau. Khi động chỗ này thì chạy đến chỗ khác mà in và báo vẫn ra đúng định kỳ. Địch chịu không làm gì được.

Vấn đề giấy cũng gay. Lúc bấy giờ ai mua nhiều giấy, địch cũng nghi và theo dõi. Các chị em phụ nữ đi chợ mua 5, 10 tờ, nói dối là mua cho con cháu học rồi góp lại để in báo.

In bàn đá, muốn sửa chữa, phải dùng axit thì mua đâu được? Có đồng chí nghĩ ra cách dùng chanh thay axit. Chị em phụ nữ lại giúp mua chanh để ủng hộ báo.

Còn việc phát hành: để báo ở các hang đá bí mật. Các đồng chí phụ trách cơ sở Việt Minh cứ đến đó mà lấy. Báo bán hẳn hoi chứ không biếu.

Thế là mọi việc đều dựa vào quyết tâm của mình, dựa vào lực lượng và sáng kiến của quần chúng.

Đồng bào địa phương rất thích đọc báo vì báo viết gì, nói gì cũng thấm với họ. Đồng bào còn tự động tổ chức những tổ đọc báo và bí mật đưa tin tức cho báo. Đồng bào lại tìm mọi cách tuyên truyền cho lính dõng đọc báo để làm binh vận” (2).

Ngày 1/8/1941, báo Việt Nam độc lập ra số 1. Số báo đầu tiên được Bác ghi là số 101 với ý nghĩa đó là sự kế tục sự nghiệp những tờ báo bí mật đã ra đời từ trước đó. Báo mang tên là Việt Nam độc lập để mọi người thấy rõ ngay mục tiêu cách mạng trước mắt mà ta cần đạt tới: làm cách mạng giải phóng dân tộc để mang lại nền độc lập cho đất nước Việt Nam. Số đầu có một bức họa do chính Bác dùng những chữ “Việt Nam độc lập” để ghép thành hình một thanh niên cầm cờ đỏ sao vàng, thổi kèn với mấy dòng chữ ở dưới:

Việt Nam độc lập thổi kèn loa

Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già

Đoàn kết vững bền như khối sắt

Để cùng nhau cứu nước Nam ta!

Ngay từ số đầu báo đã quy định: Báo này một tháng 3 kỳ. Giá báo một tháng 1 hào, 1 năm 1 đồng 2. Ai mua phải giả tiền trước. Bác giải thích: “Cách mạng bán báo không phải vì thiếu tiền mà để gây ý thức quý trọng tờ báo đối với người đọc” (3). Trong số 101, báo đăng bài Xã luận trình bày rõ về tôn chỉ, mục đích: Báo Việt Nam độc lập cốt làm cho dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật, làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng tự do.

Báo được in trên đá, thường gọi là in litô đều đặn mỗi tháng 3 kỳ. Cách in đòi hỏi sự khéo léo nhất định. Trước hết phải mài mặt đá cho thật phẳng và nhẵn để chữ lên đều. Người viết dùng bắt sắt chấm mực nho đặc để viết lên mặt đá những chữ trái nét theo từng cột đúng như trình bày trên các số báo. Mỗi mặt đá là một trang báo. Chữ viết xong để thật khô rồi xoa một lớp nước chanh lên trên. Nhờ có lớp nước chanh, mực in khi lăn lên mặt đá chỉ bắt vào những nét chữ viết. Dùng giấy bản phủ lên mặt đá và dùng con lăn lăn qua, chữ viết trái nét khi in lên giấy sẽ trở thành chữ bình thường. Việc mài đá đòi hỏi cần cù, kiên nhẫn. Viết chữ trái nét cũng phải tập luyện nhiều để viết đúng và đẹp. Việc sắm sửa dụng cụ ban đầu để làm báo không khó nhưng vấn đề có đủ giấy, mực, nước chanh thường xuyên để ra đúng kỳ không đơn giản.

Từ khi có báo, các cơ sở cách mạng lại có thêm một nhiệm vụ mới cần đặc biệt chú ý là ủng hộ báo về mọi mặt. Người Dao ở vùng cao thường sản xuất những loại giấy bản bằng bột vỏ dó hoặc bột vầu, nứa. Đấy là những loại giấy khô, dễ hút nước. Giấy vỏ dó màu xám, giấy làm bằng vầu, nứa màu vàng và gọi là “giấy bụng bò”, được dùng để đốt pháo, viết sách chữ nho, cắt tiền giấy làm đám ma, gói bánh khảo ngày tết… Đây là loại giấy mà đồng bào miền núi thường dùng. Vì cơ sở cách mạng ngày càng lan rộng nên mỗi phiên chợ, chỉ cần hội viên gửi cho tổ trưởng vài tờ giấy là báo đủ in một kỳ. Cơ sở gửi đến ủng hộ một túi chanh là nhu cầu về nước chanh được đáp ứng đủ trong một thời gian. Mực in thì khó hơn nhưng lại không hiếm ở những phiên chợ biên giới. Các đồng chí phụ trách tờ báo đã dùng những nguyên vật liệu cơ sở gửi đến thật tiết kiệm, vắt nước chanh đựng vào chai, dùng dần những tháng không có chanh.

Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động của Việt Nam độc lập từ khi ra đời đến tháng 8/1942. Trong khoảng thời gian đó báo xuất bản được trên 30 số. Chủ đề những số báo này tập trung phản ánh tình hình xã hội Việt Nam, khơi dậy truyền thống lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, nêu cao tinh thần đoàn kết toàn dân, cùng vùng lên chống giặc ngoại xâm. Việt Nam độc lập trở thành tờ báo thúc giục hành động cách mạng, gắn bó thân thiết với quần chúng, văn phong giản dị, nôm na, dễ hiểu giống đồng dao như những bài: Kính cáo đồng bào, Lịch sử nước ta, Con cáo và tổ ong, Nhóm lửa, Chơi giăng…

Thời gian đầu, khi phong trào Việt Minh còn ở trong phạm vi ba huyện Hòa An, Hà Quảng và Nguyên Bình, báo đáp ứng tương đối đầy đủ đến các cơ sở. Từ tháng 7/1942 trở đi, khi phong trào mở đường Nam tiến, phát triển đến địa phận tỉnh Bắc Cạn, báo được chia thêm về cơ sở mới, trong khi đó các cơ sở cũ ngày càng phát triển mạnh. Đến năm 1943, số lượng báo không thể đáp ứng đủ cho những cơ sở ở vùng trung tâm căn cứ địa, mỗi xã thường chỉ còn được mua một tờ để đọc chung trong những kỳ họp và chỉ có cán bộ phụ trách mới được giữ báo. Bước sang năm 1944, mặc dù phong trào bị khủng bố mạnh, việc ra báo gặp trở ngại trong một thời gian ngắn, nhưng phạm vi phát hành đã rộng khắp liên tỉnh Cao Bắc Lạng. Việt Nam độc lập đã trở thành báo liên tỉnh. Báo in số lượng vài trăm bản trong lúc cơ sở cứu quốc mở rộng nhanh chóng nên không đủ đáp ứng yêu cầu của quần chúng. Những bài văn vần đăng báo được đồng bào truyền tay nhau, chép lại, học thuộc lòng. Đồng bào càng lúc càng thêm quý trọng, giữ gìn tờ báo vì nội dung thiết thực, dễ hiểu giúp đồng bào có lời giải đáp cho những vấn đề chưa rõ, đồng thời phổ biến, tuyên truyền những nội dung mới trong sự nghiệp đấu tranh.

Điểm lại tất cả những tờ báo bí mật của Đảng xuất bản trước cách mạng tháng Tám 1945 ở trong nước, có thể nói rằng Việt Nam độc lập là một trong những tờ báo tồn tại lâu nhất, phát hành đều đặn nhất và phạm vi phát hành ngày càng mở rộng. Đặt trong dòng báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và báo chí cách mạng xuất bản bí mật nói riêng, những đóng góp của báo Việt Nam độc lập cho sự nghiệp giải phóng dân tộc đã làm sáng tỏ hơn nữa sức mạnh báo chí cách mạng do nhà báo Hồ Chí Minh đặt nền móng. Dưới sự chỉ đạo biên tập của Người, báo Việt Nam độc lập cũng như nhiều tờ báo khác với sức tuyên truyền, lay động mạnh mẽ đã góp phần quan trọng quy tụ quần chúng đứng dưới lá cờ của Đảng, cùng đoàn kết đấu tranh giành độc lập./.

Thu Hằng

Chú thích:

(1) Vũ Kỳ, Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb Chính trị quốc gia, 2009, tr 85;

(2) Website: https://tennguoidepnhat.net/2012/05/02/bai-noi-tai-dai-hoi-lan-thu-hai-hoi-nha-bao-viet-nam-34-16-4-1959;

(3) Bác Hồ với Văn nghệ sĩ, Nxb. Tác phẩm mới, 1980, tr 25.

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra