Giải pháp phát triển Du lịch làng nghề

Thứ năm, 10/10/2013 14:34
 (ThanhtraVietnam) - Trong thời gian qua, Du lịch làng nghề có những bước phát triển mạnh mẽ, với những thương hiệu nổi tiếng đã xuất hiện trong hầu hết các sách hướng dẫn du lịch trên thế giới (như Bát Tràng, Vạn Phúc…). Tuy nhiên sự tăng trưởng đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Tỷ lệ khách đến các làng nghệ so với khách du lịch của cả thành phố vẫn thấp…

 

Nhận thức được giá trị quý báu của tiềm năng du lịch làng nghề ở Hà Nội, trong khuôn khổ Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Tọa đàm về “Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch làng nghề, phố nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Sông Hồng năm 2013”.

 

Thủ đô Hà Nội có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng – nơi khởi phát một nền văn minh lâu đời, lại có lịch sử cả ngàn năm là kinh đô của quốc gia, hiển nhiên sở hữu một kho báu di sản văn hóa rất lớn lao và đặc sắc, với nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia và di sản thế giới cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, đã làm cho Hà Nội trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

 

Trong những lợi thế về di sản văn hóa dân tộc đặc sắc, làng nghề truyền thống có sức hút đặc biệt, bởi Hà Nội có hơn một ngàn làng nghề có nghề truyền thống. Các làng nghề này đã có một quá trình phát triển hàng trăm năm và hết sức phong phú, mang đặc tính riêng và gắn với truyền thống lịch sử - văn hóa như làng nghề gốm sứ Bát Tràng (hình thành cách đây trên 600 năm), làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ (hơn 1000 năm), làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (trên 1200 năm), làng nghề tạc tượng Sơn Đồng (trên 960 năm), làng nghề dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ (hơn 1000 năm)…

Ảnh minh họa - Internet

 

Ths. Mai Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định, buổi Tọa đàm nhằm đánh giá lại hiện trạng của du lịch làng nghề để từ đó nghiên cứu xây dựng được những giải pháp phát triển du lịch làng nghề. Các giải pháp đó phải được xây dựng trên quan điểm bền vững, có nghĩa là du lịch làng nghề phải đạt cả hiệu quả kinh tế lẫn hiệu quả kinh tế lẫn hiệu quả về văn hóa – xã hội và môi trường, phù hợp với chủ trương chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn và nông dân của Đảng và Nhà nước; góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng nông thôn mới, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị.

 

Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm du lịch làng nghề thực sự hấp dẫn du khách để có thể khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch làng nghề và đặc biệt nó phải kết hợp được với những loại hình du lịch khác để có thể kéo dài được thời gian lưu trú của du khách; quan tâm nghiên cứu phát triển phương thức lưu trú tại nhà dân; nghiên cứu xây dựng các chiến lược tuyên truyền quảng bá cho các làng nghề với tư cách là một điểm du lịch văn hóa – một loại hình du lịch đang là xu thế phát triển của du lịch thế giới.

 

Ngoài ra, kết quả của buổi Tọa đàm còn phục vụ nghiên cứu xây dựng các chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch tại địa phương đặc biệt là đội ngũ thuyết minh viên và tổ chức các dịch vụ du lịch ở các làng nghề, vừa đảm bảo yêu cầu phục vụ khách du lịch tốt hơn, vừa tích cực tạo nguồn thu trực tiếp cho người dân các làng nghề.

 

Trong xu thế hội nhập và mở cửa, làng nghề truyền thống đang dần lấy lại vị trí quan trọng của mình trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi dân tộc mỗi quốc gia. Phát triển du lịch làng nghề chính là một hướng đi đúng đắn và phù hợp, được nhiều quốc gia ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch. Tuy nhiên, để du lịch làng nghề phát triển tương xứng với tiềm năng, nâng tầm thành một loại hình du lịch trọng điểm thu hút khách, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch gắn kết với phát triển làng nghề truyền thống như chính quyền địa phương nơi có làng nghề cần tham gia sâu hơn nữa vào công tác phát triển du lịch, đưa ra những cơ chế chính sách thuận lợi nhằm khuyến khích các hộ dân tham gia làm du lịch, đặc biệt tạo điều kiện trong việc vay vốn để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng. Khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

 

Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, có giải phpá quản lý chất lượng dịch vụ từ các khâu chuyên chở, phục vụ, đón tiếp, hướng dẫn và điều hành. Bên cạnh các kỹ năng gia truyền, cần khuyến khích người dân làng nghề tìm hiểu, học hỏi thêm để có thể làm ra các sản phẩm đạt độ tinh xảo, chất lượng cao, có thể đáp ứng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế; cần nghiên cứu để khôi phục hoặc bảo tồn tục thờ tổ nghiệp và các lễ hội gắn liền với các sinh hoạt cộng đồng, phản ánh đậm nét đời sống tinh thần phong phú của người dân. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá. Với tốc độ phát triển xã hội như hiện nay, marketing là công cụ vô cùng hữu hiệu để mang sản phẩm lại gần với người tiêu dùng. Việc bắt tay vào các doanh nghiệp làm du lịch cũng rất quan trọng. Các công ty du lịch thường nắm bắt rất rõ tâm lý khách hàng, chính vì vậy sẽ không khó để xây dựng các tour du lịch làng nghề phù hợp với nhu cầu và sở thích của du khách./.

 

Nhất Anh

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra