Giám đốc Văn Miếu nói gì về sự xuống cấp nghiêm trọng của giếng Thiên Quang?

Thứ sáu, 14/07/2017 08:57
Trước sự việc giếng Thiên Quang - một hạng mục quan trọng của khu Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đang có dấu hiệu xuống cấp, nền đất bị sụt lún, móng tường lan can có nguy cơ bị đổ, PV đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này.

leftcenterrightdel
 Hiện nay, giếng Thiên Quang trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang có dấu hiệu xuống cấp, cần được tu sửa gấp. Ảnh: Trần Vương

Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn về hiện trạng của giếng Thiên Quang trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

- Cùng với Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang là một hạng mục quan trọng trong khu Nội tự, móng được xây gạch vồ đặc. Hệ thống tường lan can bao quanh giếng được xây gạch chỉ đặc, trát vữa ximăng xen kẽ các ô hoa văn bằng gốm. Giếng Thiên Quang nằm tại vị trí trung tâm, có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Tuy nhiên, hiện nay, khu vực giếng đang xuống cấp trầm trọng. Cụ thể, vào lúc 16h45 ngày 27.3.2017, tại khu vực giếng Thiên Quang đã xảy ra hiện tượng móng của đoạn tường lan can (dài khoảng 10m) bao quanh hồ, khu vực đối diện với cổng Đại Trung bị trôi ra, làm cho đoạn tường có nguy cơ bị đổ xuống. Hiện tượng này cũng diễn ra tại khu vực đối diện với Khuê Văn Các lúc 11h15 ngày 28.3.2017. 

Ngay sau khi phát hiện sự việc, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã khẩn trương tiến hành các biện pháp xử lý: Gia cố phần móng bị trôi; tổ chức, phân luồng khách tham quan không qua khu vực đang xảy ra sự cố, đảm bảo việc tham quan của du khách tại di tích diễn ra bình thường; tiến hành khảo sát sơ bộ để tìm nguyên nhân và phương án giải quyết. 

leftcenterrightdel
TS. Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: TV 

Qua khảo sát, ông có thể cho biết nguyên nhân của sự xuống cấp này là gì?

- Quá trình khảo sát ban đầu cho thấy, hiện tượng trôi móng tường lan can bao quanh giếng được xác định là do cấu tạo móng xây bằng gạch vồ, vữa vôi, không có xi măng cốt thép, để trong nước lâu năm nên bị xuống cấp.

Bên cạnh đó, do điều kiện thời tiết nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều, cộng với nền đất khu vực giếng Thiên Quang rất yếu, nên đã dẫn đến hiện tượng sụt lún trên. Việc trôi móng tường lan can bao quanh giếng Thiên Quang nếu không được xử lý kịp thời sẽ làm cho hệ thống tường lan can bao quanh giếng sụp đổ, gây nguy hiểm cho khách tham quan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan của di tích.

Mặt khác, do ảnh hưởng của người đi lại xung quanh tác động lên nền đất yếu cũng khiến mặt nền bị lún sụt (biểu hiện là các hàng gạch lát trên đường dạo xung quanh giếng nhiều chỗ đã bị lún, nứt mạch).

Tất cả các yếu tố trên đều là nguyên nhân gây ảnh hưởng bất lợi đến sự ổn định của móng kè, khiến cho móng bị lún sụt, trôi trượt mạnh như hiện nay.

leftcenterrightdel
Hiện khu vực giếng này đã được bảo vệ bởi hàng rào để không ảnh hưởng tới khách tham quan. Ảnh: Trần Vương 

Vậy Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ có lộ trình như thế nào để tiến hành tu sửa khu di tích?

- Hiện trạng hư hỏng của giếng đang gây ảnh hưởng xấu đến an toàn sử dụng, thẩm mỹ chung của khu vực và đặt biệt là giá trị bảo tồn của công trình di tích quốc gia.

Được sự chỉ đạo của UBND Thành phố và Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Hoạt động VH-KH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Kiểm định xây dựng, Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội, tiến hành khảo sát, kiểm định chất lượng hiện trạng công trình; tham mưu với Sở VH - TT Hà Nội tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học về lĩnh vực di sản văn hóa; hoàn thiện báo cáo phương án tu sửa cấp thiết khu vực giếng Thiên Quang trình các cấp có thẩm quyền để tạo cơ sở triển khai trên thực địa.

Theo quan điểm của đơn vị tư vấn, việc cải tạo sửa chữa tổng thể để nâng cao tuổi thọ công trình là hết sức cần thiết và cấp bách. Công tác cải tạo cần phải tuân thủ giá trị bảo tồn, giữ nguyên các bộ phận công trình chưa bị hư hỏng, cải tạo sửa chữa các bộ phận bị nứt hỏng, gia cố toàn bộ nền móng kè để công trình bền vững được lâu dài. Cần phải có phương án thiết kế gia cố móng kè, chắn đất chống sạt lở chân móng; xây chèn đá hộc kè vào đế móng và bơm bêtông vào các chỗ rỗng hở hàm ếch dưới đế móng để tạo thành khối liên kết cứng.

Xin cảm ơn ông!

Theo Vương Trần/Lao động

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra