Từ ngày 25 đến 27/6, hơn 880.000 thí sinh trên cả nước chính thức tham gia kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.
Nhìn lại kỳ thi này, chúng ta có thể thấy Bộ GD-ĐT đã nỗ lực để kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại các điểm thi trên cả nước.
Thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.
Với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ là đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi, Bộ GD-ĐT đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành, lực lượng trong xã hội để cùng tham gia công tác tổ chức, coi thi.
Nếu như năm 2018, Bộ GD-ĐT đã huy động 4.000 cán bộ là giảng viên các trường đại học, học viện tham gia phối hợp tổ chức cho kỳ thi thì năm nay, con số này đã tăng lên thành 5.000 người.
Ngoài ra, Bộ đã thành lập hàng chục đoàn thanh tra để kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị thi, coi thi và chấm thi ở các địa phương.
Có thể nói, kể từ khi thực hiện kỳ thi THPT Quốc gia từ năm 2015 đến nay, chưa bao giờ Bộ GD-ĐT huy động số lượng hùng hậu cán bộ coi thi đến từ các trường ĐH, học viện và chỉ đạo nhiều đoàn thanh tra đến như vậy. Việc làm này đã cho thấy quyết tâm của Bộ để đảm bảo có một kỳ thi thực sự an toàn, nghiêm túc và công bằng cho thí sinh.
Kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại tất cả các điểm thi trong cả nước. Kết thúc kỳ thi, không còn hiện tượng phao thi ở các điểm thi. Một số hiện tượng vi phạm quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời đảm bảo tính nghiêm minh của kỳ thi. Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
Hình ảnh đẹp được thấy trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 (ảnh: Mỹ Dung/VOV-TP HCM)
Nhằm hạn chế những gian lận trong công tác chấm thi đã xảy ra như năm 2018, năm nay, Bộ GD-ĐT cho biết không công bố đáp án các môn sau khi thí sinh thi xong và sẽ cân nhắc, tính toán theo diễn tiến của việc chấm thi để lựa chọn thời điểm công bố đáp án phù hợp. Việc làm này đã nhận được sự đồng thuận của nhiều tầng lớp trong xã hội.
Ngoài ra, trong suốt kỳ thi THPT Quốc gia 2019, tình trạng ùn tắc giao thông cũng không còn xảy ra ở nhiều tuyến phố hay tại cổng trường, xung quanh các trường ĐH, CĐ. Đây cũng là những điều đáng ghi nhận trong công tác tổ chức thi của Bộ GD-ĐT nhằm giảm căng thẳng, tốn kém cho xã hội.
Nên xem lại việc thí sinh được phép mang thiết bị vào phòng thi
Bên cạnh những mặt tích cực thì kỳ thi THPT Quốc gia năm nay còn bộc lộ một số sai sót xảy ra ở một số Hội đồng thi ở Sơn La, Lào Cai, TP HCM do lỗi của cán bộ coi thi, in sao đề thi như việc phát nhầm đề thi cho thí sinh, in thiếu đề thi, ký nhầm ô tại giấy thi dẫn đến thí sinh phải làm bài thi muộn giờ so với quy định.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kỳ thi này, toàn quốc có 6 cán bộ coi thi và 79 thí sinh vi phạm quy chế thi (trong đó 72 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 3 thí sinh bị cảnh cáo, 4 thí sinh bị khiển trách).
Điều đặc biệt quan tâm là ngay trong môn thi đầu tiên là Ngữ văn, một thí sinh ở tỉnh Phú Thọ đã vi phạm quy chế thi khi dùng điện thoại chụp đề rồi gửi cho người ở bên ngoài giải hộ. Thí sinh này đã lợi dụng quy định cho phép thí sinh được mang vào phòng thi các thiết bị ghi âm, ghi hình nhằm phát hiện gian lận thi cử để thực hiện hành vi gian lận.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam
Mặc dù tỉnh Phú Thọ đã đình chỉ thi đối với thí sinh và 2 cán bộ coi thi nhưng có chuyên gia giáo dục và dư luận xã hội vẫn đặt câu hỏi là với việc thí sinh lợi dụng quy định được phép để thực hiện hành vi “tuồn” đề thi ra ngoài cho người giải hộ thì cũng có nghĩa là gian lận trong thi cử vẫn còn “đất sống”?
Đề cập tới vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, trong thời đại Công nghệ thông tin phát triển vũ bão như hiện nay, nhiều cán bộ coi thi khó có thể kiểm soát và phát hiện được tất cả các thiết bị hiện đại mà thí sinh được phép mang vào phòng thi nên gian lận thi cử vẫn còn “đất sống”.
Theo ông Phạm Tất Dong, để ngăn chặn gian lận trong khi làm bài thi, đòi hỏi việc ra đề phải làm sao để thí sinh nghĩ rằng dù có mang thiết bị vào phòng thi cũng không thể làm gì được.
Hình thức thi trắc nghiệm có nhiều lợi thế là có thể khắc phục tình trạng học thuộc lòng, học tủ học lệch của thí sinh nhưng có hạn chế là nhiều khi có thí sinh học ở mức Trung bình nhưng cứ tích bừa thì lại đúng đáp án. Mặt khác, việc ra đề thi không phải môn nào cũng thi trắc nghiệm hoặc tất cả các phần của môn thi đều làm trắc nghiệm. Ví dụ như với môn Toán có những phần đòi hỏi thí sinh phải lập luận, trình bày một cách khoa học, logic...
Đề thi không nên quá khó hay quá dễ mà phải làm tìm ra được trình độ, năng lực của học sinh một cách thực chất
Ông Hoàng Ngọc Vinh, chuyên gia giáo dục
Còn ông Hoàng Ngọc Vinh, chuyên gia giáo dục lại cho rằng, quy chế thi THPT Quốc gia có quy định, thí sinh được phép mang vào phòng thi các thiết bị ghi âm, ghi hình để phát hiện gian lận thi cử, tăng cường sự giám sát giữa thí sinh với nhau, thí sinh với cán bộ coi thi và ngược lại.
Trường hợp thí sinh ở Phú Thọ dùng điện thoại chụp đề thi rồi truyền đề ra bên ngoài để giải hộ là đã vi phạm quy chế thi nên phải bị đình chỉ thi và sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tuy nhiên, nếu Bộ GD-ĐT không quản lý hết được những trường hợp như thế này thì cũng phải nghĩ tới tổng kết, xem xét lại việc thí sinh mang thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình vào phòng thi để đưa ra giải pháp quản lý thi được tốt hơn.
Quy định thí sinh được phép mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh hoặc hình ảnh trực tiếp được thực hiện từ một vài năm trước đã góp phần giảm tải tiêu cực, đảm bảo an toàn tại các hội đồng thi.
Tuy nhiên, thực tế đã có những thí sinh và giám thị lại lợi dụng việc này để thực hiện hành vi gian lận trong buổi thi.
Tại cuộc họp báo chiều 27/6, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, việc kiểm soát thí sinh mang thiết bị vào phòng thi chỉ có chức năng thu sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng hơn. Bộ cũng sẽ xem xét, cân nhắc trong thời gian tới có nên cho thí sinh mang thiết bị có chức năng thu nhằm phát hiện tiêu cực nữa hay không.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) phát biểu tại cuộc họp báo chiều 27/6 sau khi kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia 2019.
Năm 2018, cũng tại cuộc họp báo kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia, ông Mai Văn Trinh đã đề cập đến việc này khi nhiều phóng viên hỏi về kỳ tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội ngày 7/6, giám thị tại điểm thi THPT Vân Nội, Đông Anh đã bị phát hiện chụp đề thi Toán và Văn gửi ra ngoài cho đồng nghiệp ngay từ đầu giờ thi khiến các cơ quan chức năng phải điều tra, làm rõ và đưa ra biện pháp, hình thức xử lý kỷ luật.
Thiết nghĩ, việc chống gian lận thi cử quan trọng là phải nâng cao ý thức của phụ học sinh, phụ huynh, cán bộ coi thi để sao cho thí sinh không mang thiết bị, tài liệu vào phòng thi. Còn phụ huynh, cán bộ coi thi không có việc làm gian lận…
Tuy nhiên, với việc lọt đề thi ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2018 và năm nay là với đề thi môn Ngữ văn ở Phú Thọ thì Bộ GD-ĐT cũng cần phải xem xét lại việc có nên tiếp tục cho thí sinh hoặc giám thị mang máy điện thoại có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin.
Đặc biệt là khi Bộ GD-ĐT đang tích cực đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn gian lận thi cử nhằm lấy lại niềm tin của xã hội và nhân dân về một kỳ thi quốc gia thực sự nghiêm túc, công bằng, tiết kiệm và giảm bớt căng thẳng./.
Theo VOV