Người gìn giữ, khôi phục tranh dân gian Đông Hồ

Thứ tư, 19/05/2021 07:01
(ThanhtraVietNam) - Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế được biết đến là người duy trì và khôi phục dòng tranh Đông Hồ của Bắc Ninh. Mặc dù đã ở tuổi 86, nhưng người nghệ nhân vẫn khắc khoải niềm say mê với nghệ thuật và trăn trở làm sống lại làng nghề tranh Đông Hồ ở Việt Nam.

Nơi trưng bày tranh của gia đình ông chính là Trung tâm Giao lưu văn hóa dân gian đầu tiên cho dòng tranh Đông Hồ tại làng tranh Đông Hồ, tỉnh Bắc Ninh. Ở đây có nhiều tác phẩm từ in đến vẽ tay được trưng bày, không chỉ thế, đây cũng chính là nơi sản xuất chính của dòng tranh Đông Hồ. Hiện nay, hồ sơ quốc gia nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ký gửi UNESCO để đệ trình vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Với những nỗ lực và tâm huyết trong việc bảo tồn, phát triển tranh Đông Hồ của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, dòng tranh dân gian này sẽ có cơ hội sống mãi cùng dòng chảy hội họa của dân tộc Việt Nam.

leftcenterrightdel
Trung tâm Giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ. Ảnh: Khánh Linh 

Theo chân nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, chúng tôi được nghe giới thiệu về các bức tranh và cơ duyên của ông với nghề. Nghệ nhân kể, ông vẽ tranh từ khi mới 7 tuổi. Sau đó, theo học tại trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp: “Học ở đó chủ yếu là để tôi biết mỹ thuật, còn làm tranh thì tôi làm theo phong cách của Đông Hồ. Học 4 năm xong thì nhà trường giữ tôi ở lại công tác, sau đó tôi học bổ túc lên đại học, cao học. Tôi công tác ở trường đấy 11 năm” - ông chia sẻ. Từ lúc lập nên cơ ngơi này, “thời gian đầu khó khăn lắm, nhưng bằng sự tâm huyết và kiên trì với nghề nên Trung tâm mới được như ngày hôm nay,” người nghệ nhân già hồi tưởng.

Từ khi ông nghỉ hưu (năm 1992) tới nay cũng gần 30 năm, ông về làng khôi phục tranh Đông Hồ và giờ nó đang dần sống lại. Cả làng bây giờ còn có 2 gia đình theo nghề làm tranh là gia đình của ông Nguyễn Đăng Chế và gia đình của cụ Nguyễn Hữu Sam. 3 đời nhà ông gắn bó với làng Đông Hồ và nghiệp làm tranh. Con trai, con rể, con gái, con dâu, các cháu, cả nhà đều làm cả. Với hơn 200 đề tài và các loại tranh trong tay mình. “Bản thân tôi là người có nghề lại được đào tạo. Từ khi được đào tạo, tôi lại càng thấy giá trị của làng nghề. Cho nên, từ những năm tháng đang còn công tác, đi đến đâu thấy tranh Đông Hồ thì tôi lại sưu tầm nó, đến lúc nghỉ hưu tôi đã có những mẫu mã, tự tay tôi ngồi khắc, tự tay tôi làm”, người nghệ nhân già chia sẻ trong sự tự hào.

leftcenterrightdel
 Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Ảnh: Khánh Linh

Mọi năm, nghệ nhân thường làm lịch Đông Hồ để bán, bán từ tháng 10 âm lịch tới Tết là đã hết rồi, nhưng năm nay vì dính dịch bệnh Covid-19 nên 5 tháng nay sản phẩm ra lò cũng chậm lại. Thế nhưng thông tin sắp tới sẽ khánh thành bảo tàng về tranh Đông Hồ. Đây là cơ hội để quảng bá, giới thiệu cho nhiều người biết hơn, không chỉ ở trong nước mà còn cả nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là với giới trẻ hiện nay người nghệ nhân lại vui mừng lên.

Không biết dòng tranh dân gian, tranh Đông Hồ còn thăng trầm ra sao trong dòng chảy lịch sử, nhưng điều mà bất cứ một nghệ nhân làng nghề tranh dân gian Đông Hồ nào cũng mong muốn đó là nó sẽ không bị mai một, thế hệ trẻ vẫn sẽ yêu tranh và coi đó là di sản của dân tộc cần được lưu giữ và bảo tồn./.

Khánh Linh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra