Ngày thơ bé, cứ mỗi lần đến tết trung thu trẻ con trong xóm lại nô nức đem khoe những món đồ chơi của mình. Trung thu xưa giản dị nhưng lấp lánh sắc màu trong hoài niệm Tết trung thu gắn liền với chiếc đèn ông sao dán giấy bóng kính lấp lánh, với chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh đủ màu, với mâm cỗ đêm trăng tròn có trái bưởi, trái hồng, có bánh nướng, bánh dẻo... Cuộc sống thay đổi, những đồ chơi trong dịp Trung thu cũng thay đổi theo thời gian, có những món đồ chơi chỉ còn xuất hiện trong ký ức.
Đèn ông sao
Nhắc tới đồ chơi Trung thu thì không thể không kể tới những chiếc đèn ông sao. Dù một số đồ chơi trung thu truyền thống dần mai một, nhưng đèn ông sao vẫn hiện hữu và trở thành mặt hàng đắt khách, món quà ý nghĩa dành cho trẻ thơ trong dịp trung thu.
Đèn ông sao có hình ngôi sao 5 cánh, tâm sao gắn một cây nến để thắp sáng là một trong những loại đèn lồng yêu thích của trẻ nhỏ trong ngày Tết Trung thu.
Đèn lồng giấy xếp
Nói đến đồ chơi tết Trung thu là phải nói đến lồng đèn, thứ không thể thiếu để các em đi rước trăng. Đèn lồng có đủ hình thù, kiểu dáng, to nhỏ, có thể dùng vải bọc đèn thay giấy làm cho ánh sáng thêm huyền ảo lung linh.
Ngoài đèn ông sao, đèn lồng xếp giấy là một trong số ít món đồ chơi trung thu truyền thống của Việt Nam còn được lưu giữ và yêu thích đến ngày nay.
Đèn cù
Đèn cù cũng là một trong những món đồ chơi trung thu truyền thống có mặt trong thời thơ ấu của nhiều thế hệ người Việt Nam. Theo các thế hệ trước, tên của loại đèn này xuất phát từ hình dáng của nó. Khi gọi là đèn cù vì nó quay như cái cù.
Mỗi dịp Tết Trung thu, trẻ em khu xóm lại kéo đèn cù sáng ánh nến chạy vòng quanh sân và cười đùa ríu rít trong đêm trăng. Đèn cù quay được nhờ một bánh xe được gắn dưới đế đèn.
Để làm được một chiếc đèn cù mất khá nhiều công đoạn, từ chẻ nứa, vót nan đến làm bánh xe, dán giấy màu… Cái tên của chiếc đèn ông sư hay đèn cù xuất phát từ hình dáng của nó, chiếc chao đèn có hình giống mũ hòa thượng và khi kéo đi đèn sẽ quay như cái cù.
Đèn kéo quân
Thời xưa, có biết bao trẻ nhỏ say mê với đèn kéo quân vì sự nhiệm màu, độc đáo. Ngày nay, không có nhiều trẻ em biết đến đèn kéo quân vì loại đèn này dần mai một và được thay thế bởi nhiều món đồ chơi trung thu khác.
Đèn kéo quân được làm bằng giấy bao quanh chiếc khung tre gọi là lồng kéo. Đèn kéo quân độc đáo ở chỗ chiếc lồng kéo “biết” xoay tròn, kéo theo bao nhiêu hình, tên dân gian gọi là các “quân”.
Đèn kéo quân là trò chơi “vui mà học”, dạy các em về lịch sử, giáo dục lòng yêu nước. Chính vì thế, hình ảnh dán trên đèn kéo quân thường là những đoàn quân xung trận, ông quan trạng vinh quy bái tổ, cảnh tứ linh nhảy múa, nông dân làm ruộng, mục đồng chăn trâu, cho đến cả những nhân vật phim truyện nổi tiếng là thầy trò Đường Tăng trong phim Tây Du Ký…
Mặt nạ
Mỗi chiếc mặt nạ có thể coi là một tác phẩm nghệ thuật hàm chứa cái đẹp sâu sắc trong mỹ học dân tộc. Các loại mặt nạ thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi, khắc họa các nhân vật yêu thích như Ông Địa, Thằng Bờm…
Đầu sư tử
Đầu sư tử là một trong những đồ chơi trung thu truyền thống của Việt Nam được trẻ em yêu thích, mang ý nghĩa thịnh vượng, may mắn và điềm tốt lành.
Nếu các anh lớn có đầu sư tử đại, trống da trâu, quần áo, phục trang tươm tất để thể hiện các màn múa lân, sư tử điêu luyện thì các em nhỏ cũng có đầu tư tử, trống ếch “cắc tùng” để bắt chước và thỏa mãn niềm vui thích của mình trong ngày Tết Thiếu nhi.
Đầu sư tử đại có cốt bên trong được làm bằng song và tre, ngoài bồi bằng giấy và vẽ tay. Cho đến tận bây giờ, món đồ chơi này vẫn chiếm được nhiều cảm tình của các bậc phụ huynh và trẻ nhỏ.
Trống ếch
Trống ếch giống như chiếc trống da trâu, trống sư tử nhưng nhỏ hơn cũng là một trong những món đồ chơi trung thu truyền thống yêu thích của trẻ em Việt Nam ngày xưa. Khi đánh, trống phát ra tiếng kêu "cắc, tùng" đặc trưng trong dịp Trung thu, tạo thêm sự rộn ràng, phấn chấn, tưng bừng và làm nên hương vị của ngày Tết Thiếu nhi.
Tiến sĩ giấy
Chắc hẳn những bạn 8x và đầu 9x đều không thể những ông tiến sĩ giấy được làm bằng những giấy màu sặc sỡ, được đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả và đèn trang trí.
Hình ảnh ông tiến sĩ giấy không chỉ đơn thuần là trò chơi dân gian mà qua đó, cha mẹ muốn gửi gắm vào con cái một niềm hy vọng con mình sẽ chăm chỉ học hành, lớn lên đỗ đạt.
Trống lắc tay
Ngày xưa loại trống lắc tay này được bày bán rất nhiều là một thứ đồ chơi không thể thiếu khi tết trung thu đến, tuy nhiên ngày nay thì các sạp hàng đã ít bày bán chúng. Trống lắc tay có 2 viên nhựa được gắn vào chiếc dây ngắn hai bên trống, khi bạn lắc chiếc chống thì chúng tạo ra tiếng boong boong rất vui tai và rộn ràng. Đây cũng là loại trống không thể thiếu với trẻ em trong ngày trung thu.
Các món đồ chơi trung thu truyền thống Việt Nam thường gắn liền với nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Ông cha ta quan niệm trò chơi và đồ chơi không đơn thuần để giải trí mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ trẻ. Do đó, những món đồ chơi trung thu truyền thống Việt Nam như tiến sĩ giấy, đèn kéo quân, đèn ông sao... là lời nhắn nhủ, lời chúc thầm lặng và sâu sắc của cha ông với thế hệ trẻ về tinh thần hiếu học, khuyến khích sự học, thành đạt./.
Oanh Vũ (Tổng hợp)