Tản mạn: Cay xè khói rơm...

Thứ sáu, 21/07/2017 14:41
(ThanhtraVietNam) - Cái mùi khói đốt rơm rạ rất lạ kì. Gần thì ngạt mũi, cay xè. Nhưng đi xa rồi thì rưng rưng nhớ. Nó có cái mùi bịn rịn của đồng đất quê hương.

Tôi đoán đốt rơm ở các đồng quê có lẽ cũng chỉ phổ biến khoảng trên dưới chục năm trở lại đây mà thôi. Chứ xưa thì không ai đi đốt rơm trên đồng cả. Nếu có đốt thì người ta chỉ đốt rạ, không ai đi đốt rơm. Rạ là phần gốc, còn rơm là phần thân trên cây lúa.

Được mùa, lúa đứng thẳng, không bị mưa gió bão bùng làm cho đổ dập úng nước, lại được nắng giòn, nên sau khi phơi thì rơm sẽ vàng óng. Cái mùi rơm được nắng nó lạ lắm. Có cả mùi đồng đất, mùi rơm và như có cả mùi thơm của nắng.

Rơm là nguồn thức ăn chủ yếu của trâu bò - sức kéo chính trong sản xuất nông nghiệp ngày xưa, khi máy móc công nghiệp chưa có.

Và tất nhiên, khi bếp ga, bếp điện còn là điều tưởng tượng thì rơm cũng là nguồn nguyên liệu chất đốt quan trọng trong sinh hoạt hằng ngày của người nông dân Việt Nam xưa. Rẻ như rơm rạ, ấy là nói vậy. Nhưng có những món mà không thiếu rơm rạ thì cái giá trị kia cũng sẽ bị giảm đi dôi phần. Chó thui rơm sẽ ngon hơn là thui bếp khò. Chân giò cũng vậy. Cá đồng nướng rơm cũng không phải là không ngon…

Khi xưa, ở quê tôi, người ta vẫn nấu cơm bằng rơm với bếp kiềng. Cơm sôi, đợi cạn nước, nhấc ra đặt ở bên. Đốt một ít rơm làm than ở dưới, đặt nồi cơm lên. Sau đó lại lấy rơm vấn thành nhùi tròn xung quanh nồi rồi đốt tiếp. Tro rơm là thứ chóng tàn, giữ nhiệt kém. Làm thế để giữ nhiệt, và cơm chín mới đều.

Đốt quá tay thì cơm sẽ bị cháy, có khi còn khê. Đốt ít thì cơm sẽ bị sống. Một nồi cơm chín dẻo thơm ngon khi nấu bằng bếp rơm cũng là thước đo sự khéo léo của người nấu cơm.

Vì nấu bằng bếp rơm và phải đốt xung quanh nên bao giờ phần cơm bên trên của nồi cơm, không ít thì nhiều, cũng đều bị dính ít bụi tro hoặc ám khói.

Bởi vậy, các bà, các mẹ ngày xưa thường dặn dò con gái trước khi về nhà chồng rằng: bữa ăn ngồi đầu nồi đơm cơm thì bát cơm đầu tiên là phải đơm cho chính mình, từ bát thứ hai trở đi mới đơm cho bố mẹ, anh em nhà chồng. Nó hàm chứa sự tinh tế trong ứng xử giao tiếp gia đình hằng ngày.

Giờ đây, khi máy móc công nghiệp được đưa vào sản xuất nông nghiệp phổ biến, vai trò sức kéo của trâu bò giảm và vai trò rơm rạ cũng vì thế mà dần mất đi. Trồng lúa, giờ chỉ lấy phần ngọn có hạt, vò suốt xong rồi đem về. Phần rơm rạ thường bị vứt bỏ, đem đốt. Cũng có nơi dùng để làm nấm, nhưng không nhiều.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Thi thoảng, bất chợt đâu đó gặp lại mùi khói rơm rạ quen thuộc. Cái mùi ngái nồng của đồng đất không thể lẫn vào đâu được. Người gắn bó với đồng đất rơm rạ nhiều, đâm nghiện. Xa lâu ngày, thành nhớ da diết.

Trong kho tàng ca dao Việt Nam cómột bài ca dao về chuyện đốt rơm rất hay:

"Ngồi buồn đốt một đống rơm

Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào

Khói lên thấu đến Thiên Tào

Ngọc Hoàng phán hỏi: “Đứa nào đốt rơm?"

Bài ca dao vui vui ngồ ngộ nhưng thực ra nó lại ẩn chứa trong đó đa nghĩa, đa cách hiểu.

Có người cho rằng đây là bài ca dao vui tếu theo kiểu đồng dao, đó là sự hài hước của người nông dân xưa, muốn tạo ra tiếng cười để quên đi những mệt nhọc trong lao động. Hiểu thế cũng đúng.

Cũng có cách hiểu là bài ca dao trên hàm ý phê phán thói búa xua, bông phèng, hoắng hít. Có cái anh nông dân “dở hơi” nào đó, khi không chẳng biết làm gì, lại đốt rơm coi như trò tiêu khiển. Khói rơm bay lên trời (Thiên Tào), cũng chẳng có gì lạ.

Ấy thế mà Ngọc Hoàng nổi giận, coi như là một việc quan hệ lắm, đến mức buông lời phán hỏi: “Đứa nào đốt rơm?”

Chẳng những cái anh đốt rơm đó là “vô công rỗi nghề”, mà Ngọc Hoàng hỏi cũng những thứ cũng vô vị. Chuyện đốt rơm mà cũng cũng khiến Ngọc Hoàng phải bận tâm, kể cũng lạ.

Người xưa nói: “Thiên hạ bản vô sự, dung nhân nhiễu chi nhĩ”. Nghĩa rằng: Trong thiên hạ vốn không có việc gì cả, chỉ tại người xằng làm nhộn nhạo lên mà thôi.

Hiểu như trên cũng không phải là không có lý.

Song, bài ca dao trên lại mang một ý nghĩa khác nữa.

Phải biết rằng, xưa kia rơm rạ cũng là một thứ tài sản quý (nguồn thức ăn của trâu bò, nguồn nguyên liệu chất đốt trong sinh hoạt) nên rơm rạ được người nông dân xưa rất coi trọng.

Chắc chắn sẽ chẳng có ai bỗng dưng đi đốt cả đống rơm to cả. Khi “đốt một đống rơm” thì ắt là người đốt phải có chuyện. “Ngồi buồn đốt một đống rơm” chỉ là một lối nói nói giảm.
Chứ thực ra phải hiểu khi người nông dân đốt đống rơm ấy là vì có điều gì đó làm anh ta bức xúc lắm rồi. Tới mức không thể nào chịu nổi nữa. Và thế là cho luôn một mồi lửa vào đống rơm. Thế là rơm cháy. Thế là khói nghi ngút, bay lên “thấu Thiên Tào”. Hẳn mong rằng nỗi bức xúc của mình được Trời thấu hiểu.

Nhưng ngay cả khi khói đã bay lên đến tận Thiên Tào và Ngọc Hoàng thấy khói thì cũng chỉ hỏi: “Đứa nào đốt rơm?”.

Ngọc Hoàng chẳng tức giận về việc có ai đó dám đốt rơm để khói vào nhà trời, cũng không buồn thắc mắc xem tại sao dân lại đốt rơm, có bức xúc gì đó chăng? Mà đơn giản, Ngọc Hoàng chỉ phán có mỗi một câu dửng dưng: “Đứa nào đốt rơm?”. Chỉ vậy thôi.

Sao Ngọc Hoàng không hỏi nguyên cơ tại sao lại đốt rơm? Ngọc Hoàng vô tâm quá quá chăng? Và vì vô tâm và xa dân nên đã không thể hiểu được dân chúng dưới hạ giới đang nghĩ gì, bức xúc gì.

Nếu Ngọc Hoàng hỏi: “Tại sao lại đốt rơm?” thì bài ca dao có lẽ đã chuyển sang hướng khác với cách hiểu khác. Lúc ấy, có lẽ nỗi niềm của người đốt rơm đã được Ngọc Hoàng để ý tới, và có thể nó sẽ được vơi đi, nỗi bức xúc cũng được giải tỏa.

Còn nếu Ngọc Hoàng chỉ hỏi: “Đứa nào đốt rơm?” thì đó vẫn là một câu hỏi dửng dưng, bâng quơ, có phần trịch thượng.

Và bởi vậy mà vẫn còn người đốt rơm, vẫn còn khói bay thấu lên tận Thiên Tào.

Lưu Thủy

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra