Đình cổ Phù Lưu được xây dựng vào cuối thế kỷ XVI. Ảnh Kiên Giang
Đó là ngôi làng có tên gọi Phù Lưu, hay còn gọi là làng Giàu, nay thuộc phường Đông Ngàn, Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, được coi là nơi khởi đầu con sông Tiêu Tương, con sông truyền thuyết gắn liền với sự tích Trương Chi - Mỵ Nương cũng như trong văn hóa dân gian của vùng Kinh Bắc.
Làng Phù Lưu Ngày nay. Ảnh Kiên Giang
Từ ngôi làng có nhiều bố mẹ nuôi nhất cả nước…
Nghe các cụ cao niên trong làng kể lại, Phù Lưu vốn mang hình hài của một phố thị sầm uất với các cửa hàng san sát hai bên đường. Nhưng điều đặc biệt làm nên nét riêng của làng Phù Lưu, đó là một ngôi làng mở chứ không đóng kín sau lũy tre như nhiều làng quê Việt. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề buôn bán, giao lưu rộng ở khắp nơi. Người dân tứ xứ khắp miền Bắc cũng đổ về đây. Trong những thế kỷ XV, XVI, Phù Lưu đã từng là một chợ mang tên Thị Thôn. Cuối thế kỷ XV, chợ chùa Phù Lưu trở thành một chợ nổi tiếng, thu hút nhiều thương khách đến buôn bán. Chợ ngày càng phát triển sầm uất mở rộng cả vào khu đình làng. Chợ Giàu đã trở thành trung tâm buôn bán không những của huyện Đông Ngàn xưa mà là của cả tỉnh Bắc Ninh trước kia với nhiều mặt hàng chính bấy giờ như: trầu cau, hàng xén, tơ lụa, vải vóc, gốm sứ và hàng hoá phục vụ nhà nông...
Đường trục chính làng Phù Lưu. Ảnh Kiên Giang
Từ năm 1937, phố Phủ Từ Sơn được thành lập, trung tâm văn hóa nơi đây được chuyển dần ra thị trấn. Năm 1958, chính quyền địa phương quyết định chuyển chợ trong thôn Phù Lưu ra vị trí mới, đặt tên là chợ Bách hoá Từ Sơn. Đến tận năm 2000, chợ mới được đầu tư, xây dựng lại, lấy tên cũ là Chợ Giầu (Chợ Giàu).
Người Phù Lưu, nhất là Phụ nữ Phù Lưu xưa có tiếng quảng giao, quan hệ làm ăn rộng rãi mà không mất đi bản tính hiền hòa, họ nổi tiếng giỏi giang buôn bán nuôi chồng con ăn học thành tài, trong họ bao giờ cũng đau đáu với nỗi niềm: “Ngang lưng em có một đồng./ Nhưng vẫn nuôi chồng ăn học rảnh rang”. Hầu hết các bà mẹ quanh năm lo làm ăn ở các tỉnh xa, nên phải gửi con ở các gia đình làng bên nuôi giúp từ tấm bé, đến khi đi học mới đón về. Một cụ cao niên trong làng cười nói như khẳng định: “Người nào trên 60 tuổi không có bố mẹ nuôi thì không phải là người làng Phù Lưu.” Cũng bởi vậy mà một thời làng Phù Lưu nổi tiếng là một ngôi làng có nhiều bố mẹ nuôi nhất vùng, thậm chí nhất cả nước.
…Đến làng Phù Lưu nổi tiếng có nhiều lớp trí thức, văn nghệ sĩ
Sự đảm đang tháo vát của phụ nữ Phù Lưu đã góp phần xây dựng nên một tầng lớp trí thức nông thôn, những ông thông, ông phán, kế tiếp là các trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng đương đại và các tầng lớp những kỹ sư, bác sĩ sau này.
Theo sử sách, từ xa xưa, làng đã có cụ Chu Tam Dị đậu tiến sĩ năm 1529. Còn thời nay, theo chia sẻ đầy tự hào của ông Phạm Quyết Tiến, người dân làng Phù Lưu, đồng thời là chủ tịch Phường Đông Ngàn hiện nay, Phù Lưu đã sinh ra nhiều tên tuổi lớn như: nhà báo Hoàng Tích Chu, người đã làm một cuộc cách tân thay đổi hẳn phong cách của báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX; họa sỹ Hoàng Tích Chù, người được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh; nhà văn Kim Lân, nhà văn Nguyễn Địch Dũng, nhà thơ Hoàng Hưng; nhà quay phim, NSND Nguyễn Đăng Bẩy, nhạc sỹ Hồ Bắc, cho đến các con của nhà văn Kim Lân như: họa sỹ Thành Chương, họa sỹ Nguyễn Thị Hiền.. Đường binh nghiệp cũng có rất nhiều vị mang hàm cấp tướng như: Trung tướng Chu Duy Kính - nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô. Phù Lưu cũng chính là quê hương của nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Chu Tam Thức, ông Hồ Tiến Nghị - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư…và cũng là nơi sinh ra rất nhiều các nhà khoa học nổi tiếng như: Giáo sư sử học Phạm Xuân Nam, Giáo sư ngữ văn Chu Xuân Diên, Giáo sư toán học Hồ Bá Thuần…
Đường trong ngõ của làng. Ảnh Kiên Giang
Dạo bước cùng đồng chí Phạm Quyết Tiến, Chủ tịch Phường Đông Ngàn trên con đường làng được lát đá xanh, hàng lối thẳng tắp, tôi thêm một lần nhận ra đây chính là con đường mà ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân vẫn thường khoe đầy tự hào: “Đường trong làng toàn lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, bùn không dính đến gót chân. Tháng năm ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì tốt thượng hạng, không có lấy một hạt thóc đất.”. Tôi bỗng thấy bên cạnh mình là hình ảnh một ông Hai gầy gò, chất phát đang say sưa kể về làng của mình cho tôi nghe, tôi thấy cả tâm trạng vui sướng của ông lúc hay tin “làng mình không phải việt gian”. Dường như từng hình ảnh, từng chi tiết đang mơ hồ hiện ra trước mắt tôi, kéo tôi vào cùng những câu chuyện ấy.
Trò chuyện cùng ông Tiến, tôi biết thêm một điều khá thú vị về con đường đã hơn 100 năm tuổi này: Đường được thiết kế trên các trục đường lớn, đường chính lát 4 viên đá theo chiều ngang chạy từ đầu làng đến cuối làng. Trên các trục đường chạy vào trong ngõ lát 2 viên. Đặc biệt, con đường được thiết kế để khi người lạ đến Phù Lưu đã đi vào đường làng trên dải đá xanh sẽ không bao giờ bị lạc. Đường đá được thiết kế xuyên tâm, còn các ngõ cụt sẽ được lát gạch. Khi đã đi trên đường đá xanh thì chắc chắn sẽ tới được trục đường chính của làng.
Toàn bộ đường trong làng khoảng 2000m, quả thực, dù đã qua trăm năm dâu bể, nhưng con đường làng nay vẫn cứ phẳng lì, hiên ngang như thách thức với thời gian.
Rời Phù Lưu khi trời đã xế chiều, tôi lại thong dong từng bước trên con đường “lạ lùng” ấy. Cậu bạn đồng nghiệp bỗng thốt lên: Đúng thật, trải qua hơn 4000 năm lịch sử, vậy mà Phù lưu hôm nay vẫn vẹn nguyên vẻ trầm mặc cổ kính dù đã khoác bên mình vẻ ồn ào nơi phố thị. Cơn gió đầu hạ thoáng qua tạo cảm giác thư thái vô cùng, hình ảnh ông Hai với khuôn mặt nhân hậu cứ quẩn quanh, tôi bỗng vẳng nghe câu ca quen thuộc từ đâu đó: Ai lên quán dốc chợ Giàu/ Để thương, để nhớ để sầu cho khách đường xa.
Nguyễn Giang