Nước sông Trường Giang luôn trong xanh và phẳng lặng tựa hồ chưa có bàn tay con người làm vẩn đục. Dọc hai bên sông là những làng chài, ruộng lúa, rừng dừa xanh ngát. Từ Bắc vào Nam, hai bên sông còn có những địa danh nổi tiếng: làng mộc Kim Bồng, làng chiếu Bàn Thạch, làng khoai lang Trà Đõa, làng chài lưới Tịnh Thủy, các làng nước mắm Cửa Khe, An Hòa, làng chài Tam Hải, bãi biển Tam Thanh, bãi Rạng Chu Lai… Lại có nhiều chợ quê sầm uất và gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử như chợ Lạc Câu, chợ Bà, chợ Được, chợ Tây Giang, chợ Bến Đá nức tiếng từ hàng trăm năm nay.
Trong quy hoạch phát triển khu kinh tế mở Chu Lai, vùng ven biển và dọc sông Trường Giang, từ phía đông sân bay Chu Lai đến thành phố Tam Kỳ và kéo dài đến tận Hội An sẽ là các khu du lịch sinh thái cao cấp, các làng nghề được xây dựng theo phương châm thân thiện với môi trường từ năm 2010 trở đi. Để thực hiện mục tiêu này, một dự án đầu tư trên 60 triệu USD để xây dựng một hệ thống cầu đường hiện đại vượt cửa sông Thu Bồn nối liền Hội An với vùng đông các huyện ở phía nam đô thị cổ. Hàng ngàn héc ta đất vùng cát trong tương lai sẽ trở thành các khu đô thị, du lịch sinh thái cao cấp mà vốn đầu tư ước tính trên 10 tỉ USD trong vòng 50 năm.
Nhưng để được đến ngày đó, vùng quê dọc hai bên sông Trường Giang vẫn là một vùng đất hoang sơ, trong lành, thích hợp cho những ai đi tìm cái thoáng đãng, nên thơ nơi thôn dã. Nắm được nhu cầu này, nhiều doanh nghiệp du lịch, các chủ thuyền tư nhân đã nghiên cứu mở các tour du lịch sông nước dọc Trường Giang…
Đó là những dự án mang tính khả thi rất cao không chỉ cho người nước ngoài mà rất thú vị trước hết với du khách nội địa. Đi dọc Trường Giang nhiều lần bằng ghe máy, nhưng lần nào tôi cũng thấy lạ lẫm với những khám phá và hiểu biết mới. Đó là chưa kể được tắm gội trong một môi trường tự nhiên trong lành, yên tĩnh và cảnh quan tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. Dừng ghe cạnh làng rau Nồi Rang, bước chân lang thang trên những cây cầu tre dài vài trăm mét, ghé thăm chợ Bà, chợ Được ăn những tô mì Quảng chính hiệu với những chú tôm đất ngọt lịm hoặc xem cảnh các thuyền khai thác hàu, nghêu ven sông rồi thưởng thức mấy bát cháo hàu, những tô canh bầu nấu nghêu sông nóng hổi, ngắm cảnh những vuông tôm bạt ngàn dưới ánh hoàng hôn như tranh vẽ…
Chưa hết, đi dọc Trường Giang, ai yêu mến lịch sử còn có thể dừng chân ở xã Bình Dương 3 lần anh hùng vẫn còn đậm nét trong những tranh hồi ký của Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý và đến cây Dương thần để tưởng nhớ và chiêm nghiệm một thời binh lửa đã qua. Cũng có thể về thăm xã Tam Giang, quê hương của Thủ Thiệm để nghe người dân ở đây kể những giai thoại nhớ đời về ông, không kém gì chuyện Ba Giai, Tú Xuất.
Vùng đất dọc sông Trường Giang còn có những sinh hoạt văn hóa cổ truyền như hát Bả Trạo trong lễ Cầu ngư, xem hát bội, nghe tiếng trống chầu vào dịp cúng Kỳ Yên mỗi năm thật hào hứng trong những đêm trăng tháng giêng…
Theo Trương Điện Thắng
Sài Gòn tiếp thị