Một cuộc họp do TP Đà Nẵng tổ chức, nắm bắt ý kiến cử tri, trong đó có các vấn đề liên quan đến giải quyết đơn thư. (Ảnh: Danang.gov.vn)
Quy trình tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri
Theo đó, ý kiến, kiến nghị của cử tri được điều chỉnh bởi Quy chế này bao gồm: ý kiến, kiến nghị của cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố chuyển đến; ý kiến, kiến nghị của cử tri do Thường trực HĐND TP chuyển đến; ý kiến, kiến nghị của cử tri do UBND TP phân công giải quyết; ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP chuyển đến; ý kiến, kiến nghị của cử tri do các cơ quan, đơn vị khác chuyển đến; ý kiến, kiến nghị do cử tri trực tiếp gửi đến thông qua hoạt động tiếp công dân hoặc đơn thư kiến nghị.
Quy chế này quy định về quy trình tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri trên địa bàn TP Đà Nẵng; trách nhiệm của UBND TP, Chủ tịch UBND TP, trách nhiệm của các cơ quan hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TP, các đơn vị sự nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TP, UBND các quận, huyện, phường, xã và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri trên địa bàn TP.
Khiếu nại, tố cáo của công dân không thuộc phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Quy chế này. Việc xem xét, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Nguyên tắc tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri
Theo Quy chế, công tác tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri trên địa bàn TP Đà Nẵng phải bảo đảm 3 nguyên tắc:
Thứ nhất, kiến nghị của cử tri phải được UBND, Chủ tịch UBND TP, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp nhận, giải quyết, trả lời theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình tiếp nhận, giải quyết. Đối với các nội dung có tính cấp thiết (liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh....), khi nhận được kiến nghị của cử tri, các cơ quan, đơn vị phải khẩn trương rà soát, tiếp nhận và giải quyết để bảo đảm tính kịp thời.
Thứ hai, UBND, Chủ tịch UBND TP, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri phải bảo đảm dân chủ, khách quan, đầy đủ, đúng trọng tâm, báo cáo kết quả về các cơ quan, đơn vị đã chuyển kiến nghị hoặc phân công giải quyết kiến nghị và trả lời cử tri theo đúng quy định.
Thứ ba, việc tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình công tác hằng năm của UBND TP, các sở, ban, ngành, địa phương; là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng hằng năm của các sở, ban, ngành, địa phương và của cá nhân thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Kiến nghị của cử tri được phân loại theo thẩm quyền giải quyết và kết quả giải quyết
Cụ thể, phân loại theo thẩm quyền giải quyết gồm:
Kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết, trả lời của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố là các kiến nghị có nội dung liên quan đến việc ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các văn bản và hoạt động chỉ đạo, điều hành thuộc UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố; kiến nghị liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực quản lý mà chưa xác định được sở, ban, ngành, địa phương chủ trì giải quyết, trả lời.
Kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết, trả lời của các sở, ban, ngành là những kiến nghị có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ban, ngành.
Kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết, trả lời của địa phương là những kiến nghị có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các quận, huyện, phường, xã.
Phân loại theo kết quả giải quyết gồm:
Kiến nghị của cử tri đã giải quyết xong là những kiến nghị đã được UBND TP, Chủ tịch UBND TP, các sở, ban, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm trên thực tế hoặc đã ban hành văn bản giải quyết, trả lời theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật.
Kiến nghị của cử tri đang giải quyết là những kiến nghị đang được UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp nhận, giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật.
Kiến nghị của cử tri sẽ giải quyết là những kiến nghị dự kiến được giải quyết trên cơ sở đã có văn bản, kế hoạch ban hành về thời gian, tiến độ giải quyết hoặc đã có kế hoạch bố trí nguồn lực thực hiện.
Kiến nghị của cử tri được giải trình, thông tin lại là những kiến nghị có nội dung đã được UBND TP, Chủ tịch UBND TP, các sở, ban, ngành, địa phương giải quyết, có văn bản trả lời hoặc nội dung có liên quan đến cơ chế, chính sách, pháp luật đã được quy định trong các văn bản pháp luật và quy định của các cơ quan có thẩm quyền; các kiến nghị chưa thể giải quyết được do chưa có quy định của pháp luật, quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do chưa có nguồn lực để thực hiện, chưa xác định được thời gian cụ thể.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và các quy định tại Quy chế, các sở, ban, ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Quy chế trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Kết quả thực hiện Quy chế là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng hằng năm của các sở, ban, ngành, địa phương và của cá nhân thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Định kỳ hằng năm, Văn phòng UBND thành phố báo cáo UBND TP, Chủ tịch UBND TP về tiến độ, chất lượng giải quyết kiến nghị cử tri của các sở, ban, ngành, địa phương; chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Chủ tịch UBND TP khen thưởng các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri; chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Chủ tịch UBND TP các biện pháp chế tài đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra chậm trễ trong việc tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri./.
Việt Anh