Quảng Ngãi:

Không thuộc diện khẩn cấp, chủ tịch UBND huyện vẫn phê duyệt xây dựng cầu

Thứ ba, 14/04/2020 23:50
(ThanhtraVietnam) - Việc quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng không đúng với Luật Đầu tư công của Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành, UBND tỉnh đã có kết luận nội dung tố cáo (TC) của công dân là đúng tại Kết luận số 03/KL-UBND ngày 06/4/2020 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Công dân có đơn TC đối với ông Phan Bình, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khẩn cấp đối với công trình cầu Hành Tín, trong khi công trình này không thuộc diện khẩn cấp.

Theo kết quả xác minh, vị trí cầu Hành Tín hiện nay cách cầu Cộng Hòa (được đưa vào sử dụng từ năm 2004) khoảng 6km (đi theo đường tỉnh ĐT.624B), khoảng 7,8km (đi theo đường tỉnh ĐT.624). Trước khi có cầu Hành Tín, việc đi lại và giao thương của người dân giữa bên hai bờ sông Vệ trong khu vực này vẫn được kết nối, cầu Hành Tín hiện nay không phải là con đường duy nhất.

Do phải di chuyển khoảng cách khá xa, việc đi lại không thật sự thuận lợi nên người dân địa phương tự phát làm “cầu tạm” tại vị trí gần với vị trí xây đựng cầu Hành Tín hiện nay để đi lại vào mùa khô, đến mùa mưa lũ thì không sử dụng được “cầu tạm” này. Từ năm 2014 đến năm 2016, tại các buổi tiếp xúc cử tri đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện tại 2 xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây đều có phản ánh tình trạng này và kiến nghị về đầu tư xây dựng cầu Hành Tín Đông đi qua Hành Tín Tây. UBND huyện cũng đã xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và đã được Hội đồng nhân dân huyện thông qua, xác định kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020.  Vào cuối năm 2016 cùng với thời điểm trình phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn thì UBND huyện phát sinh thủ tục đầu tư và xác định theo hình thức khẩn cấp.

Đến ngày 30/9/2016, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và áp thấp nhiệt đới khiến trôi mất “cầu tạm”. Tuy nhiên, qua kết quả xác minh, UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, cầu Hành Tín hiện nay không phải là tuyến đường độc đạo; “cầu tạm” cũ bằng tre trước đây do người dân tự phát xây dựng, không phải là công trình giao thông nông thôn ngân sách Nhà nước đầu tư trước đó nay bị hư hỏng cần phải khắc phục ngay. Các tài liệu có trong hồ sơ đề xuất đầu tư dự án này cũng chỉ nêu tình huống dẫn đến đầu tư công trình này là mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân nhưng không có số liệu thống kê cụ thể thiệt hại về tính mạng và tài sản ra sao, ở mức độ nào.

Ngày 24/10/2016, UBND huyện Nghĩa Hành có tờ trình về việc xin hỗ trợ từ nguồn dự phòng chi ngân sách Nhà nước tỉnh để đầu tư xây dựng cấp bách công trình cầu Hành Tín, huyện Nghĩa Hành. Qua xem xét nội dung đề nghị của UBND huyện, trên cơ sở đề xuất của Sở Tài chính gửi Bộ Tài chính xin hỗ trợ kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương cho tỉnh để xây dựng khẩn cấp cầu Hành Tín, tuy nhiên không có kết quả xem xét giải quyết của Bộ Tài chính.  

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Phương Thái 

Ngày 27/12/2016, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành có tờ trình về việc xin đầu tư xây dựng khẩn cấp công trình cầu Hành Tín. Qua xem xét đề nghị của UBND huyện và ý kiến đề xuất của Sở Tài chính, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định phân khai khoản kinh phí 60 tỷ đồng cho UBND huyện Nghĩa Hành để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn… Các quyết định phân khai vốn của Chủ tịch UBND tỉnh đều không có nội dung nào chỉ đạo hay quyết định liên quan đến hình thức đầu tư xây dựng khẩn cấp công trình cầu Hành Tín.

Ngày 02/02/2017 Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành đã ban hành Quyết định số 20/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng khẩn cấp dự án cầu Hành Tín. Công trình do Công ty TNHH xây dựng Thành Đạt thi công xây lắp, khởi công ngày 10/3/2017, hoàn thành ngày 20/12/2018, giá trị quyết toán 93.947.895.000 đồng, đã thanh toán 79 tỷ đồng, còn nợ chưa thanh toán 14.947.895.000 đồng.

“Công trình cầu Hành Tín được xác định đầu tư xây dựng theo hình thức khẩn cấp với mục tiêu hoàn thành trong mùa mưa lũ năm 2017. Tuy nhiên, công trình khởi công ngày 10/3/2017, đến ngày 20/12/2018 mới hoàn thành là không còn đáp ứng tính khẩn cấp, cấp bách như mục tiêu xác định của dự án”, kết luận TC của UBND tỉnh đưa ra.

Bên cạnh đó, theo kết luận TC, cụm từ “khẩn cấp” được xác định như là hình thức đầu tư xây dựng công trình này xuất hiện trong tất cả các báo cáo, văn bản của HĐND huyện, Thường trực HĐND huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy… Nhưng, các văn bản này không phải là tài liệu pháp lý làm căn cứ để xác định và lựa chọn hình thức đầu tư công trình này có thuộc trường hợp khấn cấp hay không.

Căn cứ theo các quy định tại: khoản 14 Điều 4, khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư công năm 2014; Điều 128 và khoản 1 Điều 130 Luật Xây dựng năm 2014; khoản 2 Điều 42 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; khoản 4 Điều 3 Nghị định sô 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công cho thấy công trình này không thuộc trường hợp khẩn cấp, cấp bách nhưng Chủ tịch UBND huyện quyết định đầu tư theo hình thức khẩn cấp là không đúng.

Như vậy, UBND tỉnh khẳng định, nội dung TC Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khẩn cấp đối với công trình cầu Hành Tín không đúng quy định của pháp luật do công trình này không thuộc diện phải đầu tư xây dựng khẩn cấp là TC đúng.

UBND tỉnh yêu cầu ông Phan Bình, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành kiểm điểm trách nhiệm đối với vi phạm nêu trên trong tập thể UBND huyện, gửi Sở Nội vụ.

Đồng thời, chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm, xem xét xử lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của mình đã có vi phạm nêu trên./.

Lan Anh

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra