Quản lý, trùng tu, kiến thiết di tích:

Cần tháo gỡ rào cản để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích

Thứ sáu, 28/05/2021 16:50
(ThanhtraVietNam) - Theo TS. Nguyễn Thanh Bình - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cần có sự liên kết thống nhất của các bên liên quan trong việc quản lý, trùng tu kiến thiết di tích và cần phải đưa ra quy trình xét duyệt hồ sơ trùng tu di tích thông thoáng, nhanh chóng hơn, nhưng vẫn đảm bảo các quy định.

Chủ thể quan trọng trong duy trì, gìn giữ, phát huy giá trị các di tích

Vai trò của sư trụ trì trong kiến thiết, trùng tu chùa

TS. Nguyễn Thanh Bình - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, đã tiến hành khảo sát quá trình kiến thiết, trùng tu tại nhiều ngôi chùa nổi tiếng: chùa Hương, chùa Bằng A, chùa Trăm Gian (Hà Nội); chùa Đồng Kỵ (Bắc Ninh); chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà (Bắc Giang). Qua đó, cho thấy ở mỗi ngôi chùa, sư trụ trì có những vai trò, vị thế khác nhau đối với việc xây dựng và bảo tồn kiến trúc di sản.

Có những nơi, sư trụ trì đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng, kiến thiết chùa như tại chùa Bổ Đà, chùa Hương; một số nơi có sự tham gia của cộng đồng, chính quyền và sư trụ trì như trường hợp chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Trăm Gian. Ngoài ra, tại một số ngôi chùa vai trò của cộng đồng lại mang tính quyết định như trường hợp chùa Đồng Kỵ.

Chùa Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) từng là cơ sở hoạt động cách mạng quan trọng thời kỳ Tiền khởi nghĩa (1940-1945) của Tổng Bí thư Trường Chinh và các đồng chí Trung ương Đảng như Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng...

leftcenterrightdel
 Lối đi bằng đá có tuổi đời hàng thế kỷ tại chùa Bổ Đà. Ảnh: CK

Có một thực tế trong việc trùng tu, tôn tạo di tích chùa Đồng Kỵ khác với các di tích Phật giáo khác mà chuyên gia đã nghiên cứu, đó là ở đây, vai trò của cộng đồng rất lớn. Sư trụ trì chùa là người hướng dẫn cộng đồng thực hành các nghi lễ tín ngưỡng tại chùa, còn các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích phải thực hiện theo chỉ đạo của Ban di tích, Ban khánh tiết của làng. Năm 1990, dân làng lập Ban di tích từ các dòng họ (làng có 31 họ, mỗi họ cử 1 người, riêng 3 họ lớn Dương, Vũ, Nguyễn, mỗi họ cử 2 người) và Ban khánh tiết (gồm đàn ông từ 51 tuổi trở lên trong làng) để chuyên lo việc tế lễ, chăm sóc và tu bổ di tích. Năm 1994, một gia đình giàu có trong làng đã công đức làm mới toàn bộ cổng chùa theo khuôn mẫu của một cổng chùa ở Đài Loan. Cũng năm 1994, dân làng tiếp tục làm mới 10 gian cầu có mái cho khách nghỉ chân trong chùa. Năm 1996, bằng nguồn công đức của dân trong làng, Ban di tích đã cho xây mới hai dãy hành lang chùa và tô lại toàn bộ tượng trong chùa. Ba gian nhà mẫu xây năm 2002, năm 2003 làm lại nhà Tổ, năm 2004 làm lại cả hành lang chùa và hậu đường cùng 7 gian chùa cũng được xây mới lại.

Với trường hợp di tích chùa làng Đồng Kỵ, sự tham gia của cộng đồng trong việc trùng tu, bảo vệ di tích có tiếng nói quyết định, sư trụ trì chùa có vai trò không đáng kể trong các hoạt động này. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình trùng tu, ngôi cổ tự của làng Đồng Kỵ đã bị bê tông hóa có phần thô bạo làm biến dạng bản thân kiến trúc vốn có. Ở nhiều ngôi chùa khác, khi việc trùng tu, kiến thiết là do dân làng làm, sư trụ trì không được phép đứng ra chỉ đạo, cũng xảy ra hiện tượng không đúng quy định, quy cách cũng diễn ra tương tự. Thậm chí nhiều ngôi danh lam còn bị phá bỏ hoàn toàn để xây mới theo kiến trúc hiện đại...

Sự xuống cấp của di tích và rào cản về công tác bảo tồn cần tháo gỡ

Có một thực tế là ở nhiều ngôi chùa khác, việc xuống cấp của các hạng mục, công trình, di tích rất nghiêm trọng, nhưng việc bảo tồn, nâng cấp lại gặp rất nhiều khó khăn và rào cản.

Có thể kể đến chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội), từ năm 2008 đến 2010, nhiều hạng mục của chùa bị xuống cấp nghiêm trọng, một số cột gỗ bị xiêu vẹo, có khả năng sụp đổ dẫn đến nguy hiểm tính mạng cho sư trụ trì, dân làng và khách thập phương đến lễ bái. Trụ trì nhà chùa đã gửi văn bản, UBND huyện Chương Mỹ đã có văn bản đề nghị Sở VHTTDL phối hợp đề xuất UBND thành phố phương án trùng tu di tích chùa Trăm Gian và UBND thành phố đã đồng ý về mặt chủ trương tại công văn ký ngày 18/11/2009. Mặc dù đã được triển khai các thủ tục sau đó, nhưng công trình chậm được bố trí nguồn kinh phí đầu tư dẫn tới việc hạ giải và xây dựng mới toàn bộ khu nhà tổ, gác khánh bằng nguồn Công đức tự thân nhà chùa kêu gọi...

Các cấp chính quyền Thành phố, huyện và Bộ Văn hóa sau đó họp và đưa ra kết luận: Sư trụ trì chùa Trăm Gian do thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu kiến thức về bảo tồn di sản, nên đã tự ý trùng tu…

leftcenterrightdel
 Chùa Bổ Đà. Ảnh: CK

TS Nguyễn Thanh Bình chỉ ra rằng: “Trong một thời gian dài, những công trình như chùa Trăm Gian, tam quan chùa Bổ Đà, Nghiêm hương Pháp đường chùa Hương… không thể xây dựng nhanh chóng như hiện trạng nếu không có sự tham gia của nhiều người và sự chuẩn bị. Quá trình thi công các hạng mục này, chính quyền địa phương chắc chắn nắm được thông tin nhưng không can thiệp mà vẫn để các sư trụ trì tiếp tục xây dựng. Mọi vấn đề chỉ được phản ánh sau khi các cơ quan báo chí, truyền thông vào cuộc và việc “gánh trách nhiệm” thuộc về các sư trụ trì.

Theo nhiều ý kiến của chuyên gia, không thể quy hết trách nhiệm về cho sư trụ trì trong các vấn đề về trùng tu, tu bổ di tích Phật giáo. Hoạt động bảo tồn, bảo vệ di sản tại chùa đang bị vướng bởi nhiều rào cản do thể chế, cơ chế gây nên. Những rào cản từ sự chồng chéo trong việc quản lý di tích; nhiều khó khăn trong việc phân loại các loại hình di sản; hay các hoạt động về trùng tu, tôn tạo theo nguyên tắc khoa học bảo tồn khi các công trình thờ tự xuống cấp; đến những quy định về việc trùng tu di tích đòi hỏi phải lập hồ sơ, gửi đến nhiều cấp, nhiều cơ quan để thẩm định, cấp phép… bị kéo dài không có hồi âm...

“Các cơ quan chức năng không thể ủy thác hết trách nhiệm cho sư trụ trì mà cần có sự liên kết thống nhất của các bên liên quan trong việc quản lý, trùng tu kiến thiết di tích. Cần phải đưa ra quy trình xét duyệt hồ sơ trùng tu di tích thông thoáng, nhanh chóng hơn, nhưng vẫn đảm bảo các quy định”, TS. Nguyễn Thanh Bình khuyến cáo.

Quỳnh An

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra