Công tác dân tộc đạt được những thành tựu cơ bản và quan trọng

Chủ nhật, 18/07/2021 07:24
(ThanhtraVietNam) – Đó là các thành tựu trên các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, chính trị, an ninh quốc phòng, trật tự xã hội...Qua đó, duy trì sự ổn định và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào vùng dân tộc và miền núi.

Khái quát về những đặc điểm chính của các dân tộc Việt Nam: Thứ nhất, các dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết được thử thách trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Thứ hai, các dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn rộng, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái. Thứ ba, các dân tộc Việt Nam có quy mô dân số và trình độ phát triển kinh tế xã hội không đồng đều nhau. Thứ tư, nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất với sự đa dạng, phong phú về bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, công tác dân tộc thời gian qua đã đạt được những thành tựu cơ bản. Trong đó, quyền bình đẳng giữa các dân tộc được Hiến pháp xác định và được thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố, là nhân tố quan trọng đảm bảo cho thắng lợi cách mạng, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Đồng bào các dân tộc thực hiện quyền dân chủ về chính trị, tham gia hệ thống chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở ngày càng tăng. Nhà nước có sự quan tâm lớn, đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế xã hội ở vùng dân tộc và miền núi, tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho các dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn nhanh chóng hòa nhập cùng phát triển với cộng đồng dân tộc trong cả nước.

leftcenterrightdel
 Kinh tế hộ gia đình gắn với du lịch cộng đồng tại vùng dân tộc và miền núi. Ảnh: T.A

Theo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở vùng dân tộc và miền núi từng bước hình thành và phát triển. Khu vực kinh tế nhà nước đã và đang được sắp xếp lại. Kinh tế tập thể đang củng cố và phát huy tác dụng. Số lượng các doanh nghiệp tư nhân đã tăng lên nhanh chóng. Kinh tế hộ gia đình phát triển cả về số lượng và quy mô, chủ yếu là loại hình kinh tế trang trại, kinh tế VAC, vườn rừng, núi đồi.

Cùng với đó, nông nghiệp, nông thôn miền núi có bước phát triển. Mức độ lưu, luân chuyển hàng hóa trên thị trường vùng dân tộc và miền núi tăng nhanh. Tỷ trọng công nghiệp trong GDP tăng. Hầu hết các địa phương vùng dân tộc, miền núi đã có mạng lưới giao thông từ tỉnh đến huyện, xã.

Trong các lĩnh vực xã hội như giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa đạt được những kết quả quan trọng. Mặt bằng dân trí được nâng cao, toàn vùng đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ, các trường phổ thông dân tộc nội trú được hình thành từ Trung ương đến cụm xã. Đời sống văn hóa được nâng cao một bước, văn hóa truyền thống được tôn trọng, giữ gìn và phát huy.

Về y tế, các dịch bệnh cơ bản được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi, việc khám chữa bệnh cho người nghèo được quan tâm hơn (100% số xã có trạm y tế hoặc có phòng khám đa khoa khu vực liên xã, 96% số trạm y tế xã có nữ hộ sinh/y sĩ sản nhi và hơn 95% số thôn bản có nhân viên y tế thôn, bản hoặc cô đỡ thôn, bản...).

Đáng chú ý, hệ thống chính trị ở các vùng dân tộc và miền núi được tăng cường, củng cố. Các tổ chức đảng, hệ thống chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội từng bước đổi mới phương thức hoạt động. Trình độ cán bộ ở vùng dân tộc và miền núi được nâng lên. Các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều hoạt động thiết thực, tham gia xóa đói, giảm nghèo xây dựng đời sống văn hóa mới, đấu tranh bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc và miền núi.

leftcenterrightdel
 Nhiều mô hình phát triển kinh tế do người dân tộc làm chủ được phát huy. Ảnh: T.A

An ninh, quốc phòng ở vùng dân tộc và miền núi được giữ vững. Đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng theo Đảng, tích cực trong lao động kinh tế, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, góp phần giữ vững an ninh chính trị và an toàn xã hội ở vùng dân tộc và miền núi. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được tăng cường và củng cố. Tình hình chính trị, trật tự xã hội cơ bản ổn định.

Mặc dù còn đó những hạn chế, yếu kém như: kinh tế ở miền núi và các vùng dân tộc còn chậm phát triển; tỷ lệ đói nghèo còn cao so với bình quân cả nước; chênh lệch mức sống...Song, công tác dân tộc thời gian qua cơ bản đã đạt được các thành tựu cơ bản và quan trọng trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng, y tế, giáo dục...từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào vùng dân tộc và miền núi./.

Tràng An

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra