Tại Kết luận số 134-KL/TW ngày 28/3/2025 về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống cơ quan thanh tra theo 2 cấp.
Trong đó có ghi rõ: “Các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành: Không tổ chức thanh tra chuyên ngành mà thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành và chức năng khác theo quy định của pháp luật.” Đồng thời, “sau khi sắp xếp, các cơ quan không còn tổ chức thanh tra thì thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra trong phạm vi quản lý nhà nước”.
Vậy, chúng ta cần phân biệt như thế nào về “thanh tra” và “kiểm tra”?
Theo TS. Trần Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, việc phân biệt thanh tra, kiểm tra chỉ mang nghĩa tương đối.
Bởi vì, nếu hoạt động thanh tra chỉ được đặt ra trong hoạt động của Nhà nước, mang tính quyền lực nhà nước, thì hoạt động kiểm tra, được xem xét trong phạm vi rộng hơn, nó có thể là hoạt động kiểm tra nhà nước, cũng có thể là hoạt động kiểm tra mang tính xã hội, không có tính quyền lực nhà nước. Điều này dẫn đến không đủ căn cứ để so sánh hai khái niệm này với nhau.
    |
 |
TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra. Ảnh: K. Dung |
Do đó, để xem xét, làm rõ hai khái niệm này, chúng ta cần phân biệt hai khái niệm này, dựa trên một số căn cứ sau:
Thứ nhất, đối với khái niệm kiểm tra, trước hết chúng ta có thể nhận thấy đây là khái niệm tồn tại trước khái niệm thanh tra. Ăng ghen nói: Mỗi hoạt động có ý thức, có tổ chức của con người đều chứa đựng trong nó những yếu tố của kiểm tra. Theo đó, sự ra đời của Nhà nước - tổ chức quyền lực chính trị công cộng của giai cấp thống trị đòi hỏi phải có thiết chế cần thiết để bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị, thanh tra ra đời nhằm xem xét, đánh giá những kết quả hoạt động của các đối tượng bị quản lý.
Thứ hai, về so sánh hai khái niệm thanh tra (Inspection) và kiểm tra (Control), chúng ta cần phải phân biệt trong phạm vi thực hiện quyền lực nhà nước, trong đó khái niệm thanh tra (Inspection) được nhận diện là việc xem xét, đánh giá hướng từ bên ngoài vào. Còn khái niệm kiểm tra (Control), là việc xem xét, tự điều chỉnh.
Hoạt động kiểm tra với nội dung kiểm tra là việc thực hiện chính sách, pháp luật, quyết định quản lý, điều lệ, quy trình… trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; là phương thức thường xuyên, kịp thời; lực lượng sử dụng bộ máy chuyên môn, nghiệp vụ với hình thức cử đoàn, đội, tổ, cán bộ chuyên môn thực hiện...
Còn hoạt động thanh tra đã được quy định trong Luật Thanh tra năm 2022 như sau: “Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Tại Dự thảo Luật Thanh tra năm 2025, “thanh tra” được giải thích chi tiết hơn, “là hoạt động xem xét, đánh giá, kết luận, kiến nghị xử lý của cơ quan thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.”
Từ quan điểm của Lênin cho rằng: Quản lý đồng thời phải có thanh tra, quản lý với thanh tra là một chứ không phải là hai thì thanh tra là một chức năng, một bộ phận của quản lý, nó không phải là hoạt động như các hoạt động chuyên môn khác mà là hoạt động nhằm bảo đảm thực hiện chính sách, pháp luật, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, trật tự trong quản lý.
Mục đích của thanh tra là hướng vào xem xét các hành vi hợp pháp và hợp lý của chủ thể quản lý (trong đó có cả các quyết định quản lý nhà nước). Cùng với các cơ chế kiểm tra, giám sát khác, thanh tra giữ vị trí quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, nhất là giữ vững được kỷ cương của nền hành chính, hướng từ bên ngoài vào.
Liên quan đến nội dung này, TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra cho rằng: Với cách tiếp cận như vậy, hoạt động thanh tra được xác định như một loại cơ quan có thẩm quyền, có chức năng, nhiệm vụ độc lập và trao cho các quyền hạn tương ứng để thực hiện việc xem xét, đánh giá một cách độc lập, dựa trên cơ sở pháp luật.
Còn hoạt động kiểm tra của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước là một loại hoạt động tự kiểm tra, kiểm soát mang tính nội bộ cơ quan hành chính, thực hiện đối với các bộ phận của hệ thống hành chính từ trên xuống dưới. Vì vậy, nhiệm vụ, quyền hạn chỉ được trao cho tương ứng với hoạt động quản lý. Phạm vi thẩm quyền quản lý đến đâu thì quyền hạn kiểm tra nội bộ đến đó.
Chú thích:
(1) TS. Trần Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Đề tài độc lập cấp Nhà nước “Hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước”, năm 2002.
K. Dung