Công tác PBGDPL đóng góp tích cực vào sự phát triển vùng DTTS

Thứ tư, 01/09/2021 19:58
(ThanhtraVietNam) – Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2017-2021, Uỷ ban Dân tộc đánh giá công tác này đã và đang có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).

Lồng ghép PBGDPL vào lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS

Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật

Nhiều kết quả tích cực

Sau khi Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 và Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08/8/2017 phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS&MN giai đoạn 2017-2021” được ban hành, công tác PBGDPL được triển khai thực hiện hệ thống, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với các nhiệm vụ của Đề án, ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Trong đó, việc tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức phù hợp với nhu cầu, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của từng dân tộc, vùng miền; nội dung thiết thực, hiệu quả, từng bước đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Giai đoạn 2017-2021, bước đầu đã xây dựng được tài liệu hướng dẫn về kỹ năng PBGDPL để áp dụng chung, thống nhất cho các địa phương; từng bước xây dựng được các mô hình PBGDPL hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, tập quán, văn hóa truyền thống các DTTS.

Hơn nữa, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL cho đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, có sự lồng ghép nguồn lực với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng DTTS&MN ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Đáng chú ý, công tác PBGDPL đã giúp cán bộ và người dân hiểu, nhận thức đúng đắn, đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của mình. Từ đó, họ thực hiện pháp luật một cách tự giác, hạn chế dần tình trạng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết về pháp luật của đồng bào DTTS.

Qua những kết quả đạt được, có thể khẳng định Đề án “Đẩy mạnh công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS&MN giai đoạn 2017-2021” là Đề án có nội dung thiết thực, phù hợp với địa bàn vùng DTTS&MN và cần được tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới. Do đó, Uỷ ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, tích hợp vào dự án 10 của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN để đảm bảo nguồn lực tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ, thường xuyên, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân.

Nhiều nơi, công tác PBGDPL chưa được quan tâm đúng mức

Tuy nhiên, Uỷ ban Dân tộc đánh giá, công tác PBGDPL giai đoạn 2017-2021 vẫn còn những tồn tại, khó khăn nhất định. Về thể chế, chính sách, Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành cơ bản đã quy định khá chi tiết, cụ thể nội dung, hình thức, biện pháp, chính sách PBGDPL cho đồng bào vùng DTTS&MN. Song hiện nay chưa ban hành được văn bản quy định “Chính sách ưu tiên sử dụng người biết tiếng DTTS, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng DTTS tham gia công tác PBGDPL”.

Một số định mức chi tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở còn thấp, nội dung chi chưa bao quát các hoạt động đặc thù để nâng cao hiệu quả PBGDPL cho đồng bào DTTS thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Đáng nói, vấn đề nhận thức, phối hợp, chỉ đạo thực hiện Đề án của một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn chưa chủ động, kịp thời; chưa phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện công tác PBGDPL cho đồng bào DTTS. Đặc biệt, chưa huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia PBGDPL cho đồng bào vùng DTTS&MN nên công tác này ở một số địa phương chưa được chú trọng, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân.

Trong khi đó, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL tại vùng DTTS&MN chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Thiếu đội ngũ báo cáo viên biết ngôn ngữ DTTS, có kỹ năng, nghiệp vụ, hiểu biết văn hóa, tập quán sinh hoạt của đồng bào DTTS.

Nguồn lực phục vụ cho tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án liên quan đến PBGDPL cho đồng bào DTTS còn hạn chế. Một số địa phương, nhất là cấp cơ sở chưa bố trí kinh phí cho công tác này, nhất là việc thực hiện Đề án 1163, mà thực hiện lồng ghép với các đề án, dự án khác…

leftcenterrightdel
 Cán bộ văn hóa xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn. (Ảnh: Báo Biên phòng)

Tăng cường công tác kiểm tra, tổng kết, đánh giá

Theo Uỷ ban Dân tộc, để công tác PBGDPL cho đồng bào vùng DTTS&MN hiệu quả hơn trong thời gian tới, cần tăng cường sự chỉ đạo, định hướng của cấp ủy Đảng, sự chủ động của cơ quan làm công tác dân tộc các cấp. Mặt khác, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, ban hành kế hoạch, triển khai thực hiện, đảm bảo có sự lồng ghép nguồn lực với các chương trình, đề án, dự án triển khai tại vùng DTTS&MN.

Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, đảm bảo nội dung tuyên truyền, phổ biến có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế ở từng địa phương, vùng miền.

Về công tác tuyên truyền, chú trọng hình thức tuyên truyền miệng (trực tiếp) bằng tiếng DTTS, hình thức sân khấu hóa, ứng dụng công nghệ thông tin. Kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL cho đồng bào vùng DTTS&MN... để tạo sự lan tỏa mạnh…/.

Nguyên Khôi

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra