Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) được đầu tư, nâng cấp, các thiết bị giáo dục được tăng cường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học. Tính đến nay, toàn tỉnh có 313/484 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 64,67%). Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường ở các cấp: Mầm non là 85,30%, tiểu học là 102,97%, trung học cơ sở là 99,84%, trung học phổ thông là 95,77%. Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, có 2.551 học sinh DTTS đăng ký dự thi. Có 36 học sinh DTTS trúng tuyển vào trường Dự bị đại học.
Ảnh minh họa. Huỳnh Minh Tuấn
Toàn tỉnh có 10 trường phổ thông DTNT với 102 lớp, 3.404 học sinh; có 144 trường tổ chức dạy song ngữ Việt - Khmer, với 1.606 lớp, 44.489 học sinh; 05 trường phổ thông dạy song ngữ Việt - Hoa với 58 lớp, 1.685 học sinh và 01 Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ có 213 vị tăng sinh đang tu học.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Đề tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Pali Rong và kiểm tra, xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học 2020-2021 cho các tăng sinh tại chùa Sêrây Tà Mơn, xã Viên Bình, huyện Trần Đề, kết quả có 62/62 vị được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, 50/56 vị đỗ Pali Rong.
Đối với các dự án dạy nghề, giải quyết việc làm, từ đầu năm đến nay, tỉnh Sóc Trăng tuyển sinh, đào tạo được 5.194 người, đạt 39,95% kế hoạch. Có 1.510 người được công nhận tốt nghiệp, trong đó trình độ cao đẳng là 115 người, trung cấp là 95 người, sơ cấp là 1.144 người, dưới 3 tháng là 156 người. Giải quyết việc làm cho 14.383 lao động, đạt 53,27% kế hoạch (trong đó DTTS là 3.926 người); đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được 42 người, đạt 14% kế hoạch (trong đó người lao động DTTS là 02 người).
Tỉnh đã quan tâm đặc biệt tới việc thực hiện Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 05/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng về triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè; tiếng và chữ Hoa tại các trường ngoài hệ thống các trường công lập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, năm học 2020-2021, có 05 trường trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên, thị xã Vĩnh Châu và thành phố Sóc Trăng tổ chức dạy tiếng và chữ Hoa, với 59 lớp, 1.875 học sinh, có 51 giáo viên tham gia giảng dạy, tổng thời gian là 35 tuần với 23.730 tiết, tổng kinh phí 949,200 triệu đồng. Riêng việc dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè năm 2021, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên việc dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè năm 2021 tại các điểm chùa và các địa điểm khác trên địa bàn tỉnh được tạm dừng; khi tình hình dịch COVID-19 ổn định, việc dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè năm 2021 sẽ tiếp tục được thực hiện.
Ngoài ra, trong nửa đầu năm nay, tỉnh cũng đã hỗ trợ phụ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi, trợ cấp lần đầu và chuyển vùng, phụ cấp dạy bằng tiếng và chữ viết của người dân tộc cho 270 người, với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng; phê duyệt và cấp kinh phí hỗ trợ miễn giảm học phí, chi phí học tập là 5.270 triệu đồng, với số đối tượng được thụ hưởng là 8.691 học sinh; đang triển khai Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống các trường phổ thông DTNT trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2016 - 2020” đối với một số trường DTNT với tổng kinh phí là hơn 20 tỷ đồng.
Thực hiện Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông DTNT và các trường dự bị đại học dân tộc, tất cả các em học sinh ở các trường phổ thông DTNT trên địa bàn tỉnh được tuyển sinh theo đúng đối tượng và đều được nhận học bổng hàng tháng là 80% mức lương tối thiểu, được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định. Tỉnh đang đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét nâng chế độ học bổng cho học sinh trường phổ thông DTNT được hưởng theo mức lương cơ sở hiện hành. Đó là những chính sách ưu đãi đặc biệt thiết thực, góp phần đẩy mạnh công tác giáo dục và đào tạo cho đồng bào DTTS./.
K. Dung