Vùng DTTS & MN của tỉnh Phú Yên có diện tích tự nhiên 3.536 km2 (chiếm 70% diện tích của tỉnh), với 45 xã, thị trấn. Toàn vùng có 220.161 người, chiếm hơn 25% dân số toàn tỉnh; trong đó DTTS có 60.128 người, chiếm tỷ lệ hơn 27% dân số vùng MN và chiếm gần 7% dân số toàn tỉnh. Các DTTS chủ yếu là Ê Đê, Chăm, Ba Na, Tày, Nùng, Dao, Thái,...
Tổng số hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2020 là 7.756 hộ, chiếm tỷ lệ 2,96%. Trong đó, hộ nghèo DTTS 2.746 hộ, chiếm 35,4% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm 19,15% so với hộ DTTS trên địa bàn.
Được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tập trung phối hợp thực hiện các chính sách an sinh xã hội nên đời sống vùng đồng bào DTTS từng bước được cải thiện. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 40% (trong đó đào tạo nghề: 25%), giải quyết việc làm cho lao động hàng năm từ 2.500-3.000 người. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm khu vực MN đạt 11,5-12%, GDP bình quân đầu người ở khu vực MN đạt từ 20- 26 triệu đồng/người, ở khu vực có đồng bào dân tộc sinh sống đạt gần 18 triệu đồng/người (riêng đồng bào DTTS từ 14-16 triệu đồng/người). Cơ cấu kinh tế dần chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, thương mại, dịch vụ. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS và MN được cải thiện, quyền bình đẳng giữa các dân tộc được tôn trọng và phát huy, đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững, góp phần quan trọng cùng các thành tựu chung của tỉnh Phú Yên. Cụ thể:
Về giáo dục, đào tạo, các xã MN đều có trường và điểm trường với các lớp mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở. Các huyện MN đều có trường dân tộc nội trú, một số cụm xã có trường bán trú dân nuôi. Tỷ lệ học sinh tiểu học trong độ tuổi đến trường đạt 95%, bậc trung học cơ sở 80%, trung học phổ thông 52%; 3 huyện MN được công nhận cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Về y tế, tỉnh thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19, tăng cường mạng lưới y tế cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Nâng cấp bệnh viện tuyến huyện, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân trong vùng. Hiện nay 100% số xã vùng đồng bào DTTS có trạm y tế; tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây mới các trạm y tế cơ sở, bổ sung trang trang triết bị y tế, tăng cường đội ngũ y, bác sĩ về cơ sở để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS.
Về văn hóa - xã hội, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được duy trì và phát triển. Một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc đã được phục dựng như: Lễ hội “Xoay Cột” của người Ba Na tại thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân; Lễ hội “Cầu mưa” của người Ê Đê tại buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh... Đến nay, 100% thôn, buôn đồng bào DTTS đều có nhà rông văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, 100% xã có điểm bưu điện văn hóa. Các loại báo, tạp chí đã chuyển tải đầy đủ và kịp thời đến các bưu điện văn hóa xã, các trung tâm xã, phục vụ nhu cầu thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS, MN, tỉnh Phú Yên đã tập trung củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở. Chính quyền tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, phối hợp đồng bộ với Ban Dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hội, đoàn thể chỉ đạo các địa phương tổ chức triển khai tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là các chính sách về dân tộc, tôn giáo.
Qua đó, giải quyết kịp thời, hiệu quả nhiều vấn đề có liên quan đến tôn giáo, dân tộc theo đúng chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, đảm bảo các hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật. Đổi mới nội dung, hình thức vận động quần chúng Nhân dân phù hợp với đặc điểm tình hình địa bàn vùng DTTS, MN; tổ chức vận động già làng, trưởng thôn, buôn và người có uy tín, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng địa bàn MN.
Cùng với đó, lực lượng an ninh luôn chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện và những vấn đề bức xúc trong Nhân dân, nhất là các vấn đề có liên quan đến dân tộc, tôn giáo, không để xảy ra điểm nóng. Tổ chức tốt phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, chủ động nắm chắc tình hình nhằm phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình, bạo loạn, lật đổ” của các thế lực thù địch, ngăn chặn việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, kích động, lôi kéo đồng bào DTTS trốn ra nước ngoài, làm mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.
K. Dung