Khánh Hòa là tỉnh có 35 DTTS với dân số trên 72 nghìn người, chiếm tỷ lệ 5,84% dân số toàn tỉnh, trong đó, dân tộc Raglai nhiều nhất với 77,62%, Cơ Ho chiếm 7,96, Ê đê chiếm 5,22%, Hoa chiếm 2,74%, Tày chiếm 2,34%, Nùng 1,38% và các dân tộc khách chiếm 2,74%.
Theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các Khu vực: I, II, III thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Khánh Hòa có 20 xã Khu vực III, 3 xã Khu vực II và 5 xã Khu vực I.
Trong khi đó, theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa, đến hết tháng 12/2020, toàn tỉnh có 4.398 hộ nghèo DTTS, chiếm tỷ lệ 63,12% (so với tổng số hộ nghèo của tỉnh). Trong vùng đồng bào DTTS và miền núi (có 28 xã thuộc Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ), tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tương ứng là 25,5% (4.285 hộ) và 25,32% (4.255 hộ).
Trên thực tế nhiều chính sách dân tộc đã được thực hiện tại Khánh Hòa giúp từng bước giúp thay đổi, phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS nơi đây.
Cụ thể, chính sách đối với người uy tín trong đồng bào DTTS theo Quyết định 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện tốt. Trong năm 2021, 88 người uy tín đã được Ban Dân tộc cấp huyện thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định. Đồng thời, Hội nghị 10 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh (2011-2021) dự kiến sẵn sàng tổ chức phụ thuộc vào diễn biến dịch Covid-19.
Chị Bo Bo Thị Biểu, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) làm chuồng nuôi vịt trời, mô hình kinh tế cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh minh họa: TTXVN
Ban Dân tộc đã phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát đối tượng cấp báo, tạp chí năm 2021 và phối hợp với Bưu điện tỉnh, các đơn vị liên quan triển khai việc cấp báo, tạp chí cho các đối tượng thụ hưởng theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc.
Tiếp đó, 3 Đề án nổi bật đang được triển khai tại Khánh Hòa cũng giúp thay đổi tích cực vùng đồng bào DTTS. Mở đầu là Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi”. Ban Dân tộc đã ban hành kế hoạch thực hiện, phối hợp với địa phương tổ chức 17 lớp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác dân tộc và chính sách dân tộc cho 860 lượt đồng bào DTTS. Tiếp đó, Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025”, Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa cũng ban hành kế hoạch cụ thể thực hiện và yêu cầu kế hoạch được lập đối với cấp huyện. Qua đó, đã có 3 lớp tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho125 lượt đồng bào DTTS. Cuối cùng là Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 – 2025” theo Quyết định 1898/QĐ-TTg. Ban Dân tộc đã lồng ghép nội dung của Đề án với các lớp tuyên truyền, phổ biến giáo dục, tập huấn công tác dân tộc, chính sách dân tộc cho vùng đồng bào DTTS. Đến nay đã có 8 lớp tuyên truyền bình đẳng giới được tổ chức với 3.350 lượt đồng bào DTTS được tham gia...
Cùng với các chính sách, đề án cụ thể trên, các chính sách chung về y tế, giáo dục và văn hóa xã hội từ đầu năm 2021 đến nay đã và đang phát huy tác dụng, từng bước làm thay đổi đời sống sinh hoạt cũng như KTXH vùng đồng bào DTTS tại Khánh Hòa.
Trên thực tế, theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2011-2025 và định hướng đến năm 2030, Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa đã tham mưu UBND tỉnh Quyết định thành lập đoàn công tác khảo sát thực tế danh mục đầu tư thực hiện Chương trình. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tiến hành khảo sát thực tế danh mục đề xuất đầu tư của các địa phương, báo cáo UBND tỉnh. Tiếp đó, dự thảo kế hoạch thực hiện Chương trình (Đã lấy ý kiến góp ý các sở, ban, ngành, địa phương lần thứ 3).
Chắc chắn rằng, sau khi Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng đồng bào DTTS tại Khánh Hòa sẽ tiếp tục được cải thiện bộ mặt, nâng cao thu nhập và tạo ra sinh kế bền vững cho những người dân nơi đây./.
Oanh Hữu