Ưu tiên các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn và hộ nghèo, cận nghèo
Đối tượng của Đề án là các xã, thôn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, ưu tiên các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; hộ nghèo, cận nghèo, các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021-2025.
Theo kế hoạch, tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu, trong đó hàng đầu là hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút, vận động và sử dụng nguồn viện trợ bằng cách cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương. Bổ sung, sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn tài trợ ODA và các nguồn từ nước ngoài khác đảm bảo đồng bộ, nhất quán, rõ ràng, đơn giản, dễ thực hiện. Đi kèm với đó, khuyến khích tiếp nhận chuyển giao khoa học, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm từ các nhà tài trợ nước ngoài vào vùng DTTS đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Các nhiệm vụ, giải pháp tiếp đó, sẽ tập trung vào: tăng cường năng lực, thu hút đầu tư, vận động và sử dụng nguồn vốn nước ngoài; quản lý, đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác, cung cấp chia sẻ thông tin.
Khi có được các nguồn đầu tư, một giải pháp khác không kém phần quan trọng đó là tăng cường công tác giám sát, đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn nước ngoài. Trong đó, đảm bảo tính công khai, minh bạch, trách nhiệm và giám sát của các bên, cộng đồng trong suốt quá trình lập, triển khai và kết thúc dự án. Các mô hình của Mặt trận Tổ quốc, các thành viên và cộng đồng tham gia giám sát các dự án sẽ được thúc đẩy đi liền với phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vận động và tổ chức cho cộng đồng các DTTS tích cực tham gia vào các chương trình phát triển sản xuất, xây dựng và sử dụng các công trình của cộng đồng.
Đồng bào DTTS tỉnh Thái Nguyên nâng cao được năng suất, hiệu quả khi tham gia Mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh:consosukien.vn
Trong kế hoạch của UBND tỉnh Thái Nguyên, trách nhiệm, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành cũng được nêu rất cụ thể. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên phải là cơ quan thường trực tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, quản lý, triển khai, giám sát, đánh giá thực hiện Đề án. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành cung cấp thông tin liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc, đồng bào DTTS và miền núi và tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý. Cũng như chủ trì, phối hợp thực hiện đảm bảo việc đầu tư vào vùng đồng bào DTTS và miền núi đúng đối tượng và phù hợp với quy định pháp luật.
Cần thu hút đặc biệt với nguồn viện trợ ODA cho vùng đồng bào DTTS
Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, mục tiêu của việc triển khai thực hiện Đề án nhằm thu hút tối đa nguồn lực quốc tế, đặc biệt là nguồn viện trợ không hoàn lại, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ để đầu tư phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực: phát triển giáo dục, đào tạo chăm sóc sức khỏe nhân dân, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đẩy nhanh công tác giảm nghèo cũng như đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc...
Vận động, thu hút nguồn lực quốc tế vào phát triển KTXH vùng DTTS và miền núi dựa trên nhu cầu và thực tiễn, lợi thế và tiềm năng của từng dân tộc, từng địa phương trên nguyên tắc bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, vận động hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức, cá nhân quốc tế hỗ trợ nâng cao năng lực cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi; công chức, viên chức thực hiện công tác dân tộc các cấp. Tập huấn, nâng cao kiến thức về hội nhập quốc tế và xây dựng, quản lý, sử dụng các nguồn viện trợ nước ngoài cho cán bộ làm nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực hợp tác đầu tư vùng dân tộc.
Như vậy, với kế hoạch rõ ràng, các nhóm giải pháp đồng bộ, căn cơ cùng với việc phân công, phân nhiệm cụ thể đối với từng sở, ban, ngành, kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ KTXH vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đến năm 2025” được kỳ vọng sẽ nhanh chóng thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư nước ngoài để hỗ trợ, giúp đỡ vùng đồng bào DTTS và miền núi từng bước “thay da đổi thịt”, người dân khu vực này sẽ là chủ thể đối tượng chính được thụ hưởng chính sách./.
Tràng An