Chỉ đạo thanh tra, giám sát bảo vệ, phát huy giá trị di tích ở Quảng Ninh

Thứ hai, 07/04/2025 08:00
(ThanhtraVietNam) - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Ban quản lý vịnh Hạ Long cùng các địa phương, một số sở ngành đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích; phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo di tích; kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm sai phạm, vi phạm làm ảnh hưởng tới giá trị di tích; bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của địa phương.

Nguyên nhân khiến khiếu nại, tố cáo ở Quảng Ninh giảm sâu

Chủ tịch Agribank làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ngày 25/3/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Bộ VHTTDL nhận thấy bên cạnh việc nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích,vẫn còn hiện tượng tu bổ, tôn tạo, xây dựng công trình phát huy giá trị di tích không theo đúng quy định của pháp luật, không đúng với nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn, làm ảnh hưởng tới giá trị di tích, tạo dư luận không tốt trong xã hội về công tác quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác này.

leftcenterrightdel
 Năm 1962, Vịnh Hạ Long đã được Bộ Văn hóa - Thông tin nay là Bộ VHTTDL xếp hạng là Di tích danh thắng cấp quốc gia; ngày 12/8/2009 được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt và ngày 8/7/2017, Bộ VHTTDL trao tặng danh hiệu Khu Du lịch hàng đầu Việt Nam. Ảnh: QNP

Theo đó, các sở: VHTTDL, Tài chính, Xây dựng; Ban quản lý vịnh Hạ Long; UBND các huyện, thị xã, thành phố được yêu cầu:

Luật Di sản văn hóa năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 quy định, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị đối với di sản văn hoá trên địa bàn được đưa vào các danh mục kiểm kê, di sản văn hoá trên địa bàn được xếp hạng, ghi danh, công nhận trong các danh mục của quốc gia, các danh sách, danh mục của UNESCO.

Ban hành Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá với các địa phương có chung di sản văn hoá được xếp hạng, ghi danh, công nhận ở các danh mục của quốc gia hoặc các danh sách, danh mục của UNESCO…

Một là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương liên quan và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; kiểm soát chặt chẽ quy trình kiểm kê, xếp hạng mới di tích, gắn kết chặt chẽ với chương trình, kế hoạch tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích.

Thực hiện hiệu quả, kịp thời cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền trong việc tham mưu, quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương tới địa phương.

Hai là, thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các quy định về đầu tư, xây dựng khi triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (bất kể dự án được triển khai từ nguồn ngân sách nào).

Hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình, quy định, thủ tục triển khai các dự án tu bổ di tích, phối hợp tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, bộ, ngành, các nhà khoa học có liên quan và chỉ thực hiện khi có văn bản thẩm định, phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Triển khai thực hiện đúng các nội dung thẩm định dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được Bộ VHTTDL, cơ quan chức năng của Bộ thỏa thuận, góp ý, để bảo đảm bảo vệ, giữ gìn được yếu tố gốc tạo nên giá trị di tích.

Ba là, chủ động phối hợp với cơ quan báo chí, truyền thông để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về di sản văn hóa.

Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân địa phương để nâng cao nhận thức xã hội, các cấp chính quyền.

Bốn là, tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ý nghĩa, giá trị của các di tích, lýdo bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và công khai nội dung dự án tu bổ di tích trước khi triển khai để nhân dân được biết, tham gia, đóng góp ý kiến nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của xã hội về việc thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, nhất là đối với các di tích có tính chất tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng…

Khi hoàn thành dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích,cần có hình thức thích hợp để giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật của di tích; ngày khởi công, ngày hoàn thành; những tổ chức, cá nhân đóng góp tài chính; đơn vị thi công…

Năm là, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở địa phương; phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong việc triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo di tích đúng quy trình, nội dung theo quy định của pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm và dứt điểm các sai phạm, vi phạm làm ảnh hưởng tới giá trị di tích (nếu có); bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của địa phương./.

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra