Hậu Giang:

Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ hai, 13/09/2021 13:00
(ThanhtraVietnam) - Mới đây, Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang đã có báo cáo về tình hình triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2019-2025”.

Báp cáo của Ban Dân tộc tỉnh cho biết, thực hiện quyết định 414/QĐ-TTg, UBND tỉnh đã có văn bản 1827/VP.UBND về việc giao cho Ban Dân tộc tỉnh chủ động phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương đề xuất việc thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2019 - 2025” trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh đã xây dựng Cổng dịch vụ trực tuyến và xây dựng ứng dụng di động Hậu Giang để hỗ trợ người dân trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện đề án Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2025, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
Hội nghị tuyên truyền của Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang cho những cán bộ, người uy tín liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số  (Ảnh: Nguồn CTTĐT Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang)

Đến nay, trên toàn địa bàn tỉnh đã áp dụng hình thức gửi nhận văn bản trên môi trường điện tử; đồng thời, áp dụng ký số điện tử trong các văn bản hành chính và tham gia dịch vụ công trực tuyến tại Kho Bạc, Bảo hiểm xã hội… Ban Dân tộc tỉnh đã chuẩn bị hồ sơ trình UBND tỉnh triển khai xây dựng dự án Hệ thống thông tin dữ liệu công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh cũng cho biết, khó khăn lớn nhất trong thực hiện Đề án là nguồn kinh phí. Do đó, Ban Dân tộc tỉnh kiến nghị Trung ương có nguồn kinh phí hỗ trợ cho đia phương để tiếp tục hoàn thành Đề án theo đúng tiến độ./.

Hậu Giang là một tỉnh nông nghiệp với diện tích tự nhiên là 1.601,14 km2; chiếm khoảng 4% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có 194.412 hộ, với 779.325 người; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) 7.585 hộ với 30.529 người, chiếm tỷ lệ 3,9%  so với dân số toàn tỉnh. Hộ nghèo của tỉnh chiếm 8,40% dân số toàn tỉnh, riêng số hộ nghèo đồng bào DTTS là 1.482 hộ, chiếm tỷ lệ 19,22% so với hộ DTTS. Đồng bào các DTTS trong tỉnh sống xen kẽ nhau là chủ yếu, phần lớn bà con sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, một bộ phận nhỏ sống ở thành thị. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó tương trợ và giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã quan tâm đến công tác dân tộc, nên tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, công tác cán bộ là người DTTS được quan tâm, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Từ năm 2004 đến nay, đã thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS theo các Quyết định 135 (giai đoạn II); Quyết định 134/2004/QĐ-TTg; Quyết định 32/2007/QĐ-TTg; Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg; Quyết định 74/2008/QĐ-TTg; Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg; Quyết định 33/2007/QĐ-TTg … với kinh phí trên 170 tỷ đồng. Qua đó, đã xây dựng mới và sửa chữa trên 2.200 căn nhà; 888 hộ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; 1.146 hộ được giải quyết việc làm…. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm hơn so với các năm trước.


Đình Thuyết

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra