SASCO từng được biết đến là có những đóng góp không nhỏ đối với việc tăng năng lực cạnh tranh tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất trong khu vực, góp phần đưa thị trường Hàng không Việt Nam đứng ở top 4 trong các nước ASEAN vào năm 2020.
Theo Thông báo số 27/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) ngày 5/1/2018, ACV và công ty con SASCO đã có nhiều tồn tại, khuyết điểm, thậm chí là sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn.
Ở bài trước, chúng tôi đã nói về những tồn tại, khuyết điểm, sai phạm của công ty mẹ (ACV) và việc thực hiện các giải pháp khắc phục. Trong phạm vi bài này, chúng tôi nhấn mạnh đến một số tồn tại, khuyết điểm, sai phạm của công ty con (SASCO) và chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình.
Lỗ 13.408.166 Euro
Theo Thông báo số 27/TB-TTCP, SASCO đầu tư vốn thành lập Công ty Liên doanh Nhà Viethaus tại Đức, từ năm 2005 đến năm 2015, kết quả kinh doanh không có hiệu quả. Lỗ lũy kế đến thời điểm 31/12/2015 là 13.408.166 Euro. Các mục tiêu kinh tế của dự án chưa đạt được, khó có khả năng thu hồi vốn đầu tư và các khoản nợ với số tiền là 9.617.077,96 Euro, tương đương 61.963 triệu đồng.
Công ty SASCO chưa thực hiện đúng quy định trong việc phối hợp với cơ quan chức năng để hoàn thiện hồ sơ và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất; chưa nộp tiền thuê đất (từ năm 2001 đến năm 2016) vào NSNN số tiền 1.051 triệu đồng.
SASCO không kiểm tra, nghiệm thu để xác định đúng, đầy đủ, kịp thời các khoản thu về cấp bù doanh thu năm 2015 của IPP GROP (S) PTE LTD Singgapo, dẫn đến giảm doanh thu năm 2015 với giá trị là 920.000 USD tương đương 20.672 triệu đồng (tỷ giá 22.470 VNĐ/1 USD), thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền 4.500 triệu đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo ngày 03/5/2017, SASCO đã khắc phục và thu được số tiền nêu trên.
Trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, SASCO thiếu kiểm tra, giám sát để Công ty Cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam đánh giá lại một số tài sản sai quy định, dẫn đến làm giảm vốn Nhà nước khi cổ phần hóa số tiền 12.955 triệu đồng.
Thanh tra Chính phủ khẳng định việc quyết toán cổ phần hóa SASCO chậm là do UBND TP. Hồ Chí Minh chưa ban hành quyết định giá đất để xác định giá trị sử dụng 27.992,4m2 đất khi cổ phần hóa; chưa hoàn thành thủ tục giao 17.676,4m2 đất tại số 108, 112B, 114 đường Hồng Hà, quận Tân Bình. Song, không thể không có trách nhiệm của ACV và SASCO.
Ngay sau khi có kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, ACV và SASCO đã nỗ lực thực hiện xử lý các vi phạm về tài chính với tổng số tiền là 1.158.154,1 triệu đồng. Riêng SASCO nộp vào ngân sách 7.099 triệu đồng và nộp về Quỹ Sắp xếp doanh nghiệp của ACV 12.955 triệu đồng; thu 902.000 USD doanh thu còn thiếu và nộp ngân sách bổ sung 4.500 triệu đồng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Chỉ đạo của Phó Thủ tướng
Còn một số vấn đề cụ thể liên quan đến SASCO mà các cơ quan có chức năng và SASCO chưa khắc phục được, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo như sau:
Thứ nhất, về việc Công ty SASCO được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê 131,12 ha đất lâm nghiệp rừng phòng hộ môi trường cảnh quan để triển khai dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Hoa, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hơp với UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát lại việc chuyến đối nêu trên. Trong đó, cần xác định rõ những vi phạm, kiến nghị hình thức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tố chức, cá nhân theo quy định pháp luật.
Thứ hai, về dự án Viethaus (liên doanh giữa Công ty SASCO và Công ty H.M.SKY Gmbh - Cộng hòa Liên bang Đức), Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, đánh giá lại tính hiệu quả của dự án; đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01/2018.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật tới quý đọc giả ngay khi có thông tin mới.
Nhóm PV