Chính sách phát triển thanh niên trong thời kỳ đổi mới và kiến nghị sửa đổi Luật Thanh niên

Thứ ba, 28/04/2020 15:20
(ThanhtraVietNam) - Luật Thanh niên năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 đã tạo hành lang pháp lý trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật nhằm phát huy vai trò, sức mạnh, sức sáng tạo của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thực hiện Luật Thanh niên đã bộc lộ những khó khăn, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển thanh niên ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, cần xem xét, sửa đổi các chính sách phát triển thanh niên trong Luật Thanh niên năm 2005 để đáp ứng nguyện vọng và phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách phát triển thanh niên

Ngay từ khi ra đời, Đảng đã xác định công tác thanh niên là công tác của Đảng. Tại Nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động tháng 10 năm 1930, Đảng khẳng định: "Thanh niên lao động đã thành một lực lượng cách mạng quan trọng không thể không kể tới được". Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản quan trọng về công tác thanh niên, khẳng định sự cần thiết phải tăng cường quản lý nhà nước đối với thanh niên, ban hành Luật Thanh niên, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để các cấp, các ngành và mỗi công dân chăm lo bồi dưỡng, giáo dục và phát huy tiềm năng to lớn của thanh niên.

Các chủ trương, đường lối lớn, nổi bật của Đảng về chính sách phát triển thanh niên thời kỳ mới, đó là: Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14/01/1993 về công tác thanh niên trong thời kỳ mới của Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII là một chủ trương mang tính quyết định, làm chuyển biến mạnh mẽ tình hình thanh niên và phong trào thanh niên. Nhà nước đã ban hành Luật Thanh niên, nhiều chính sách để thanh niên rèn luyện, cống hiến, trưởng thành. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa X xác định rõ quan điểm tiếp tục xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc; kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật, sống có văn hoá, vì cộng đồng; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế...

Có thể khẳng định, công tác thanh niên do Đảng lãnh đạo trực tiếp và toàn diện bằng các Chỉ thị, Nghị quyết và chủ trương. Đảng lãnh đạo các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thể chế các chủ trương đó bằng các chính sách pháp luật. Chính sách phát triển thanh niên phải được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện căn cứ chủ trương của Đảng.     

leftcenterrightdel
Cần xem xét, sửa đổi các chính sách phát triển thanh niên trong Luật Thanh niên năm 2005 để phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
Chính sách phát triển thanh niên trong Luật Thanh niên và các văn bản hướng dẫn

Luật Thanh niên năm 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua là sự thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong chăm lo thanh niên và công tác thanh niên, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời cụ thể hóa Điều 66, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001)(1) về thanh niên. Luật Thanh niên năm 2005 có vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý cho chính sách phát triển thanh niên. Trong Luật, bên cạnh nội dung quy định về quyền, thanh niên có nghĩa vụ tham gia, thực hiện trách nhiệm của mình với Tổ quốc, xã hội, gia đình, bản thân với tư cách vừa là công dân, vừa là thanh niên; Trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với mọi thanh niên và một số đối tượng thanh niên được quy định cơ bản đầy đủ. Do các quy định chính sách phát triển thanh niên đều mang tính nguyên tắc, Quốc hội đã giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật (Điều 36).

Thực hiện Điều 36 Luật Thanh niên năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/2007/NĐ-CP ngày 23/7/2007 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 78/2017/NĐ-CP ngày 03/7/2017) hướng dẫn thi hành một số điều của Luật; Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 11/9/2009 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW; Nghị định số 12/2011/NĐ-CP ngày 30/01/2011 về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong; Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 về chính sách thu hút, tạo nguồn từ cán bộ, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Các chính sách phát triển thanh niên trong các văn bản này thể hiện ở những nội dung sau:

Nghị định số 120/2007/NĐ-CP có 10 điều quy định chi tiết bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thanh niên, 05 điều về trách nhiệm của Nhà nước cho nhóm thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18, các quy định chi tiết về trách nhiệm chung và trách nhiệm cụ thể của các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam.

Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, Chính phủ đề ra 5 nhiệm vụ chủ yếu. Nhiệm vụ đầu tiên là hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho thanh niên được học tập, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng, bảo đảm giáo dục toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Nhiệm vụ thứ hai là nâng cao chất lượng lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống thanh niên thông qua các các chính sách hỗ trợ, ưu đãi học nghề, tạo việc làm... Nhiệm vụ thứ ba là phát hiện, tuyển chọn, bố trí và sử dụng có hiệu quả tài năng trẻ trên tất cả các lĩnh vực ở các nhiệm vụ quan trọng, phù hợp, thu hút tài năng trẻ đang học tập, công tác, sinh sống tại nước ngoài tham gia phát triển đất nước. Nhiệm vụ thứ tư là xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tạo điều kiện cho thanh niên nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phát triển toàn diện, nghiên cứu, nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng làm cơ sở đề xuất các chủ trương, chính sách phát triển thanh niên. Nhiệm vụ thứ năm là tăng cường vai trò tham gia giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức thanh niên đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên, đề xuất và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thanh niên phù hợp với tình hình mới…

Nghị định số 12/2011/NĐ-CP ngày 30/01/2011 của Chính phủ quy định chính sách ưu đãi cho đơn vị thanh niên xung phong, đội viên thanh niên xung phong và cán bộ quản lý thanh niên xung phong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với thanh niên xung phong. Nghị định số 140/2017/NĐ-CP có nhiều quy định ưu tiên trong tuyển dụng thông qua xét tuyển (không phải thi tuyển), rút ngắn thời gian tập sự, hưởng phụ cấp tăng thêm; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức; đặc cách cử tham dự kỳ thi nâng ngạch chuyên viên chính hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; phong, thăng cấp bậc quân hàm sĩ quan quân đội, cấp bậc hàm sĩ quan công an;… dành cho sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ nhằm thu hút, tạo nguồn cán bộ ở các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Quyết định, Chỉ thị để thực hiện chính sách dành cho thanh niên nói chung, theo đối tượng thanh niên cụ thể hoặc theo từng giai đoạn ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 là cơ sở để các cơ quan Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách, huy động mọi nguồn lực hợp pháp để phát triển thanh niên. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam chia thành 02 giai đoạn: Giai đoạn I  từ năm 2011 đến năm 2015, giai đoạn II  từ năm 2016 đến năm 2020. Kế hoạch của mỗi giai đoạn đều xác định, điều chỉnh, bổ sung và cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp của Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong quá trình ban hành các văn bản theo thẩm quyền, nhiều Bộ, ngành đã thể chế hóa các chính sách hỗ trợ, phát triển thanh niên theo chức năng quản lý nhà nước hoặc lồng ghép các cơ chế, chính sách cho thanh niên. Các Bộ, ngành và địa phương đều ban hành Chương trình phát triển thanh niên của ngành, lĩnh vực và địa phương hàng năm, 05 năm, bố trí nhân lực, kinh phí từ ngân sách Nhà nước và huy động từ các nguồn khác để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển thanh niên phù hợp với điều kiện thực tế.

Một số kiến nghị sửa đổi Luật Thanh niên

Thực tế, việc triển khai Luật Thanh niên còn chưa thật sự đồng bộ và rộng rãi, việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thanh niên của các Bộ, ngành, địa phương còn chậm và thiếu đồng bộ, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức(2) đã ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện chính sách phát triển thanh niên. Bên cạnh đó, thanh niên cũng là công dân nên chịu sự điều chỉnh của các luật khác trong hệ thống pháp luật. Do vậy, việc xây dựng chính sách phát triển thanh niên trong Luật Thanh niên (sửa đổi) cần quan tâm tới một số vấn đề sau:

Một là, Luật Thanh niên là luật đối tượng, vì vậy, Luật sửa đổi phải có quy định để thanh niên nhận thức đầy đủ, thống nhất về nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể của mình. Luật phải thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của thanh niên thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để thanh niên thấy được vị trí quan trọng của mình trong xã hội, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc một cách chủ động. Luật sửa đổi cần quy định rõ ràng, làm sao vừa thể hiện yêu cầu của Nhà nước đối với thanh niên, vừa khẳng định vai trò, trách nhiệm xung kích trong thực hiện nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ thanh niên. Hiện nay, khái niệm về trách nhiệm xung kích của thanh niên đang được quy định ở mức Nghị định, đó là: “Xung kích" là sẵn sàng, tình nguyện đi đầu thực hiện các nghĩa vụ của thanh niên, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, sẵn sàng đảm nhận các công việc khó khăn, gian khổ, cấp bách, nguy hiểm để đóng góp sức lực, trí tuệ, nhiệt tình và sáng tạo của tuổi trẻ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (Khoản 1, Điều 4. Giải thích từ ngữ, Nghị định số 120/2007/NĐ-CP).

Hai là, Luật sửa đổi cần quy định mục tiêu “phát triển thanh niên” cũng như nguyên tắc cơ bản trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách phát triển thanh niên nhằm thúc đẩy thanh niên tự rèn luyện để hoàn thiện về nhân cách, học vấn, kỹ năng nghề nghiệp… bên cạnh việc được Nhà nước, xã hội, gia đình tạo điều kiện, cơ hội cho thanh niên phát triển. Phần lớn thanh niên hiện nay đều có suy nghĩa tích cực, mong muốn được cống hiến cho cộng đồng, được tiếp cận nhiều hơn, thuận lợi hơn với các cơ hội trong cuộc sống. Việc xác định mục tiêu của Luật nhằm “phát triển thanh niên” sẽ giúp cho việc xác định các nguyên tắc cơ bản của chính sách phát triển thanh niên, từ đó, cơ chế thực hiện, điều kiện đảm bảo thi hành cũng sẽ được xây dựng, hoàn thiện trên cơ sở các nguyên tắc này.

Ba là, xác định, xây dựng các nhóm chính sách phát triển thanh niên theo hướng làm rõ từng chính sách để đảm bảo sự phát triển thanh niên. Có thể hiểu, chính sách phát triển thanh niên là chính sách công, là tổng thể các quan điểm, tư tưởng, giải pháp và công cụ mà Nhà nước sử dụng để tác động lên các đối tượng thanh niên nhằm thực hiện những mục tiêu nhất định hoặc giải quyết những vấn đề nhất định. Vì vậy, việc xác định rõ ràng mục tiêu và những vấn đề cần giải quyết là rất quan trọng để các chính sách dành cho thanh niên thực sự đạt được hiệu quả. Hiện nay, những vấn đề lớn trong phát triển chất lượng nguồn nhân lực thanh niên nằm ở các chính sách về: Giáo dục; việc làm và cơ hội; sức khỏe; sự tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Trong đó, chính sách được thanh niên quan tâm nhất là giáo dục và việc làm(3). Điều này cũng xuất phát từ cơ sở thực tiễn là thực trạng trình độ học vấn của thanh niên Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với chất lượng lực lượng lao động. Trình độ học vấn là nền tảng cơ bản để mỗi cá nhân có thể tiếp tục nỗ lực phát triển kỹ năng, sự sáng tạo và khả năng đáp ứng yêu cầu của các ngành nghề. Tìm được cơ hội làm việc phù hợp sẽ giúp thay đổi hoàn toàn cuộc sống cá nhân của thanh niên cũng như góp phần tạo những chuyển đổi tích cực trong xã hội.

Bốn là, Luật sửa đổi nên quy định đầy đủ hơn về sự tham gia của thanh niên vào quá trình xây dựng và thực thi các chính sách pháp luật, để đảm bảo các chính sách được xây dựng dựa trên bằng chứng và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thanh niên. Mục đích chính là tạo cho thanh niên cơ hội nói lên tiếng nói của mình và giám sát việc tổ chức thực hiện đối với những vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Luật Thanh niên hiện hành đã quy định rõ quyền và trách nhiệm của thanh niên trong việc tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trong xây dựng và thực thi chính sách có liên quan. Tuy nhiên, kiến thức của thanh niên về xây dựng chính sách còn hạn chế, việc tổ chức lấy ý kiến thanh niên ở một số cơ quan, địa phương còn mang tính hình thức, có những ý kiến kiến nghị của thanh niên chưa được quan tâm giải quyết thỏa đáng(4), chưa thực sự được sử dụng trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách, do vậy họ không hào hứng tham gia các hoạt động của việc xây dựng và thực thi chính sách(5).

Năm là, chính sách phát triển thanh niên cần sự phối hợp mật thiết giữa Nhà nước, xã hội, gia đình và bản thân thanh niên. Hiện nay, trách nhiệm của Nhà nước, xã hội, gia đình đối với thanh niên trong Luật Thanh niên năm 2005 được quy định trong 11 điều. Tuy nhiên, một số quy định còn có nội dung chưa phù hợp, bên cạnh đó, nhiều nội dung đã được quy định tại các luật chuyên ngành về lao động, giáo dục, hôn nhân và gia đình, thể dục thể thao... Do đó, kiến nghị Luật sửa đổi không nên để rải rác trách nhiệm của các chủ thể theo từng lĩnh vực mà nên thu gọn những quy định đối với mỗi chủ thể thành một điều luật và quy định cơ chế phối hợp trong tổ chức thực hiện chính sách phát triển thanh niên.

Có thể khẳng định rằng, hệ thống chính sách phát triển thanh niên Việt Nam được xây dựng khá nhiều và cơ bản toàn diện ở nhiều lĩnh vực kể từ lúc Luật Thanh niên năm 2005 có hiệu lực và được đẩy mạnh hơn khi Đảng có Nghị quyết số 25-NQ/TW tăng cường công tác thanh niên. Các chính sách này đã tạo ra những điều kiện, cơ hội cho thanh niên trau dồi đạo đức, nhân cách, tri thức, sức khỏe, tư duy năng động, hành động sáng tạo. Thế hệ thanh niên thời kỳ mới đã, đang có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngày càng thể hiện tốt hơn trách nhiệm với Nhà nước, xã hội, gia đình và vai trò xung kích ở nhiều lĩnh vực khó khăn, phức tạp./.

 

Ths. Lê Thị Hương Thủy

Viện Nghiên cứu lập pháp

Chú thích:

1)   “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”;

2)   Bộ Nội vụ, Báo cáo Tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật thanh niên số 484/BC-BNV ngày 31/01/2018;

3)   Bộ Nội vụ, Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, “Báo cáo quốc gia về Thanh niên Việt Nam”, tháng 6 năm 2015;

4)   Bộ Nội vụ, Báo cáo Tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật thanh niên số 484/BC-BNV ngày 31/01/2018;

5)   Bộ Nội vụ, Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, tài liệu đã dẫn.

  

Tài liệu tham khảo:

1.    Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”;

2.    Kết luận số 80/KL-TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”;

3.    Luật Thanh niên năm 2005;

4.    Nghị định số 120/2007/NĐ-CP ngày 23/7/2007 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 78/2017/NĐ-CP ngày 03/7/2017) hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên;

5.    Nghị quyết số  45/NQ-CP ngày 11/9/2009 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW;

6.    Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn từ cán bộ, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ;

7.    Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020”;

8.    “Báo cáo quốc gia về Thanh niên Việt Nam”, Bộ Nội vụ, Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, tháng 6 năm 2015;

9.    Bộ Nội vụ, Báo cáo Tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật thanh niên số 484/BC-BNV ngày 31/01/2018.

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra