Cơ quan Hợp tác tư pháp của Liên minh Châu Âu (Eurojust):

Công cụ hữu hiệu chống tội phạm tham nhũng xuyên quốc gia

Thứ năm, 23/09/2021 14:34
(ThanhtraVietNam) - Để đẩy mạnh cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, quy mô lớn, vào năm 2000, Hội đồng Châu Âu đã thống nhất thành lập một đơn vị bao gồm các công tố viên, thẩm phán, sĩ quan cảnh sát... thuộc các quốc gia thành viên. Ngày 14/12/2000, theo sáng kiến ​​của Bồ Đào Nha, Pháp, Thụy Điển và Bỉ, một đơn vị hợp tác tư pháp lâm thời được thành lập với tên gọi Pro-Eurojust, có trụ sở đặt tại Brussels (thủ đô của Bỉ). Đơn vị này là tiền thân của Eurojust (Cơ quan Hợp tác tư pháp của Liên minh Châu Âu (EU)).

Vào tháng 4 năm 2003, Eurojust chuyển trụ sở đến Hague (thành phố lớn thứ ba ở Hà Lan sau Amsterdam và Rotterdam). Eurojust đã và đang đàm phán các thỏa thuận hợp tác với các quốc gia thứ ba (quốc gia không phải là thành viên EU) và các cơ quan khác của EU, cho phép trao đổi thông tin tư pháp và dữ liệu cá nhân. Các thỏa thuận đã được ký kết với Na Uy, Iceland, Liechtenstein, Cộng hòa Macedonia thuộc Nam Tư cũ, Moldova, Montenegro, Ukraine, Mỹ, Croatia và Thụy Sĩ, cũng như với Văn phòng chống gian lận Châu Âu OLAF (Cơ quan điều tra gian lận, tham nhũng đối với ngân sách của EU và hành vi phạm pháp nghiêm trọng trong các tổ chức Châu Âu, phát triển chính sách chống gian lận cho Ủy ban Châu Âu, bắt đầu hoạt động vào năm 2000 và có trụ sở tại Brussels), Europol (Cơ quan thực thi pháp luật của EU xử lý thông tin tình báo tội phạm, chống tội phạm có tổ chức quốc tế nghiêm trọng bằng sự hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật có liên quan của các nước thành viên), Ủy ban Châu Âu và nhiều tổ chức quốc tế khác. Ngoài các thỏa thuận hợp tác, Eurojust cũng duy trì một mạng lưới các đầu mối trên toàn thế giới, hiện tại là 42 đầu mối liên lạc bên ngoài EU. Eurojust đã ký một thỏa thuận hợp tác với Thụy Sĩ với tư cách là quốc gia thứ ba cho phép cử công tố viên đầu mối đến Eurojust. Thỏa thuận này có hiệu lực từ năm 2011. Trách nhiệm chính của công tố viên đầu mối là tạo điều kiện và điều phối hợp tác quốc tế trong các vấn đề hình sự giữa Thụy Sĩ và các quốc gia có đại diện tại Eurojust. Điều đó bao gồm một loạt các hoạt động, từ việc thực hiện các yêu cầu của Công ước MLA (Công ước về hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề hình sự giữa các quốc gia thành viên của EU) đến tổ chức các cuộc họp phối hợp giữa các công tố viên và cảnh sát điều tra từ các quốc gia khác nhau để lập kế hoạch và xác định một chiến lược điều tra phối hợp.

leftcenterrightdel

Tổng cộng có khoảng 350 người làm việc tại Eurojust gồm: Nhân viên thường trực (Văn phòng Giám đốc Hành chính, Văn phòng Kế hoạch và Ngân sách, Văn phòng Truyền thông Doanh nghiệp, Bảo mật, Quản lý Thông tin), một phần của Mạng lưới và Cơ quan Thư ký do Eurojust điều hành (Mạng lưới Tư pháp Châu Âu và Ban Thư ký Nhóm Điều tra chung...), đơn vị phân tích về pháp lý của Eurojust có đội ngũ luật sư từ nhiều khu vực khác nhau; cùng 28 cơ quan đại diện của các quốc gia thành viên EU và các quốc gia thứ ba có đại diện tại Eurojust. 

Thẩm quyền quản lý Eurojust thuộc Giám đốc Hành chính và Quản lý (hậu cần, quản lý ngân sách…). Eurojust có Ban Quản lý làm việc dựa trên nguyên tắc không can thiệp vào công việc của các cơ quan đại diện của các quốc gia và các công tố viên đầu mối. Mỗi cơ quan quản lý công việc của mình và đặt ra các ưu tiên riêng trong thực thi các hoạt động. Các cơ quan đại diện có thể đăng ký các nguồn lực tố tụng bổ sung từ các cơ quan quản lý Nhà nước của họ. Tất cả các công tố viên làm việc tại Eurojust hay làm việc với tư cách là công tố viên đầu mối chỉ làm việc tại Eurojust trong một khoảng thời gian nhất định, trung bình khoảng bốn năm, sau đó sẽ quay trở lại lĩnh vực hoạt động ở quốc gia của họ. 

Eurojust không phải là Văn phòng công tố Châu Âu, không tự dẫn dắt các cuộc điều tra. Chức năng của Eurojust là hỗ trợ các cơ quan công tố quốc gia và là một tổ chức hoạt động theo yêu cầu và hỗ trợ các công tố viên từ các quốc gia trong các cuộc điều tra cụ thể. Điều đó có nghĩa là Eurojust can thiệp trong các trường hợp khẩn cấp hoặc đồng hành với một vụ việc phức tạp trong thời gian dài. Eurojust có thể yêu cầu tổ chức nhiều cuộc họp phối hợp trong khoảng thời gian vài năm. Lợi thế khi làm việc tại Eurojust là có “tầm nhìn toàn cảnh” và nắm bắt được toàn bộ các cuộc điều tra tội phạm với các phân nhánh quốc tế ở các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, Eurojust không thể gây ảnh hưởng hoặc đưa ra quyết định trong các cuộc điều tra này. Eurojust chỉ có thể đưa ra đề xuất và khuyến nghị cho các công tố viên, những người chịu trách nhiệm về các cuộc điều tra. Trong trường hợp hành vi tội phạm được thực hiện tại một quốc gia thành viên nhưng lại gây ra hậu quả vượt ra ngoài biên giới của quốc gia đó, Eurojust cung cấp cho các quốc gia thành viên kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn sâu rộng trong hợp tác tư pháp, bao gồm một loạt các công cụ để xử lý các vấn đề như xung đột quyền tài phán, dẫn độ, tiếp nhận bằng chứng, phong tỏa và thu hồi tài sản. Vì có khả năng đáp ứng các cơ quan có thẩm quyền từ tất cả các quốc gia thành viên và các quốc gia thứ ba khác nên Eurojust có thể phản hồi các yêu cầu một cách nhanh chóng, đôi khi giúp giải quyết một số vụ việc chỉ trong vòng vài giờ.

Eurojust hỗ trợ các công tố viên trong các trường hợp phức tạp và khẩn cấp cần sự hợp tác với các quốc gia khác. Ví dụ: Một công tố viên Thụy Sĩ đang điều tra một vụ án tham nhũng và rửa tiền cần hợp tác hoặc trao đổi thông tin với một hoặc nhiều quốc gia thành viên EU có thể yêu cầu tổ chức một cuộc họp phối hợp với các công tố viên từ các quốc gia liên quan khác. Một cuộc họp như vậy cho phép các công tố viên làm quen với nhau, thảo luận và phát triển một chiến lược điều tra phối hợp cũng như để làm rõ những trở ngại tiềm ẩn về pháp lý. Thông qua các cuộc họp như vậy, các công tố viên và cảnh sát điều tra có thể làm việc trực tiếp với nhau và khả năng về việc tổ chức một cuộc họp phối hợp tiếp theo tại Eurojust hoàn toàn có thể xảy ra. Eurojust thanh toán chi phí cho đại diện của mỗi quốc gia tham gia, nếu cuộc họp điều phối được tổ chức bởi Eurojust. Các nước tham gia cũng có thể cử thêm thành viên, tuy nhiên họ phải tự chịu chi phí cho những người tham gia bổ sung.

Với chức năng hỗ trợ các công tố viên và cảnh sát điều tra, việc liên hệ giữa cơ quan công tố quốc gia và đại diện tại Eurojust có thể được thiết lập một cách không chính thức qua e-mail hoặc điện thoại. Nếu một cuộc họp phối hợp được tổ chức với những người tham gia bên ngoài, cơ quan đại diện hoặc công tố viên đầu mối của nước thứ ba sẽ chủ trì cuộc họp. Sự hợp tác giữa các cơ quan tư pháp khác nhau tham gia cuộc họp phối hợp do Eurojust tổ chức phải luôn tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản của Công ước MLA hiện hành. Các cuộc họp của Eurojust tạo điều kiện và hỗ trợ hợp tác, nhưng không thay thế các quy tắc MLA được áp dụng chính thức.

Ngân sách hàng năm của Eurojust lấy từ ngân sách của EU. Hội đồng EU và Nghị viện Châu Âu quyết định ngân sách hàng năm của Eurojust, dựa trên các đề xuất của Ủy ban Châu Âu và Ban Quản lý của Eurojust. Năm 2016, ngân sách của Eurojust là 47,9 triệu EUR, trong đó khoảng 12,3 triệu EUR được cam kết cho việc xây dựng và chuyển đến trụ sở mới của Eurojust. Các quốc gia thành viên trả lương cho các nhân viên của nước mình làm việc tại Eurojust. Nhân viên hành chính của Eurojust do Ủy ban Châu Âu trả lương, vì những người này được Ủy ban Châu Âu trực tiếp tuyển dụng.

Bên cạnh đó, Eurojust còn được xem là một nền tảng của tri thức. Kiến thức chuyên sâu về luật pháp và hoạt động của hệ thống tư pháp của tất cả các quốc gia thành viên EU và các quốc gia thứ ba đều có sẵn tại đây. Trên cơ sở đó, Eurojust tổ chức các cuộc họp, hội thảo nhằm thảo luận chiến lược và chuyên đề về các chủ đề cụ thể mỗi năm, ví dụ như về các nhóm điều tra chung, buôn lậu người nhập cư bất hợp pháp, tham nhũng xuyên biên giới, chống khủng bố, tội phạm thuế, tội phạm mạng và nhiều chủ đề khác. Tùy thuộc vào chủ đề của cuộc họp, các chuyên gia từ tất cả các quốc gia thành viên EU và các quốc gia thứ ba có đại diện tại Eurojust, các chuyên gia từ khu vực tư nhân... sẽ được mời tham dự các cuộc họp này.

Để đánh giá hiệu quả hoạt động, Eurojust công bố Báo cáo thường niên trên trang web của mình, trong đó đề cập đến hiệu suất làm việc và các số liệu thống kê chi tiết. Sau mỗi cuộc họp phối hợp và cuộc họp chiến lược/chuyên đề, những người tham gia được yêu cầu điền vào bảng câu hỏi và đưa ra phản hồi về tất cả các khía cạnh của cuộc họp mà họ đã tham gia.

Eurojust đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng xuyên biên giới và có quy mô quốc tế, đặc biệt là nạn rửa tiền. Sự khác biệt trong hệ thống pháp luật, kiến ​​thức không đầy đủ về tổ chức cơ quan tư pháp giữa các quốc gia và đôi khi đơn giản chỉ là sự thiếu tin cậy giữa các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia khác nhau có thể tạo thành những trở ngại đáng kể cho các công tố viên và cảnh sát điều tra trong những nỗ lực, quyết tâm chống tham nhũng. Eurojust có thể thu hẹp những khoảng cách này và giúp thiết lập các mối liên hệ trực tiếp  đáng tin cậy giữa các công tố viên và cảnh sát điều tra.

Theo bà Maria Schnebli, công tố viên Thụy Sĩ biệt phái tại Eurojust, trong hai năm rưỡi làm việc dưới cương vị là công tố viên đầu mối của Thụy Sĩ tại Eurojust, bà đã tham gia cũng như tổ chức các cuộc họp phối hợp đa phương trong một số vụ án tham nhũng quy mô lớn. Nhiều biện pháp hữu hiệu nhất đã được trao đổi trong các cuộc họp như vậy, đồng thời nhiều liên hệ cá nhân dựa trên sự tin tưởng được thiết lập. Việc này có thể tiết kiệm một lượng lớn thời gian và tiền bạc bằng cách gặp gỡ tất cả các cơ quan điều tra và truy tố làm việc trong cùng một vụ án phức tạp. Tất nhiên, bản thân điều đó không đảm bảo được sự thành công của việc truy tố. Mỗi công tố viên tham gia cuộc họp phối hợp do Eurojust tổ chức vẫn phải đối mặt với tòa án và luật sư bào chữa trong vụ án của mình, nhưng ít nhất họ biết rằng họ không đơn độc trong cuộc chiến.  

Eurojust đã và đang làm việc để củng cố và tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin với các cơ quan và tổ chức khác của EU, chẳng hạn như Europol, OLAF...  Do Eurojust là một mạng lưới liên lạc rất quan trọng, việc thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với các đầu mối liên hệ bên ngoài của Eurojust tại một số quốc gia ngoài EU là một hướng đi đúng đắn trong tương lai. Trước đây, cuộc họp thường niên của tất cả các điểm đầu mối này đã được tổ chức tại Eurojust, tuy nhiên do hạn chế về ngân sách, các cuộc họp này đã bị dừng lại. Sẽ rất tốt nếu tất cả các công tố viên và liên lạc viên đầu mối của các quốc gia làm việc tại Eurojust có thể gặp được các đầu mối liên lạc bên ngoài từ các quốc gia xa xôi như Georgia, Israel, Mông Cổ, Đài Loan... một năm một lần.

Các công tố viên từ các nước không phải thành viên EU vẫn có thể cộng tác với Eurojust. Họ có thể yêu cầu các đồng nghiệp của mình từ một quốc gia thành viên EU, những người mà họ cùng làm việc trong một cuộc điều tra quốc tế, liên hệ với cơ quan đại diện của họ tại Eurojust với yêu cầu tổ chức một cuộc họp phối hợp và mời các công tố viên từ các quốc gia thứ ba. Mặc dù các công tố viên từ các quốc gia thứ ba không thể tự mình tiến hành một cuộc họp, nhưng họ vẫn có thể thúc đẩy một cuộc họp như vậy diễn ra.

Việc thành lập một tổ chức như Eurojust là một quá trình lâu dài và tốn nhiều thời gian. Điều này đòi hỏi một cam kết liên tục và đặc biệt là đầu tư tài chính của tất cả các quốc gia có đại diện tại Eurojust, không chỉ riêng Hà Lan với tư cách là quốc gia chủ nhà của Eurojust. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Eurojust đã trải qua nhiều thay đổi, cải cách và quá trình này vẫn đang tiếp tục diễn ra. Có thể khẳng định, một thể chế khu vực mạnh mẽ như vậy chính là nền tảng rất quan trọng nhằm củng cố và hỗ trợ các cơ quan điều tra, truy tố./.

Dương Nguyễn

(Theo U4 Anti-Corruption Resource Centre)

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra