Trong một thời gian dài, Chính phủ Singapore đã luôn thể hiện quyết tâm cao trong việc kiến tạo môi trường trong sạch, không có tham nhũng. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, Singapore đã ban hành Luật Chống tham nhũng, tăng nặng hình phạt đối với tội phạm tham nhũng, bổ sung quyền hạn cho cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng (Cục Điều tra chống tham nhũng Singapore), bảo đảm tính độc lập, sự chủ động của cơ quan này trong các hoạt động phòng, chống tham nhũng cả khu vực trong và ngoài Nhà nước.
Thành công trong công tác phòng, chống tham nhũng ở Singapore còn phải kể đến hàng loạt các công cụ chính sách có liên quan như việc xây dựng bộ máy hành chính gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy thế mạnh của chính phủ điện tử; duy trì chính sách tiền lương hợp lý; có chính sách tuyển chọn cán bộ dựa trên 3 tiêu chí: Năng lực, liêm khiết và toàn tài; xây dựng chuẩn mực, văn hóa minh bạch, bài trừ tham nhũng trong toàn xã hội… Tuy vậy, mô hình và sự hoạt động hiệu quả của cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng luôn có ý nghĩa rất quan trọng và là một trong những trụ cột chính của công tác phòng, chống tham nhũng ở Singapore mà Việt Nam có thể nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm.
1. Khái quát sự hình thành Cục Điều tra chống tham nhũng Singapore
Cục Điều tra chống tham nhũng Singapore (viết tắt là CPIB) là cơ quan chống tham nhũng có lịch sử lâu đời trên thế giới, do người Anh thành lập từ năm 1952 trong bối cảnh tham nhũng được nhìn nhận như là một hiện tượng thông thường trong xã hội Singapore. Song trong thời gian đầu, hoạt động của CPIB còn hạn chế bởi hệ thống pháp luật và ý thức tuân thủ của công chức còn yếu. Tuy nhiên, sau khi lên nắm chính quyền, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã tổ chức lại cơ quan này, tách khỏi các cơ quan Nhà nước khác, trực thuộc thẳng Thủ tướng, có toàn quyền điều tra tham nhũng.
2. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CPIB
CPIB là cơ quan thuộc Văn phòng Thủ tướng, chỉ có một cấp ở Trung ương, hiện có khoảng 200 nhân viên, hoạt động độc lập, được chỉ đạo và chịu trách nhiệm báo cáo với Thủ tướng về hoạt động của mình, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến tính độc lập của cơ quan này vì Giám đốc cơ quan được bổ nhiệm bởi Tổng thống chứ không phải Thủ tướng. Đồng thời, Hiến pháp Singapore quy định Giám đốc CPIB có thể tiếp tục điều tra bất kỳ bộ trưởng hay viên chức cấp cao nào ngay cả khi không được sự đồng ý của Thủ tướng, miễn là Giám đốc cơ quan này có sự bảo đảm của Tổng thống (Điều 22G, Hiến pháp Singapore).
CPIB có ba chức năng cơ bản:
- Là cơ quan duy nhất có thẩm quyền điều tra các hành vi vi phạm, tội phạm về tham nhũng và các vi phạm khác có liên quan cả trong khu vực công và khu vực tư được quy định trong Luật Chống tham nhũng.
- Xem xét phương thức hoạt động của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, phát hiện và kiến nghị hướng khắc phục những điểm chưa hợp lý trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan này nhằm hạn chế tối đa các điều kiện nảy sinh tham nhũng.
- Cơ quan này cũng có nhiệm vụ thúc đẩy những nỗ lực giáo dục và tiếp cận cộng đồng để tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng. CPIB có một bộ các sáng kiến để tiếp cận với sinh viên, các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và công chúng nói chung để giáo dục họ chống tham nhũng.
CPIB là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm điều tra về các hiện tượng tham nhũng trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, pháp lý hay các cơ quan công quyền, khu vực tư nhân, hoặc xã hội dân sự. CPIB được quyền điều tra đối với người bị tình nghi tham nhũng cho dù người đó là ai, bất kể người đó ở vị trí xã hội nào, thuộc đảng phái chính trị nào, thuộc sắc tộc hay tín ngưỡng nào, kể cả Thủ tướng. Trong trường hợp Thủ tướng bị tình nghi tham nhũng, CPIB có thể xin đặc quyền của Tổng thống để tiến hành cuộc điều tra, vì vậy có thể xóa bỏ mọi cản trở và điều này được quy định trong Hiến pháp. Không ai và không có cấp nào có thể có ý kiến hay can thiệp vào quá trình điều tra tham nhũng của CPIB.
CPIB có quyền bắt giữ những người bị tình nghi tham nhũng mà không cần lệnh của Viện Công tố và có quyền hạn thực thi tất cả các biện pháp điều tra của cảnh sát đối với các tội phạm tham nhũng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự mà không cần Viện Công tố cho phép (Mục 17, Luật Chống tham nhũng). Điều tra viên của CIPB có thể thâm nhập vào bất kỳ địa điểm nào để khám xét và tịch thu bất kỳ tài liệu hay tài sản nào mà không cần đến lệnh khám xét nếu có lý do để tin rằng vật chứng đang tìm kiếm có thể bị tiêu hủy do sự chậm trễ trong quá trình chờ lệnh khám xét được ban hành (Mục 22 (2), Luật Chống tham nhũng); quyền điều tra tài khoản ngân hàng, cổ phần, tài khoản mua bán, tài khoản chi tiêu hoặc bất kỳ tài khoản nào khác... Bất kỳ người nào từ chối không tạo điều kiện cho điều tra viên CIPB thâm nhập sẽ bị phạt tối đa 10.000 đôla Singapore hoặc/và bị kết án tối đa một năm tù (Mục 26, Luật Chống tham nhũng).
Về tài sản tham nhũng, mức độ điều tra đối với người bị nghi vấn là rất kỹ, không chỉ bao gồm tài sản của người bị tình nghi, mà còn bao gồm tài sản của vợ, con và những người có liên quan; các suất học bổng, quà tặng mà vợ, con người đó được nhận; các công ty do vợ, con người đó tham gia góp vốn.
3. Về cơ cấu, tổ chức bộ máy, nhân sự của CPIB
CPIB có Giám đốc, các phó giám đốc, các trợ lý giám đốc và các nhân viên điều tra chuyên nghiệp. Gồm 3 bộ phận sau:
(1) Bộ phận điều tra thực thi nhiệm vụ điều tra các hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu của tội tham nhũng theo luật định. Đây là bộ phận quan trọng nhất, tập trung số lượng lớn nhân viên có trình độ cao. Bộ phận này được chia thành 7 đơn vị, trong đó có 4 đơn vị đảm trách điều tra các loại hành vi tham nhũng:
- Đơn vị điều tra đặc biệt trong khu vực công (có nhiệm vụ điều tra các hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước);
- Đơn vị điều tra đặc biệt trong khu vực tư (đảm nhiệm chức năng điều tra các hành vi tham nhũng xảy ra trong khu vực tư nhân);
- Đơn vị điều tra tài chính (tập trung điều tra hành vi rửa tiền và tham nhũng xuyên quốc gia);
- Đơn vị điều tra chung (được giao điều tra các quan chức cao cấp của Chính phủ hoặc những vụ việc có tính chất phức tạp).
- Đơn vị đào tạo điều tra (chuyên đào tạo các sĩ quan điều tra của CPIB). Các đơn vị đào tạo điều tra có trách nhiệm lập kế hoạch chương trình giảng dạy và tiến hành các khóa học chuyên ngành trong điều tra tham nhũng, tập huấn cho các cán bộ cũng như đối với các đối tác nước ngoài của CPIB.
- Ban Chính sách điều tra (tiến hành phân tích về xu hướng tham nhũng và cũng được giao nhiệm vụ xây dựng chính sách điều tra để giải quyết sự thiếu hụt phát hiện tại các tổ chức trong một cuộc điều tra tham nhũng).
- Bộ phận phỏng vấn đặc biệt.
(2) Bộ phận điều hành bao gồm hai đơn vị chính: Phòng Quản lý hành chính và Phòng Hỗ trợ các bộ phận tình báo. Bộ phận tình báo thu thập và đối chiếu thông tin để hỗ trợ các nhu cầu điều tra của Cục Điều tra. Bộ phận điều hành có nhiệm vụ quản lý và hỗ trợ bộ phận có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động lĩnh vực khác nhau như giúp đỡ để bắt giữ và áp giải bị can, kiểm tra văn bản. Họ cũng tham gia vào việc sử dụng các công cụ điều tra chuyên ngành như kiểm tra nói dối để hỗ trợ cho CPIB.
(3) Bộ phận quản trị và đối ngoại có 4 đơn vị trực thuộc:
- Phòng Tài chính và quản trị: Có trách nhiệm mua sắm tài sản và các vấn đề tài chính của Văn phòng, cung cấp dịch vụ hành chính khác nhau.
- Phòng Quản lý nhân sự và phát triển: Có trách nhiệm quản lý nguồn nhân lực, đánh giá và thực hiện các chiến lược nhân sự phù hợp với định hướng chiến lược của CPIB. Ngoài ra, họ được giao nhiệm vụ phát triển và xây dựng năng lực của đội ngũ nhân viên để đáp ứng yêu cầu hoạt động của CPIB.
- Phòng Kế hoạch, chính sách và đối ngoại: Phụ trách lập kế hoạch chiến lược của CPIB. Ngoài ra, bộ phận này còn đảm nhiệm việc đánh giá chính sách, tham vấn điều chỉnh chính sách chống tham nhũng và thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế của CPIB, xử lý các vấn đề quan hệ với các doanh nghiệp của cơ quan.
- Phòng Công nghệ thông tin có nhiệm vụ kết hợp và khai thác công nghệ thông tin vào hoạt động của Văn phòng để hỗ trợ chức năng của CPIB.
4. Hoạt động của CPIB
Hoạt động chuyên môn:
Hàng năm, CPIB nhận được khoảng 800 đơn phản ánh liên quan đến tham nhũng nhưng chỉ có số lượng nhất định được tiến hành điều tra tham nhũng (ví dụ như năm 2017 nhận được 778 đơn nhưng chỉ điều tra 103 trường hợp). Một đặc điểm trong các vụ án tham nhũng tại Singapore là tham nhũng trong khu vực tư chiếm tỷ lệ rất cao so với khu vực công (năm 2017 là 92% so với 8%); tương ứng là người phạm tội tham nhũng trong khu vực tư chiếm 94% (132 người) so với 6% (9 người) trong khu vực công. Tỷ lệ buộc tội thành công cao đối với các trường hợp điều tra tham nhũng của CPIB (năm 2015 là 97%; năm 2016 là 100%; năm 2017 là 99%). Các lĩnh vực xảy ra tham nhũng cao trong thời gian gần đây là xây dựng, kinh doanh bán lẻ và bán buôn, dịch vụ lưu kho, vận chuyển và logistics.
Xây dựng tổ chức bộ máy, thực hiện chế độ chính sách:
- Tuyển dụng và đào tạo: CPIB không có trường đào tạo chuyên ngành về điều tra tham nhũng mà lấy nguồn nhân viên tốt nghiệp từ nhiều trường đại học và chuyên ngành khác nhau. Quá trình tuyển dụng, ứng viên phải trải qua các bước là kiểm tra tâm lý; kiểm tra chuyên môn; phỏng vấn với ba chuyên gia cao cấp của CPIB và bài kiểm tra tâm lý cuối cùng. Sau khi được tuyển dụng, nhân viên mới phải trải qua 4 tháng tập huấn cường độ cao liên quan đến pháp luật hình sự, nghiệp vụ điều tra, kỹ năng làm việc và các bài tập thể lực. Trong quá trình làm việc, các nhân viên của CPIB phải thường xuyên tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn, cập nhật thông tin.
- Chế độ cho nhân viên của CPIB: Nhân viên của CPIB có quyền chọn cơ chế hưởng lương theo công chức hoặc hưởng phần thưởng thu được từ Quỹ Phòng, chống tham nhũng (Invest fund). Nếu phạm tội tham nhũng hay che giấu tội phạm tham nhũng, các thành viên của CPIB sẽ bị mất toàn bộ lương hưu và tiền thưởng từ Quỹ. Quỹ này được trích nộp từ tiền thu hồi tài sản tham nhũng.
5. Một số kinh nghiệm, khuyến nghị rút ra từ mô hình CPIB
- Muốn phòng, chống tham nhũng có hiệu quả trước tiên phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ của người đứng đầu các cấp. Đồng thời, hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính phủ, có chính sách tuyển dụng nhân tài dựa vào những cơ chế công khai hóa, có tính cạnh tranh và đào tạo đội ngũ cán bộ công chức hành chính đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ. Đặc biệt cần bổ nhiệm đúng người tài, đức vào bộ máy lãnh đạo.
- Phải có hệ thống tổ chức cơ quan chống tham nhũng chuyên trách ổn định, độc lập, đủ quyền, đủ mạnh; có đội ngũ cán bộ được tuyển chọn chặt chẽ, đào tạo chuyên nghiệp, chất lượng cao, liêm chính; nguồn lực tài chính đầy đủ, sự hậu thuẫn chính trị ở cấp cao nhất và ủng hộ của xã hội,...
- Cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng có thể được giao đồng thời nhiều chức năng, nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng ở cả khu vực công và khu vực tư. Vừa bảo đảm chức năng điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng (chức năng chống tham nhũng) vừa thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra xem xét, đánh giá phương thức hoạt động của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, phát hiện và kiến nghị hướng khắc phục những điểm chưa hợp lý trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan này nhằm hạn chế tối đa các điều kiện nảy sinh tham nhũng (chức năng phòng ngừa tham nhũng), đồng thời tham gia xây dựng thể chế, chính sách, thúc đẩy những nỗ lực giáo dục và tiếp cận cộng đồng để tuyên truyền, phổ biến, theo dõi, đánh giá về phòng, chống tham nhũng (chức năng quản lý Nhà nước về công tác PCTN).
- Bảo đảm nguyên tắc xử lý tham nhũng thật nghiêm minh, công bằng, không có vùng cấm dù người tham nhũng ở cấp nào, đương chức, đã chuyển công tác hoặc đã nghỉ hưu phải được xem xét đầy đủ trách nhiệm về hành chính lẫn hình sự không kể người đó là ai, tuyệt đối không được “nặng dưới, nhẹ trên”.
- Lấy phòng làm gốc, từ đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản bộ máy Nhà nước, xây dựng cơ chế quản lý năng động và thông thoáng; đặc biệt cần xóa bỏ các thủ tục hành chính phiền hà, nhất là ở những khâu, những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.
- Cơ quan chống tham nhũng phải được trao quyền lực mạnh mẽ, hoàn toàn độc lập trong điều tra tội phạm tham nhũng, được tổ chức gọn nhẹ, tuyệt đối liêm khiết, kỷ cương và bất kỳ nhân viên nào tham nhũng đều phải bị trừng trị đích đáng. Cơ quan chống tham nhũng cần có các điều kiện đảm bảo sau:
+ Độc lập khỏi những tác động từ bên ngoài nhằm tạo điều kiện cho cơ quan này theo đuổi những nghi vấn tham nhũng ở tất cả các cấp (điều này có thể đạt được nhờ sự đảm bảo trong Hiến pháp hay thông qua việc thiết lập những cơ chế trách nhiệm và giám sát đầy đủ);
+ Hoạt động trên cơ sở khuôn khổ pháp lý vững chắc và toàn diện;
+ Được hậu thuẫn chính trị mạnh mẽ ở cấp cao nhất;
+ Thẩm quyền điều tra đầy đủ và mạnh mẽ;
+ Có đủ nguồn lực tài chính, nhân lực và kỹ thuật, có năng lực tổ chức hiệu quả trong hoạt động chống tham nhũng; cơ quan này được hoạt động dưới sự lãnh đạo là những tấm gương về tính liêm chính cao nhất;
+ Nhân viên điều tra là những người được tuyển chọn chặt chẽ, kỹ lưỡng từ tất cả các trường, các lĩnh vực khác nhau, sau đó được đào tạo về nghiệp vụ điều tra và thường xuyên được bổ túc chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật thông tin;
+ Được sự tin tưởng và ủng hộ mạnh mẽ của xã hội.
Những kinh nghiệm từ mô hình cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng của Singapore nêu trên đều cơ bản phù hợp với quan điểm, đường lối, chính sách về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay. Do đó tác giả khuyến nghị các cơ quan hoạch định, xây dựng chính sách phòng, chống tham nhũng của Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét để có thể áp dụng những nội dung phù hợp nhằm xây dựng cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam vừa thực hiện có hiệu quả chức năng phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng vừa thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng cả khu vực công và khu vực tư./.
Ths. Ngô Mạnh Hùng
Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, TTCP
Chú thích:
(*) Năm 2020, Việt Nam đạt 36/100 điểm, đứng thứ 104/180 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tài liệu tham khảo
Báo cáo nghiên cứu, khảo sát mô hình cơ quan chống tham nhũng tại Singapore ngày 22/6/2018 của Đoàn công tác của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.