Theo báo cáo, việc chuyển giao quyền lực và nguồn lực tài chính cho các hạt (Kenya được chia thành 47 hạt bán tự trị với người đứng đầu là hạt trưởng, 47 hạt này là các đơn vị hành chính cấp một của Kenya thay cho hệ thống 8 tỉnh trước năm 2013) đã tạo ra nhiều cơ hội cho các hành vi tham nhũng ở các hạt trong một số công việc như kí kết hợp đồng công cộng, tuyển dụng lãnh đạo chính quyền, thực hiện các dự án phát triển, cũng như cung cấp dịch vụ cho cộng đồng địa phương.
Theo Báo cáo Tình trạng Quản trị Hạt năm 2019 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế Kenya, đánh giá mức độ minh bạch, trách nhiệm giải trình, tính toàn vẹn và cung cấp dịch vụ trong 16 hạt cho thấy, 66% số người được hỏi đều tin rằng tham nhũng ở các hạt đã tăng lên trong 12 tháng trước đó. Ngoài ra, 55% số người được hỏi dự đoán rằng tham nhũng sẽ còn tăng trong 12 tháng sau cuộc khảo sát.
Hối lộ
Hối lộ là một vấn đề lớn tồn tại trong các tổ chức công cộng trên khắp Kenya. Trong Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2019 cho khu vực châu Phi hạ Sahara, 45% số người được hỏi nhận thấy rằng hầu hết hoặc tất cả các lãnh đạo chính quyền địa phương ở Kenya đều tham nhũng và 45% người sử dụng dịch vụ công cộng được báo cáo đã trả tiền hối lộ trong 12 tháng trước đó. Bên cạnh đó, theo Khảo sát Đạo đức và Tham nhũng Quốc gia năm 2018, được Ủy ban Đạo đức và Chống Tham nhũng (EACC) ủy quyền để đánh giá tầm quan trọng và nhận thức về tham nhũng ở Kenya, 87,4% số người được hỏi cho rằng hối lộ là hình thức tham nhũng phổ biến nhất khi sử dụng dịch vụ công cộng.
(Ảnh 1. 10 hạt có tỉ lệ hối lộ cao nhất Kenya năm 2018 được thống kê bởi EACC)
Tham nhũng trong mua sắm công
Một số thống đốc hạt và quan chức cấp cao của Kenya đã vướng phải những cáo buộc nghiêm trọng về tham nhũng trong mua sắm công, ví dụ điển hình nhất là vào năm 2019, thống đốc hạt Nairobi, Mike Sonko đã bị bắt vì bị cáo buộc tham nhũng 3,5 triệu đô la Mỹ thông qua các kế hoạch mua sắm công và thanh toán bất hợp pháp. Ngay sau đó, EACC đã mở các cuộc điều tra liên quan đến các cáo buộc đấu thầu với giải thưởng bất thường có trị giá lên tới 588 triệu KES đã được trao cho các công ty được cho là có liên quan đến thống đốc hạt Kiambu, Ferdinand Waititu và các thành viên trong gia đình của Waititu. Theo một số trang báo đã đưa tin, cựu thống đốc Nairobi Mike Sonko và Ferdinard Waititu, đã bị cắt chức vĩnh viễn do bị cáo buộc liên quan đến tham nhũng.
Đại dịch COVID-19 cũng đã làm trầm trọng thêm vấn nạn tham nhũng ở các hạt do dòng tài chính khổng lồ và mua sắm công khẩn cấp. Theo các báo cáo truyền thông, EACC đã điều tra một số hạt vì cáo buộc tham ô các quỹ được phân bổ để chống lại đại dịch COVID-19. Những bất thường này bao gồm không tuân thủ các thủ tục mua sắm công, chiếm đoạt tiền ở hạt Bungoma và Kitui, lưu giữ hồ sơ không đầy đủ về hàng hóa mua sắm công của chính quyền hạt và sự không nhất quán về số lượng do Cơ quan Vật tư Y tế Kenya cung cấp.
Có nhiều biện pháp chống tham nhũng khác nhau ở Kenya có thể cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chính phủ phân cấp.
Đầu tiên phải kể đến một số bộ luật về phòng chống tham nhũng có liên quan đến phân quyền và có tầm ảnh hưởng nhất định ở Kenya. Thứ nhất, Đạo luật Chống tham nhũng và Tội phạm kinh tế năm 2003 là công cụ chống tham nhũng chính ở Kenya. Nó cung cấp cho việc phòng ngừa, điều tra và trừng phạt tham nhũng, tội phạm kinh tế và các tội phạm liên quan. Các hành vi tham nhũng được quy định trong bộ luật bao gồm hối lộ, gian lận, tham ô hoặc chiếm đoạt công quỹ, lạm dụng chức vụ và vi phạm lòng tin. Thứ hai, Đạo luật Chính quyền Hạt năm 2012 quy định về quyền hạn, chức năng và trách nhiệm của chính quyền hạt trong việc cung cấp dịch vụ công cộng. Nó cũng phác thảo các vấn đề liên quan đến hành chính công ở cấp địa phương, như sự tham gia của công dân, tiếp cận thông tin và bảo vệ người thiểu số. Đạo luật này về cơ bản là khuôn khổ hướng dẫn về hoạt động của chính quyền hạt. Ngoài ra còn có một số bộ luật khác như: Luật Quản lý Tài chính công năm 2012, Đạo luật Đạo đức Cán bộ Công chức năm 2003, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016,...
Tiếp theo là những chương trình kết hợp được các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chính phủ Kenya như: Chương trình hỗ trợ tích hợp UNDP cho quá trình phân quyền ở Kenya, Chương trình Thúc đẩy trách nhiệm giải trình ở Kenya do Ngân hàng Thế giới tài trợ,... Theo một vài báo cáo đánh giá sau khi các chương trình đi vào hoạt động một thời gian cho thấy, những dự án này đều có những tác động đáng kể. Ví dụ, đào tạo về hệ thống quản lý hiệu suất đã dẫn đến việc chính quyền hạt hiểu rõ hơn về vai trò của họ, thúc đẩy trách nhiệm giải trình thông qua lưu giữ hồ sơ, cải thiện, phân bổ và quản lý nguồn lực có hiệu quả, tăng phân bổ ngân sách của hạt cho phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật,... Báo cáo cũng đưa ra một số bài học kinh nghiệm. Ví dụ, chiến lược truyền thông yếu và năng lực trong quá trình thực hiện chương trình là một thách thức và điều quan trọng là các hạt phải thành lập văn phòng điều phối cho các chương trình khác trong tương lai.
Quỳnh Nhi
(Nguồn: https://knowledgehub.transparency.org/helpdesk/corruption-and-devolution-in-kenya)