TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên:

Cần tăng cường kiểm tra, giám sát để tăng hiệu quả quản lý dự án đầu tư

Thứ ba, 20/06/2023 16:40
(ThanhtraVietNam) - Kết luận thanh tra chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý dự án đầu tư chủ yếu là do lỗi của tư vấn giám sát, nhà thầu thi công. Tuy nhiên, việc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Điện Biên Phủ (TP) thiếu trách nhiệm trong đôn đốc, nhắc nhở những đơn vị này khi thực hiện hợp đồng là một trong những nguyên nhân để xảy ra vi phạm. Do đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát; lựa chọn đơn vị đủ năng lực, kinh nghiệm là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác quản lý dự án.

Có khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn đầu tư

Ban Quản lý dự án các công trình TP Điện Biên Phủ (BQL dự án) thực hiện chức năng giúp UBND TP trực tiếp quản lý các công trình dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được giao làm chủ đầu tư và dự án từ ngân sách.

Thực hiện quyết định thanh tra công tác quản lý các dự án đầu tư do BQL dự án làm chủ đầu tư, Thanh tra tỉnh Điện Biên đã tiến hành thanh tra trực tiếp tại 40 dự án (có tổng mức đầu tư 152.148 triệu đồng, giá trị nghiệm thu: 65.235 triệu đồng, giá trị thanh toán: 60.853 triệu đồng).

Thanh tra tỉnh Điện Biên ghi nhận, các dự án đầu tư được quyết định đầu tư đã xác định rõ mục tiêu, quy mô, địa điểm xây dựng, cấp công trình, tiến độ thực hiện, nguồn vốn đầu tư, hình thức tổ chức quản lý dự án.

Có những khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn đầu tư, trong thực hiện tiến độ các dự án đầu tư. Nguyên nhân được Đoàn thanh tra ghi nhận là do khối lượng công tác giải phóng mặt bằng lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều hộ dân.

Trong quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra thực tế 24 công trình, tại thời điểm kiểm tra có 15 công trình hoàn thành, 9 công trình đang thi công dở dang.

Một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý các dự án đầu tư do BQL dự án thực hiện đã được chỉ ra.

Đó là, công tác lập, đề xuất chủ trương đầu tư của UBND xã phường, đối với một số dự án còn chưa sát với thực tế, làm tăng chi phí đầu tư, dẫn đến trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư phải điều chỉnh, cắt giảm tổng mức đầu tư.

Điều 30 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định, Chủ đầu tư có trách nhiệm phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát xây dựng bằng văn bản hoặc phê duyệt trực tiếp tại Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng, tuy nhiên, BQL dự án thành phố lại thiếu trách nhiệm trong công việc khi chưa phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát theo quy định.

Ngoài ra, việc bố trí kế hoạch vốn đối với 14 dự án nhóm C được thanh tra chưa đảm bảo theo quy định tại khoản 2, điều 52 Luật Luật Đầu tư công.

Việc lập dự toán khảo sát tại một số dự án còn thiếu chính xác, sai khối lượng (thừa công tác đo lưới khống chế mặt bằng, đường chuyền cấp II  tại 4 công trình; sai khối lượng khảo sát địa hình công trình tại 2 công trình). Xác định dự toán đầu tư công trình Nâng cấp, xây dựng chợ C13 giai đoạn II, thiếu chính xác, dẫn đến tính sai chi phí tư vấn. Tổng giá trị sai phạm phát hiện qua thanh tra đối với các gói thầu tư vấn khảo sát, lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật lên đến hơn 65 triệu đồng.

Công tác lập dự toán tại một số gói thầu xây lắp của một số đơn vị tư vấn tính sai khối lượng, sai số học, áp thừa thuế giá trị gia tăng đối với giá trị thiết bị, quá trình thẩm tra, thẩm định, phê duyệt, ký kết hợp đồng, giám sát, nghiệm thu các đơn vị chưa phát hiện.

Việc thực hiện hợp đồng giữa chủ đầu tư và một số nhà thầu thi công xây lắp tại một số gói thầu chưa đảm bảo tiến độ, thời gian đã ký kết, thi công chậm tiến độ từ 20 đến 80 ngày.

leftcenterrightdel
Thành phố Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Điện Biên 

Tồn tại, hạn chế có trách nhiệm của chủ đầu tư

Luật Đầu tư công năm 2019 quy định, kết luận thanh tra về hoạt động đầu tư công được công khai theo quy định của pháp luật và nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư công, cơ quan thanh tra xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển hồ sơ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý.

Thanh tra tỉnh Điện Biên cho rằng, những tồn tại, hạn chế trên được chỉ ra qua thanh tra có nguyên nhân xuất phát từ đơn vị tư vấn, từ nhà thầu thi công và cả từ chủ đầu tư, cụ thể:

Một là, công tác tư vấn khảo sát, thiết kế lập dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư; chất lượng hồ sơ tư vấn của một số đơn vị còn hạn chế.

Hai là, trách nhiệm của các cá nhân, tập thể trong việc thẩm định, trình phê duyệt hồ sơ dự án còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao, dẫn đến quá trình thực hiện nhiệm vụ chưa kịp thời phát hiện các hạn chế, khuyết điểm trong hồ sơ dự toán.

Ba là, công tác nghiệm thu giám sát của chủ đầu tư cán bộ được giao theo dõi dự án còn chưa sâu sát, một số hạng mục công việc chưa tiến hành đo đếm để nghiệm thu theo thực tế thi công.

Bốn là, quá trình thi công một số công trình dự án còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, ruộng lúa đang trong thời kỳ thu hoạch, thi công vướng vào đất rừng…dẫn đến chậm tiến độ. Trong khí đó, Chủ đầu tư BQLDA chưa thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết.

Thanh tra tỉnh Điện Biên kiến nghị Giám đốc BQL dự án thu hồi số tiền sai phạm, điều chỉnh giảm giá trị gói thầu xây lắp, giảm trừ qua nghiệm thu, thanh toán; kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân liên quan đến hạn chế, khuyết điểm, sai phạm để chấn chỉnh, khắc phục,

Đặc biệt là, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý các dự án đầu tư trên địa bàn. Lựa chọn các đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế lập dự án, tư vấn thẩm tra, giám sát có đủ năng lực, kinh nghiệm và trách nhiệm, nhằm nâng cao chất lượng các hồ sơ, hạn chế các tồn tại sai sót.

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra