Cần chủ động nắm tình hình và nguy cơ phát sinh khiếu nại, tố cáo

Thứ tư, 23/11/2022 15:00
(ThanhtraVietNam) - Đó là một trong những kinh nghiệm từ thực tiễn chỉ đạo của UBND tỉnh và kết quả công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua được đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ.

PV: Xin đồng chí cho biết, thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã triển khai thực hiện Chỉ thị 35 và Quy định 11 như thế nào?

Đ/c Hồ Văn Mười: Thực hiện Chỉ thị 35 và Quy định 11 của Bộ Chính trị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của hai văn bản nói trên, đối với công tác TCD, giải quyết KNTC cũng như trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan có chức năng xem xét, giải quyết kịp thời, tránh phát sinh điểm nóng về KNTC hoặc khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông phát triển bền vững.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông (người đứng phát biểu). Nguồn ảnh: UBND tỉnh Đắk Nông

Trên tinh thần đó, ngày 20/11/2014, với trách nhiệm là Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh đã lãnh đạo, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 05/01/2015 để lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị 35 gắn với triển khai Quy định 11 của Bộ Chính trị. Cùng với đó, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1498-QĐ/TU ngày 12/9/2019 về Quy chế TCD, đối thoại trực tiếp với dân của Bí thư Tỉnh ủy và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân gửi đến Tỉnh ủy.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 1763/QĐ-UBND ngày 20/11/2014 kèm theo Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 35 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TCD và giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; thường xuyên ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp thực hiện nghiêm trách nhiệm TCD định kỳ và đột xuất theo quy định.

Qua 8 năm thực hiện Chỉ thị 35 và gần 4 năm thực hiện Quy định 11 của Bộ Chính trị, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa tập trung xây dựng, củng cố, kiện toàn Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện, địa điểm TCD của các sở, ngành của tỉnh và cấp xã, đi đôi với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, ban hành và công khai nội quy, quy chế TCD, ban hành chế độ chính sách và bố trí nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác TCD, giải quyết KCTC ở mỗi cấp; đồng thời, chỉ đạo toàn ngành Thanh tra tăng cường thanh tra trách nhiệm đối với người đứng đầu UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác TCD, giải quyết KCTC.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác TCD, giải quyết KNTC, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 08/9/2022. Trong đó, yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường nắm tình hình, chủ động TCD, đối thoại với công dân, không đợi công dân khiếu kiện mới tổ chức đối thoại nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc ngay tại cơ sở.

Với trách nhiệm người đứng đầu, Chủ tịch UBND tỉnh đã công khai lịch TCD, trực tiếp tham gia TCD định kỳ hoặc đột xuất tại Trụ sở Ban Tiếp công dân tỉnh, trực tiếp hoặc ủy quyền cho cấp phó trực tiếp đối thoại với công dân trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại và Quy định 11. Trong năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp chủ trì đối thoại với 172 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ xã Nâm Nung và Nâm N’đir, huyện Krông Nô.

PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về việc thực hiện các quy định về TCD định kỳ, đột xuất và đối thoại trong giải quyết KNTC của Thủ trưởng các Sở, ngành, địa phương tỉnh Đắk Nông năm 2021. Hiện tình hình KNTC ở Đắk Nông như thế nào, có bao nhiêu vụ việc phức tạpphát sinh chủ yếu ở lĩnh vực nào; thông qua công tác TCD 1 tháng/1 lần đối với Chủ tịch tỉnh, đồng chí tháo gỡ tình hình này như thế nào?

Đ/c Hồ Văn Mười: Công tác TCD định kỳ, đột xuất và đối thoại trong giải quyết KNTC được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thường xuyên, đồng thời, giao Thanh tra tỉnh định kỳ tổng hợp tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh kịp thời chấn chỉnh các thiếu sót trong công tác TCD, giải quyết KNTC của Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.

Trong năm 2021, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đã thực hiện 469 lượt TCD định kỳ và đột xuất, với 783 người. 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã xây dựng và công khai lịch TCD định kỳ của thủ trưởng, lãnh đạo theo quy định, đã niêm yết công khai lịch TCD tại nơi TCD và đăng tải trên trang thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị; đã ban hành thông báo kết quả TCD sau mỗi kỳ TCD.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đã tuân thủ đúng các quy định pháp luật về đối thoại với người khiếu nại trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, đối thoại được tiến hành khi yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại khác nhau; trong giải quyết khiếu nại lần hai, trước khi ban hành quyết định giải quyết, người giải quyết khiếu nại đều tổ chức đối thoại với người khiếu nại. Đối với các vụ việc kiến nghị, phản ánh có tính chất phức tạp, Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa đã tổ chức đối thoại để trả lời theo đúng quy định nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận của người dân.

Về tình hình KNTC ở tỉnh Đắk Nông hiện nay:

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên củng cố và kiện toàn bộ máy làm công tác TCD, giải quyết KNTC; đã huy động được sức mạnh và sự phối hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành được nâng cao. Trong năm 2022, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã hòa giải, thuyết phục và ban hành quyết định, kết luận giải quyết xong đối với 31/59 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 52,5%. Qua giải quyết KNTC, các cơ quan, đơn vị đã kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, góp phần ổn định tình hình và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình KNTC trên địa bàn tỉnh còn phát sinh, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, xảy ra ở những địa bàn phải thu hồi nhiều đất của người dân để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, ở các địa phương tiến hành tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất đối với hành vi lấn, chiếm đất tại các dự án nông lâm nghiệp. Bên cạnh đó, do chính sách, pháp luật về lĩnh vực quản lý đất đai trong thời gian tới tiếp tục có sự sửa đổi, bổ sung; giá đất thực tế trên địa bàn tỉnh có những biến động lớn, có thể làm xuất hiện tâm lý so sánh giá đất bồi thường và giá đất giao dịch trên thị trường, dẫn đến phát sinh khiếu kiện.

Về tình hình giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp:

Thực hiện Kế hoạch 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 và Kế hoạch 1910/KH-TTCP ngày 29/10/2021 của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đắk Nông đã tiến hành rà soát, xác định trên địa bàn tỉnh có 06 vụ việc phức tạp, kéo dài, đông người theo tiêu chí của các kế hoạch, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai như kiến nghị việc bồi thường, hỗ trợ do thu hồi đất để thực hiện các dự án kinh tế - xã hội, khiếu kiện liên quan đến đất đai thuộc các dự án nông, lâm nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp chủ trì, tổ chức các cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện các giải pháp, nhằm giải quyết các vụ việc thuộc trách nhiệm của mình; đối với những vướng mắc ngoài thẩm quyền của tỉnh, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị các cơ quan Trung ương hướng dẫn xử lý. Đến thời điểm hiện tại, có 04/06 vụ việc đã giải quyết xong, hiện công dân không còn khiếu kiện (2); 01 vụ việc đã thực hiện đến cùng các giải pháp giải quyết vụ việc nhưng công dân vẫn còn khiếu kiện (3); 01 vụ việc chưa giải quyết xong (4), còn vướng mắc, hiện đang chờ hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan Trung ương.

Để phục vụ các buổi TCD định kỳ hàng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuẩn bị hồ sơ, tài liệu đầy đủ, cử lãnh đạo đơn vị phụ trách vụ việc cùng Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với công dân, nhằm giải quyết vấn đề của công dân một cách thấu đáo, toàn diện, qua đó, củng cố niềm tin của công dân vào pháp luật, vào nhà nước, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác TCD, giải quyết KNTC.

PV: Đánh giá của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ, cụ thể là Ban Tiếp công dân Trung ương và tỉnh Đắk Nông trong TCD và giải quyết KNTC; tiếp, đối thoại, vận động công dân trở về địa phương thời gian qua như thế nào, thưa đồng chí?

Đ/c Hồ Văn Mười: Trong thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Nông nhận thấy, công tác phối hợp giữa Ban Tiếp công dân tỉnh và Ban Tiếp công dân Trung ương được đánh giá là kịp thời, hiệu quả. Để đảm bảo chất lượng công tác TCD và giải quyết KNTC, đặc biệt trong thời điểm diễn ra các sự kiện quan trọng của đất nước như: Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, SEAGAMES 31, các kỳ họp Quốc hội,… UBND tỉnh đã chủ động ban hành các kế hoạch TCD, giao Ban Tiếp công dân tỉnh và UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp với Ban Tiếp công dân Trung ương nắm số lượng, nhân thân, địa chỉ, nội dung công dân khiếu kiện vượt cấp, đồng thời, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp huyện, nơi công dân cư trú hoặc nơi có vụ việc khiếu kiện thành lập Tổ công tác trực tiếp ra Hà Nội để vận động và đưa người dân trở về địa phương, góp phần xử lý kịp thời tình trạng tụ tập đông người tại các cơ quan trung ương để khiếu kiện.

PV: Từ thực tiễn kết quả chỉ đạo về công tác TCD, giải quyết KNTC của các cấp, các ngành tỉnh Đắk Nông thời gian qua, đồng chí có thể chia sẻ kinh nghiệm về TCD, giải quyết KNTC và kiến nghị của Đắk Nông?

Đ/c Hồ Văn Mười: Từ thực tiễn chỉ đạo của UBND tỉnh và kết quả công tác TCD, giải quyết KNTC của các cấp,  các ngành trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, Đắk Nông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm sau:

Một là, phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác TCD, giải quyết KNTC có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả TCD, giải quyết KNTC, góp phần củng cố niềm tin của công dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hai là, cần quan tâm chăm lo, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức làm công tác TCD, giải quyết KNTC của ngành Thanh tra có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp và tinh thông về nghiệp vụ, có khả năng dự báo, có đủ khả năng tham mưu, đề xuất cho thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện đúng các quy định pháp luật về TCD, giải quyết KNTC đảm bảo kịp thời, khách quan, chính xác.

Ba là, phải chủ động nắm tình hình và nguy cơ phát sinh KNTC để có phương án giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc KNTC, kiến nghị, phản ánh ngay khi vừa mới phát sinh, không để xảy ra điểm nóng và khiếu kiện vượt cấp, tồn đọng, kéo dài. Trong đó, tập trung nắm tình hình để TCD, đối thoại với công dân; không đợi công dân đến chính quyền để KNTC, phản ánh, kiến nghị mà chính quyền phải chủ động đến với công dân để giải thích, vận động, tuyên truyền nhằm giải quyết các vấn đề công dân còn thắc mắc, bức xúc và giải quyết dứt điểm vụ việc ngay tại cơ sở.

Bốn là, đối với các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các dự án có nhu cầu thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư có tác động đến sản xuất và đời sống của người có đất bị thu hồi cần thực hiện tốt việc công khai, minh bạch từ chủ trương đầu tư, trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tại định cư nhằm tạo sự thống nhất đồng thuận của đối tượng bị tác động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng khiếu kiện.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Chú thích:

(1) Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân;

(2) Vụ việc khiếu nại của ông Nguyễn Văn Xuân, đại diện 47 hộ tiểu thương, trú tại thôn 3, xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức; Vụ việc khiếu nại, kiến nghị của bà H’Ông, bà H’Binh trú tại huyện Đắk Glong; Vụ việc kiến nghị, tố cáo của Công ty TNHH Nam Thuận (Lô CN8, Cụm Công nghiệp Tân An 2, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk); Vụ việc khiếu nại, kiến nghị của nhóm hộ dân tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức;

(3) Vụ việc kiến nghị của 172 hộ dân xã Nâm N'Đir và xã Nâm Nung, huyện Krông Nô;

(4) Vụ việc tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Công ty TNHH MTV Cà phê Đắk Nông.

K. Dung (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra