Điều kiện chuyển từ KCN sang phát triển đô thị - dịch vụ
Đây là một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN và KKT, có hiệu lực từ ngày 15/7/2022.
Nghị định này được ban hành nhằm quy định phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống KCN, KKT; đầu tư hạ tầng, thành lập, hoạt động, chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với KCN, KKT.
Theo Nghị định, phương hướng xây dựng KCN, KKT là một nội dung của quy hoạch vùng theo quy định tại Luật Quy hoạch, bao gồm mục tiêu, định hướng, phương hướng phân bổ không gian, tổ chức thực hiện và giải pháp về phát triển trong kỳ quy hoạch; dự kiến tổng diện tích, loại hình các khu của từng tỉnh.
Phương án phát triển hệ thống KCN là một nội dung của quy hoạch tỉnh gồm mục tiêu, định hướng, tổ chức thực hiện và giải pháp về phát triển hệ thống KCN trong kỳ quy hoạch; danh mục các KCN trên địa bàn; thể hiện phương án phát triển hệ thống KCN trên bản đồ quy hoạch. Phương án phát triển hệ thống KKT là một nội dung của quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.
KCN được đầu tư theo các loại hình: KCN, khu chế xuất và các KCN hỗ trợ, chuyên ngành, sinh thái, công nghệ cao.
KKT ven biển, KKT cửa khẩu và KKT chuyên biệt được thành lập nếu phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; có trong Danh mục các KKT trên địa bàn; có khả năng huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và phát triển sản xuất, kinh doanh; có hiệu quả kinh tế - xã hội; đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trình tự, thủ tục, điều kiện đầu tư hạ tầng KCN; điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng; điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng; việc chuyển đổi KCN sang phát triển khu đô thị - dịch vụ… cũng được quy định chi tiết tại Nghị định này.
Vào năm 2008, Nghị định 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định về KCN đã cho phép “thành lập Thanh tra” trong Ban quản lý KCN.
Theo đó, Ban quản lý KCN là cơ quan trực thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với KCN. Ban quản lý thực hiện theo quy định của pháp luật, theo hướng dẫn hoặc ủy quyền của các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh nhiệm vụ quản lý, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính việc thực hiện quy định, quy hoạch, kế hoạch. Đồng thời, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu đầu tư quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư, tiến độ góp vốn và triển khai dự án đầu tư; chủ trì, phối hợp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các điều khoản cam kết đối với các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư và việc chấp hành pháp luật về xây dựng, lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, phòng chống cháy nổ, an ninh - trật tự, bảo vệ môi trường sinh thái đối với các dự án tại KCN…
|
Theo Nghị định, việc chuyển đổi KCN sang phát triển khu đô thị - dịch vụ cần đáp ứng các điều kiện như: phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; KCN nằm trong khu vực nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh; thời gian hoạt động kể từ ngày thành lập đến thời điểm xem xét chuyển đổi tối thiểu là 15 năm hoặc 1/2 thời hạn hoạt động; có hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường.
Đồng thời, phải có sự đồng thuận của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng và trên 2/3 số doanh nghiệp trong KCN tại khu vực dự kiến chuyển đổi trừ các trường hợp: dự án đầu tư đã hết thời hạn hoạt động; dự án không đủ điều kiện gia hạn cho thuê lại đất; dự án gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc diện buộc phải di dời.
Thanh tra Chính phủ chủ trì hướng dẫn thanh tra, giải quyết KNTC
Nghị định quy định, Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện phương hướng xây dựng KCN, KKT trong quy hoạch vùng và phương án phát triển hệ thống trong quy hoạch tỉnh và ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về KCN, KKT.
Thủ tướng Chính phủ có quyền hạn và trách nhiệm: chỉ đạo các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và Ban quản lý thực hiện chính sách, pháp luật về KCN, KKT; chấp thuận chủ trương đầu tư đối với những dự án đầu tư thuộc thẩm quyền; quyết định thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới KKT; phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT; chỉ đạo xử lý và giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình đầu tư, thành lập, quản lý hoạt động vượt thẩm quyền của các bộ, UBND cấp tỉnh và Ban quản lý.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về KCN, KKT.
|
|
Theo Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội, việc không được giao chức năng thanh tra khiến hoạt động quản lý gặp khó khăn. Đơn cử như, khi phát hiện doanh nghiêp có vi phạm các nội dung cam kết nhưng Ban quản lý không thể xử lý ngay mà phải kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm. Ảnh: NT |
Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh được phân công có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và hành chính lãnh thổ đối với KCN, KKT; hướng dẫn, quy định, thực hiện việc phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý KCN, KKT thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước. Kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm theo thẩm quyền quản lý nhà nước đối với Ban quản lý KCN, KKT trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền; với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong KCN, KKT và nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng.
Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan hướng dẫn về hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC, PCTN trong KCN, KKT.
Ban quản lý KCN, khu chế xuất, KKT là cơ quan trực thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với KCN, KKT trên địa bàn; quản lý, tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Ban quản lý KCN, KKT do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; chịu sự chỉ đạo và quản lý về tổ chức, biên chế, chương trình kế hoạch công tác và kinh phí hoạt động của UBND cấp tỉnh; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý về ngành, lĩnh vực có liên quan.
Ban quản lý thực hiện các nhiệm vụ quản lý, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định, phương án phát triển hệ thống, quy hoạch xây dựng, kế hoạch có liên quan tới KCN, KKT.
Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện mục tiêu đầu tư quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tiến độ góp vốn và triển khai dự án đầu tư; việc thực hiện các điều khoản cam kết đối với các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư và việc chấp hành quy định của pháp luật về xây dựng, lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường đối với các dự án tại khu công nghiệp, khu kinh tế.
Kiểm tra, giải quyết KNTC, PCTN, lãng phí, tiêu cực và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong KCN, KKT trên các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước trực tiếp của mình; phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra./.