Đào Nhật Tân - hồn Tết của người Hà Nội

Thứ sáu, 09/02/2018 13:54
(ThanhtraVietNam) - Sớm mai thức dậy trong tiết trời se lạnh của Hà Nội, lặng ngắm những giọt sương đêm còn đọng lại trên nhành lá khẽ đung đưa theo từng cơn gió nhẹ, ngoài trời mưa xuân lất phất bay, bỗng ngỡ ngàng nhận ra mùa xuân đã đến bên hiên cửa. Một năm cũ khép lại, cánh cửa năm mới mở ra hòa cùng đất trời vạn vật và con người. Mùa xuân như thúc giục, gọi mời bước chân tôi xuống phố, bỏ lại những ồn ào, náo nhiệt, những bộn bề lo toan của cuộc sống để đi tìm cho mình chút nhẹ nhàng, khoáng đạt.

Chỉ mất quãng đường gần 2km từ trung tâm thành phố, tôi đã đến làng đào Nhật Tân, đây là vùng đất trồng đào lâu đời và nổi tiếng nhất của Thủ đô. Cứ mỗi dịp xuân về, Nhật Tân lại ngập tràn sắc đào đỏ thắm. Những ngày giáp Tết, hoa đào cũng bắt đầu bung nhụy, tung cánh khoe sắc, vườn đào Nhật Tân như vươn mình thức giấc sau những ngày ngủ đông dài. Khi những cành đào trổ tán tràn đầy sức sống, những chiếc lộc non đã đâm chồi, những cây đào vốn trơ trụi, khẳng khiu ngày nào nay khoác lên mình màu áo mới, màu đỏ tươi thắm của những nụ hoa chúm chím hé nở càng khiến người ta say lòng.

Trong không khí đón xuân, vườn đào Nhật Tân lại nhộn nhịp cảnh những nghệ nhân trồng đào tất bật chăm bón để cho hoa nở đúng vào dịp Tết cổ truyền. Tôi không giấu được sự tò mò, háo hức khi nghe giới thiệu về dáng đào, thế đào, hay nghệ thuật trồng đào từ các nghệ nhân nơi đây. Đào Nhật Tân là đào trồng, cần rất nhiều công sức trong việc chăm bón. Đào Nhật Tân được tạo nhiều các thế, các dáng cầu kì, phù hợp cho việc cầu chúc may mắn, sung túc trong dịp Tết. Đào bích là loài hoa đào phổ biến, cũng là đặc trưng của làng Nhật Tân. Cánh hoa màu hồng thắm xếp thành nhiều lớp bao quanh nhị vàng tươi, hoa to, mỗi cụm chỉ nở độ dăm bông, mỗi bông có mười hai hay mười bốn cánh nhưng đôi khi cũng có loại bông kép có đến ba mươi hai cánh. Lá đào hình mũi mác màu xanh biếc và cành vươn thẳng đứng. Bên cạnh đó còn có đào phai hoa kép, sắc hồng phảng phất kiêu kì.

Đào Nhật Tân bấy lâu đã trở thành hồn Tết của người Hà Nội, vào mỗi độ Xuân về, lòng người dân thủ đô lại luôn ngóng trông một thoáng hoa đào ngang qua trên phố. Mà cũng lạ, đủ các loài hoa khoe sắc vào mùa xuân nhưng chỉ một cành đào là thay thế cho tất cả. Thấy hoa đào chúm chím là biết Xuân đã đến, Tết sắp về. Và để mang lại những sản phẩm tuyệt đẹp đó cho mỗi gia đình đón xuân, là cả một quá trình chăm sóc công phu của những người trồng đào, dường như mọi tâm huyết đối với cây đào đã được các nghệ nhân gửi trọn vào trong sản phẩm của mình. Với mỗi gia đình làng đào Nhật Tân đều giữ cho mình những bí quyết, kỹ thuật chăm sóc riêng mà không ai giống ai. Chính vì vậy, các sản phẩm được hình thành cũng rất khác nhau, có dáng đào trông sừng sững như vị anh hùng, có dáng lại yểu điệu như thiếu nữ tuổi xuân. Từng hình dáng, từng thế đào tạo nên sự hấp dẫn, mà ngay cả những vị khách khó tính nhất cũng bị thuyết phục.

Trong tất cả các loại đào được trồng ở các vùng trên cả nước, Đào Nhật Tân luôn được đánh giá là đẹp nhất, chẳng thế mà người làng Nhật Tân từ đời này sang đời khác còn lưu truyền cho con cháu những câu chuyện về hoa đào, câu chuyện lịch sử Vua Quang Trung gửi tặng cành đào bích (được trồng ở làng Nhật Tân khi đó) vào thành Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa báo tin thắng trận, như một chứng tích lịch sử khẳng định cho những đánh giá đó. Người xưa nói rằng: Bích đào là hoa của trời, phải chăng vì lẽ đó mà tráng sĩ hào hoa đất Bình Định đã gửi hoa của trời, loài hoa chỉ có ở đất Thăng Long mới có vào Huế tặng cho người con gái hoàng tộc đất Bắc, công chúa Ngọc Hân được ví với loài hoa rực rỡ nhất, được nâng niu nhất triều Lê thời bấy giờ. Và đó như một niềm tự hào mà cho đến nay vẫn còn in đậm trong lòng người dân làng đào Nhật Tân.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Sắc hoa đào vẽ nên cảnh sắc mùa xuân, đứng trước ngưỡng cửa bước sang năm mới gợi cho con người ta biết bao nỗi niềm, cảm xúc. Văng vẳng bên tai tôi là câu thơ cổ: "Đào hoa y cựu tiếu đông phong” (Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông) gắn với tích: Một nho sinh thời xưa trên đường lên kinh dự thi, lúc về gặp người con gái đẹp bên cạnh gốc đào, tình yêu của họ nảy nở đúng vào mùa hoa đào nở, hoa đào chứng kiến những lời hẹn ước của họ với nhau. Hoa đào ghi dấu thời khắc của một năm mới, của mùa xuân đâm chồi nảy lộc, của tình yêu đôi lứa với bao ước mơ và hy vọng.

Dân làng Nhật Tân từ bao đời nay sống chủ yếu bằng nghề trồng đào cảnh, tôi may mắn được tiếp xúc, trò chuyện với những nghệ nhân trồng đào nơi đây, cảm nhận được tình yêu nghề, sự tâm huyết, dành trọn tình cảm với nghề, càng làm tôi thêm khâm phục những con người ấy. Để đào Nhật Tân có "sắc thắm" đến thế, người trồng đào phải chăm sóc, cắt tỉa, uốn nắn ngay từ khi cây còn non, làm sao cho cây phải có thế và nhiều lộc. Người trồng đào phải thức đêm, dậy sớm lấy đất vun cho cây, để cây ra hoa đẹp, đất phải lấy đất phù sa sông Hồng. Không chỉ vậy, để tạo ra một cây đào khỏe mạnh, hoa nở đẹp, chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt, công đoạn ghép đào cũng vô cùng quan trọng. Thế mới thấy rằng, người làm nghề trồng hoa cũng nhiều nỗi vất vả, lo toan “Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm”.

Làng đào Nhật Tân trước kia chủ yếu là trồng đào để bán, sau đó, nắm bắt được nhu cầu ngày càng lớn của du khách đến đây, chủ các vườn đào đã mở rộng, trang trí phục vụ nhu cầu chụp ảnh cho du khách vừa tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Sức quyến rũ, vẻ đẹp của loài hoa báo xuân chưa bao giờ là quá quen thuộc, các vườn đào trong những ngày giáp tết nhộn nhịp và sôi động với hàng trăm lượt khách đổ về ngắm hoa, chụp ảnh lưu niệm, hay chọn mua cho mình những cành đào tươi thắm về trang trí. Nhiều bạn trẻ đã tụ tập bạn bè, chuẩn bị quần áo xúng xính để chụp cho mình bộ ảnh du xuân, khiến cho không khí Tết rõ ràng hơn bao giờ hết. Trong hàng trăm du khách ở đây, có không ít du khách nước ngoài đã chọn Nhật Tân là điểm đến để ghi lại những khoảnh khắc xuân trong chuyến tham quan Việt Nam của mình. Họ đều thực sự ngỡ ngàng trước khung cảnh cả một vùng đào nhuộm sắc thắm và chia sẻ rằng, nhìn sắc hoa đào nơi đây họ cảm nhận được sự sum họp ấm áp khi năm mới đến. Quan sát sự thích thú, hào hứng của dòng người nườm nượp đến với vườn đào Nhật Tân trong những ngày giáp Tết, có thể thấy sức sống của làng hoa đào Nhật Tân sẽ còn vươn xa hơn trong tương lai.

Đào Nhật Tân đẹp là vậy, con người Nhật Tân lại mến khách, hành trình tìm về với sắc xuân của tôi kết thúc, tôi trở về trong sự lưu luyến với cây đào, với tình người nơi đây và mang theo lời hứa sẽ trở lại với làng Nhật Tân vào mùa sau để viết tiếp câu chuyện về loài hoa đặc trưng của mùa Xuân…/.

Oanh Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra