Sáng mồng 4 Tết Giáp Ngọ, khuôn viên chùa Ông, chùa Bà trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) chật như nêm. Sau chuyến về quê ngoại dài bốn ngày, anh Phương Thơ Quân đưa vợ con đến chùa thắp hương, xin lộc. Loay hoay một hồi không có chỗ giữ chiếc xe tay ga to đùng, anh Quân quyết định dong xe vào hẻm trên đường Nguyễn Án gần đó để gửi, dù giá giữ xe không hề rẻ: 30.000 đồng/xe. An vị xong phương tiện, anh Quân và vợ tìm mua nhang, đèn cầy ly và giấy vàng mã để cúng. Một chú nhóc nói tiếng Việt lơ lớ chạy đến: "Hia (anh) cần mướn người... chen vô chánh điện thắp nhang không? Hia cho 50.000 đồng, ngộ (tôi) lo cho. Tết mà!". Nhìn cảnh biển người đông ken, anh Quân bấm bụng nhờ cậu nhỏ, kèm theo việc phải mua giúp a chế (bà chị) của cậu nhỏ bó nhang, xấp giấy tiền vàng bạc và cặp đèn cầy. 30 phút sau, vợ chồng anh Quân mồ hôi vã như tắm, mắt mũi kèm nhèm bước ra khỏi chánh điện, móc tiền trả dịch vụ... chen.
Gần khu vực chùa Bà, chùa Ông là Trung tâm Văn hóa quận 5 với nhiều chương trình văn hóa văn nghệ, múa lân - sư - rồng rất hấp dẫn. Xe chúng tôi vừa đến cổng trung tâm, đã bị 3-4 "nhân viên" chặn lại kêu giữ xe bên kia đường vì "bãi xe hết chỗ". Cuối buổi xem nghệ thuật, các "nhân viên" hiện nguyên hình thành "nhân dân trong khu vực", hét giá giữ xe 50.000 đồng. Chúng tôi thắc mắc thì cả nhóm "nhân dân trong khu vực" bu vào, nói năng rất khó nghe.
Dạo quanh các ngôi chùa nổi tiếng ở thành phố, rất khó để tìm chỗ gửi xe nhưng khá dễ dàng tìm được dịch vụ "phóng sinh chim", "coi quẻ", "dâng nhang đèn" và "chen xin xăm giúp". Một con chim én giá ngày thường chỉ 5.000 đồng, những ngày đầu năm đã tăng lên 15.000 đồng nhưng vẫn "cháy hàng". Một tờ tử vi loại in trên mạng intơ-nét về bán lẻ có giá 10.000 đồng, giá một lần xin xăm - thắp nhang hộ cũng dao động từ 30.000-50.000 đồng. Tại một số bãi đất trống ở các huyện vùng ven như Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, giá thuê... ghế nhựa để xem tạp kỹ cũng tăng bất ngờ: 25.000 đồng/ghế...
Sáng mồng 5 Tết Giáp Ngọ, vựa gạo Chín Thy trên đường Tân Hòa Đông (quận 6) mở cửa sớm. Ngay tức thì ba nhóm "lân ăn mày" bu lại nhưng duy chỉ có nhóm của Bé Ken là vào được nhà, dù gia chủ... phải phát khiếp.
Trên đường vào Sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), một số quán ăn gốc bắc đã mở cửa đón khách từ mồng 4 Tết. Qua ba ngày Xuân đã quá chán với thịt mỡ, dưa hành, lại đi đón Việt kiều, anh Phan Minh Thanh sà vào một quán ghi biển hiệu "Phở Bắc Hải chính gốc". Tại đây, giá một bát phở gà là 50.000 đồng, nếu thêm chén tái hột gà là giá bán gấp đôi. Anh Thanh than: "Giá này chắc họ tính cho bằng với các hàng phở ngoài kia!". Còn trong khu vực Chợ Lớn, nhan nhản các quán hủ tíu xào, mì xào giòn, cơm chiên dương châu... đều đồng loạt tăng giá gấp rưỡi. Một tiệm sa tế trên đường Hậu Giang ngày thường chỉ có giá 40.000 đồng/tô, còn giá ngày Tết là 150.000 đồng/tô. Hỏi anh chủ quán có cái bụng rất to, thì được biết: "Công nhân về quê hết nên phải thuê thêm người, giá rau xanh và thịt bò cũng tăng".
Còn ở quận 10, sau mấy ngày vui, anh chị Văn Hùng -Hiếu Hạnh chỉ còn biết "thở ô-xy" khi nhìn đống quần áo bừa bộn cùng mấy chồng chén đĩa dơ. Bận chăm hai con nhỏ nên chị Hạnh chỉ còn biết điện thoại cho chồng nhờ tìm ô-sin. Song lúc này, anh Hùng lại phải sang nhà nội nên anh chỉ có thể điện nhờ dịch vụ vì ô-sin cũ đã "về quê hết tháng Giêng mới lên". Nghe qua điện thoại, anh chị Hùng -Hạnh kêu trời nhưng rồi đành chấp nhận giá vệ sinh nhà cửa là 500.000 đồng/giờ và chỉ phục vụ được mỗi gia chủ tối đa 2 giờ/ngày xuân. Anh Hùng còn "phát sốt" hơn nữa khi biết dịch vụ ô-sin kia chỉ điều động nhân viên đi làm thêm ngày Tết bằng... ta-xi!
Theo Minh Anh
Nhân dân