Đa dạng sinh học - thành tựu và thách thức

Thứ năm, 10/05/2018 08:03
(ThanhtraVietNam) - Đa dạng sinh học là sự đa dạng và phong phú của sự sống trên trái đất. Các loài cây, hoa trái, các loài côn trùng, vi khuẩn, rừng và các rạn san hô...đều nằm trong phạm vi bao hàm của đa dạng sinh học. Chiến lược đa dạng sinh học toàn cầu đã được Viện Tài nguyên Thế giới, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) công bố vào năm 1992. Kể từ đó, UNEP đã cổ vũ và hỗ trợ cho nhiều chương trình nghiên cứu về đa dạng sinh học ở các quốc gia (trong đó có Việt Nam), nhằm đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trên phạm vi toàn cầu. Liên hợp quốc cũng lập ra Ngày quốc tế Đa dạng sinh học (Ngày Đa dạng sinh học thế giới) vào ngày 22/5 hàng năm để xúc tiến các vấn đề đa dạng sinh học.

Việt Nam được thế giới công nhận là một trong 16 quốc gia trên thế giới có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học cao. Đa dạng sinh học có vai trò rất quan trọng đối với an ninh lương thực, cân bằng sinh thái và là sự tồn vong của loài người. Chính vì vậy, bảo tồn đa dạng sinh học được coi là yếu tố cấu thành vững chắc cho sự nghiệp bền vững của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới.     

Sau Cách mạng tháng 8/1945, công tác về đa dạng sinh học với sự tham gia của các ngành khoa học tự nhiên về địa lý, sinh học, tài nguyên môi trường, khoa học và công nghệ, về nông nghiệp và phát triển nông thôn, thủy sản nhằm vào các mục tiêu chủ yếu như kiểm kê đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học của Việt Nam. Phát hiện các thành phần đa dạng sinh học có giá trị kinh tế có giá trị bảo tồn, đánh giá các tác động tích cực, tiêu cực của đa dạng sinh học tới phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Đề xuất các giải pháp sử dụng hợp lý, quy hoạch phục hồi bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học trong các vùng miền của cả nước. Giới thiệu, phổ biến rộng rãi tài nguyên đa dạng sinh học phục vụ cho nghiên cứu, đào tạo nhân lực, cho phát triển kinh tế - xã hội và hợp tác quốc tế.     

Theo đó, nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trong tự nhiên của Việt Nam tập trung ở 3 hệ sinh thái chính là trên cạn (rừng), đất ngập nước và hệ sinh thái biển. Theo đánh giá của Viện Điều tra quy hoạch rừng, có 30 vùng đất ngập nước tự nhiên; đất ngập nước ven biển 11 kiểu; đất ngập nước nội địa 19 kiểu; đất ngập nước nhân tạo 9 kiểu. Một số kiểu đất ngập nước có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú như đầm lầy than bùn, rừng ngập mặn, rạn san hô, đầm phá, vụng biển, vũng biển, các vùng đất ngập nước cửa sông Hồng, đất ngập nước Đồng bằng sông Cửu Long...      

leftcenterrightdel
 

Với vùng lãnh hải gắn với bờ biển rộng lớn, nên hệ sinh thái biển cũng rất phong phú, có 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, tính đa dạng sinh học và năng suất sinh học cao. Trong vùng biển nước ta đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong các vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Thành phần quần xã trong hệ sinh thái giàu, cấu trúc phức tạp, thành phần loài phong phú. Đây là môi trường sản xuất thuận lợi và rộng lớn gắn chặt với đời sống của hàng triệu cư dân ven biển.   

Còn các hệ sinh thái của rừng cũng rất đa dạng, mỗi hệ sinh thái rừng thực chất là một phức hệ rất phức tạp, được vận hành và chi phối bởi các quy luật nội vi và ngoại vi. Một số hệ sinh thái điển  hình là rừng trên núi đá vôi, rừng rụng lá và nửa rụng lá, rừng thường xanh núi thấp, núi trung bình, núi cao...có giá trị đa dạng sinh học cao và có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.     

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Sinh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, muốn khai thác sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học điều tiên quyết là phải tiến hành điều tra cơ bản một cách tổng hợp, các điều kiện tự nhiên là nền tảng cơ bản hình thành nguồn tài nguyên sinh vật mà ngày nay được gọi là đa dạng sinh học ở từng vùng, miền trong cả nước. Trên cơ sở hiểu biết giá trị đích thực gián tiếp, trực tiếp của đa dạng sinh học mới đóng góp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho các nhà hoạch định chính sách, chủ trương đề ra các kế hoạch, các hình thức khai thức, sử dụng nguồn tài nguyên đa dạng sinh học vì sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, công tác điều tra cơ bản lĩnh vực đa dạng sinh học Việt Nam đã được tiến hành qua các thời kỳ khác nhau.   

Hiện Việt Nam đã  hình thành các cơ quan, đội ngũ cán bộ khoa học về đa dạng sinh học trong các Bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực đa dạng sinh học; các Viện nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực đa dạng sinh học thuộc Viện Khoa học Việt Nam trước đây, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; các vụ, viện, cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bộ Tài nguyên và Môi trường, các khoa sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các vùng, miền trong cả nước và một số địa phương.   

Nhờ đó đã thu thập, lưu trữ một khối lượng khổng lồ dẫn liệu khoa học, bản đồ về tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam, cung cấp được một bức tranh tổng thể về đa dạng sinh học Việt Nam, về các hệ sinh thái, loài thực vật, động vật, vi sinh vật, nấm…; các nguồn gen hoang dã và nuôi trồng (danh mục loài động vật, thực vật…) phân bố, hiện trạng, giá trị sử dụng, bảo tồn…   

Các tư liệu về đa dạng sinh học đã đóng góp quan trọng  trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường qua các thời kỳ của cách mạng Việt Nam. Cụ thể như  làm luận cứ cho quá trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, dược học, công nghiệp trong các vùng miền của đất nước. Là cơ sở khoa học để Quốc tế ghi nhận Việt Nam là 1/16 quốc gia trên thế giới có tính đa dạng sinh học cao và là cơ sở khoa học góp phần hình thành nên các bộ luật có liên quan ...   

Theo đánh giá của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, hiện nay các tài liệu đa dạng sinh học còn lẻ tẻ tại nhiều cơ quan khoa học quản lý, thậm chí ở từng cá nhân, các nhà khoa học. Rõ ràng việc chưa có cơ chế văn bản pháp quy đủ mạnh để thu thập, khai thác sử dụng tài liệu điều tra cơ bản đa dạng sinh học dẫn đến hiệu quả sử dụng còn thấp. Từ đó có thể thấy Nhà nước đã tốn nhiều tiền bạc, các nhà khoa học và quản lý tốn nhiều công sức cho công tác đa dạng sinh học nhưng việc tập hợp, xử lý, bảo quản, khai thác, sử dụng những thành quả của công tác điều tra cơ bản đa dạng sinh học chưa cao, chưa hiệu quả.   

Nếu tình trạng này không được khắc phục khẩn cấp thì các nguồn tư liệu này sẽ bị mai một dần, thậm chí mất mát. Khi cần sử dụng lại phải tiến hành điều tra lại từ đầu rất tốn kém, mặt khác đây là một khối lượng chất xám khổng lồ được tích lũy qua nhiều thế hệ các nhà khoa học trong và ngoài nước. Số người làm công tác đa dạng sinh học ngày càng lớn tuổi, đều ở tuổi về hưu, nếu không đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ có tâm huyết, có năng lực kế cận sẽ dẫn đến đến hẫng hụt đáng báo động. Nhất là lĩnh vực đi dã ngoại thu thập tài liệu, lĩnh vực phân loại học, sinh thái học, di truyền học, quan trắc giám sát sự diễn biến đa dạng sinh học, kinh tế sinh học.   

Hiện đã đến lúc các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, các Bộ, ngành cần có chủ trương chính sách phù hợp nhằm thu thập, bảo quản, khai thác các tài liệu đa dạng sinh học đang còn nằm rải rác các cơ quan, các cá nhân nhà khoa học. Tổ chức kiểm kê, đánh giá một cách chính xác số lượng và chất lượng các tài liệu điều tra cơ bản về đa dạng sinh học chưa được sử dụng chính thức trong thời gian qua. Nhà nước cần coi trọng vai trò, chức năng của các hoạt động đa dạng sinh học trong nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ưu tiên các vấn đề nóng của quốc gia và toàn cầu.   

Mặt khác củng cố, tăng cường nguồn lực trong lĩnh vực đa dạng sinh học bằng cách tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, lực lượng kế cận trong các Viện nghiên cứu chuyên ngành, trong các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng, trong các khu bảo tồn thiên nhiên kể cả địa phương. Tăng cường nguồn vốn đầu tư thích đáng cho các hoạt động đa dạng sinh học, đổi mới các trang thiết bị cũng như tạo lập được hệ thống thiết bị đồng bộ cho công tác quan trắc đa dạng sinh học trong một số cơ quan, một số các vùng quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Khuyến khích việc huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp cũng như các tổ chức nước ngoài đầu tư nhằm góp phần thúc đẩy phát triển theo phương châm bền vững.   

Trước đây, hiện nay và trong tương lai của thế kỷ 21-thế kỷ của công nghệ tin học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ điện tử và công nghệ sinh học sẽ là một động lực quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng lĩnh vực nghiên cứu đa dạng sinh học vẫn phải có chỗ đứng nhất định, vẫn giữ vai trò quan trọng trong quá trình tìm hiểu, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường. Do đó, cần có chính sách đối với vấn đề đa dạng sinh học nhằm động viên nguồn lực cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý đã được đào tạo, đồng thời quan tâm hơn nữa việc đào tạo cán bộ trẻ có năng lực cùng với đầu tư trang thiết bị và nguồn tài chính cho nhiệm vụ đa dạng sinh học, để phục vụ thiết thực cho sự nghiệp phát triển đất nước./.  

Dương Thái

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra