Tổ hòa giải, hòa giải viên có vị trí, vai trò hết sức quan trọng và trong thời gian qua ngày càng được khẳng định và được ghi nhận đã đóng góp kịp thời vào việc giải quyết nhiều mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội và giữ gìn tình đoàn kết tại cộng đồng dân cư. Theo số liệu báo cáo thống kê toàn quốc năm 2022 có 86.407 tổ hòa giải được thành lập tại xóm, tổ dân phố, thôn, làng, bản, ấp… với 540.858 hòa giải viên.
Để tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng về công tác hòa giải ở cơ sở, theo định kỳ, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc. Năm 2023, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương đã có Quyết định số 791/QĐ-HĐPH ngày 24/5/2023 ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV, đồng thời ký Quyết định số 1159/QĐ-HĐPH ngày 27/6/2023 thành lập Ban Tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi lần thứ IV.
|
|
Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Ninh Bình năm 2023. Ảnh: CTV Bộ Tư pháp |
Nâng cao chất lượng công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và sự bình yên cho mọi nhà
Những nội dung pháp luật được truyền tải thông qua các phần thi sân khấu hóa đã được mềm hóa theo hướng đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, tránh sự cứng nhắc, khô khan, vì vậy, giúp cho việc tiếp nhận kiến thức pháp luật một cách thoải mái và chủ động, từ đó nâng cao khả năng áp dụng pháp luật cho các đối tượng từ hòa giải viên đến khán giả tham dự. Hội thi được tổ chức còn nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; truyền thông, phổ biến pháp luật đến đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân các quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở, quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ gắn với đời sống hằng ngày của người dân, các quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn khu dân cư, quy tắc ứng xử trong gia đình…
Hội thi tạo sân chơi bổ ích cho các hòa giải viên giao lưu, chia sẻ, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở. Từ đó, sử dụng nhiều hơn, thường xuyên hơn biện pháp hòa giải này để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tại cộng đồng; góp phần giữ gìn, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn cơ sở.
Tôn vinh, động viên, khích lệ hòa giải viên tham gia tích cực vào công tác hòa giải ở cơ sở
Tính chất, mức độ của các tranh chấp thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở ngày càng phức tạp, khó giải quyết. Trong khi đó, năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở còn hạn chế. Việc hòa giải không chỉ dựa vào các chuẩn mực đạo đức mà còn phải nắm vững pháp luật. Vì vậy, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật trung ương đã chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Hội thi nhằm mục đích nâng cao tính chuyên nghiệp (chuyên môn pháp lý và nghiệp vụ hòa giải) của hòa giải viên để đội ngũ này đủ khả năng giải quyết các tranh chấp phức tạp hơn. Năng lực, trình độ và kinh nghiệm của những người tiến hành hòa giải được nâng cao sẽ góp phần quan trọng vào thành công của hòa giải và sự phát triển của công tác hòa giải ở cơ sở.
Thông qua các phần thi theo Thể lệ Hội thi của Ban Tổ chức, các tình huống, tiểu phẩm do đội thi diễn xuất với nội dung thiết thức và được các đội thi, hòa giải viên thể hiện trên sân khấu mang màu sắc riêng gắn với văn hóa, truyền thống, phong tục của mỗi địa bàn, vùng miền. Từ đó, giúp chính quyền các cấp và cổ động viên, người dân hiểu rõ về tính chất và công việc của các hòa giải viên. Hội thi lan tỏa nhiều thông điệp có ý nghĩa trong công tác hòa giải ở cơ sở, “Tổ hòa giải địa chỉ tin cậy của người dân”, “Tăng cường hòa giải ở cơ sở góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”; Hòa giải ở cơ sở với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. … Thông qua Hội thi đã đẩy mạnh phong trào thi đua sôi nổi, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng trong hoạt động hòa giải, lồng ghép truyền thông, phố biến các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp tới đời sống Nhân dân./.