Hải Phòng:

Kiến nghị giải pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy qua thanh tra

Thứ ba, 05/03/2024 09:55
(ThanhtraVietNam) - Qua công tác thanh tra phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố Hải Phòng, Công an Thành phố đã đưa ra mốt số kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.

6 nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC

Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về phòng cháy, chữa cháy

Thực trạng công tác PCCC trên địa bàn thành phố

Trong những năm gần đây, chủ các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), nhất là khi xây dựng, cải tạo công trình đã thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC, đã tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho người lao động, tăng cường công tác tự kiểm tra PCCC trong phạm vi quản lý của mình, đồng thời đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác PCCC tại cơ sở… Điều đó đã hạn chế nguy cơ cháy nổ, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ xảy ra.

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến năm 2023 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 280 vụ cháy làm chết 07 người, bị thương 08 người, thiệt hại hàng chục tỷ đồng (điển hình là vụ cháy chợ Tam Bạc ở quận Hồng Bàng), 10,86 ha thảm thực bì rừng, ngoài ra còn xảy ra khoảng hơn 800 sự cố cháy nhỏ, lực lượng cơ sở tại chỗ và lực lượng Cảnh sát PCCC đã tổ chức dập tắt kịp thời nên thiệt hại không đáng kể. Ý thức chấp hành pháp luật về PCCC, kiến thức, kỹ năng về PCCC của một số chủ cơ sở, doanh nghiệp, người lao động còn hạn chế, dẫn đến vẫn còn những tồn tại, vi phạm pháp luật về PCCC…

leftcenterrightdel
 Một góc thành phố Hải Phòng. Ảnh minh hoạ: Nguyễn Dương

Người đứng đầu cơ sở thực hiện chưa toàn diện, thiếu kiên quyết

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên những năm 2021, 2022 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở, doanh nghiệp. Đặc biệt, có nhiều cơ sở, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động nên việc chấp hành các quy định về PCCC còn nhiều thiếu sót.

Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC tại một số cơ sở chưa được tiến hành thường xuyên.

Một số cơ sở chưa trang bị hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động theo quy định nhằm đảm bảo an toàn về PCCC trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; chưa tổ chức thực tập phương án chữa cháy và phương án CNCH; phương án chữa cháy và phương án CNCH còn chưa phù hợp với thực tế hoặc chưa chỉnh lý khi có sự thay đổi về công năng sử dụng. Cùng với đó, chưa thực hiện đầy đủ việc thiết kế, thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC và báo cáo cơ quan Cảnh sát PCCC khi cải tạo, xây dựng, thay đổi tính chất, hạng mục công trình; chưa thực hiện các kiến nghị trong biên bản kiểm tra về công tác PCCC của Cơ quan Cảnh sát PCCC.

Đoàn Thanh tra CATP cũng đã chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC của một số chủ cơ sở, nhân viên, công nhân còn hạn chế, chưa thấy hết được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi cháy nổ xảy ra.

Một số kiến nghị, đề xuất nâng cao công tác đảm bảo an toàn PCCC

Để khắc phục những tồn tại, bất cập cũng như nâng cao hơn nữa công tác đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn thành phố, Đoàn Thanh tra đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất như sau:

Một là, đối với các cơ sở được thanh tra cần triển khai Kết luận của Chánh Thanh tra CATP tới 100% cán bộ chủ chốt của cơ sở để rút kinh nghiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC, đồng thời có kế hoạch thực hiện các kiến nghị nhằm kịp thời khắc phục các vi phạm, hạn chế được phát hiện qua thanh tra.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC cho cán bộ, công nhân viên thuộc quyền quản lý, chủ động phối kết hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho thành viên đội PCCC cơ sở theo quy định.

Đẩy mạnh công tác tự kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất về an toàn PCCC và CNCH, kịp thời khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế nhằm làm giảm nguy cơ về cháy, nổ trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Xây dựng, bổ sung, chỉnh lý và tổ chức thực tập phương án chữa cháy và phương án CNCH theo quy định. Đầu tư, trang bị đầy đủ phương tiện PCCC cho Đội PCCC cơ sở; thực hiện việc bảo dưỡng định kỳ và thay thế đối với các phương tiện bị hư hỏng để thực hiện tốt công tác PCCC. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về thẩm duyệt thiết kế về PCCC và nghiệm thu về PCCC.

Hai là, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – CATP thường xuyên báo cáo Giám đốc CATP tổ chức mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Cảnh sát PCCC cấp huyện nhằm nâng cao chất lượng cán bộ trong công tác quản lý, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC.

Ba là, công an các quận, huyện có cơ sở, doanh nghiệp được thanh tra căn cứ vào tồn tại, hạn chế nêu trên để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Tăng cường quản lý nhà nước về PCCC đối với các cơ sở là đối tượng thanh tra nói riêng và các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC trên địa bàn nói chung. Nâng cao chất lượng, nội dung công tác kiểm tra đối với các cơ sở nhằm đảm bảo an toàn về PCCC. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC.

Việc thực hiện nghiêm túc các qui định của pháp luật về PCCC sẽ giúp cho cơ sở, doanh nghiệp có môi trường an toàn để sản xuất, kinh doanh, phát triển, góp phần chung vào bảo đảm an ninh trật tự thành phố./.

Nguyễn Dương

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra