Thứ tư, 27/11/2013 - 08:54 (GMT+7)
(ThanhtraVietnam) - Ngoài những hạn chế đã được nêu ở kỳ trước, Luật Khiếu nại còn không quy định về việc không được thụ lí khiếu nại hành chính trong các trường hợp cần thiết sau:
- Luật không quy định các trường hợp không thụ lí khiếu nại đối với quyết định kỷ luật. Do đó, quyết định thụ lí hay không thụ lí khiếu nại đối với loại quyết định này hoàn toàn phụ thuộc vào các quy định của pháp luật về phân cấp thẩm quyền giải quyết khiếu nại, về thời hiệu khiếu nại và về hình thức khiếu nại.
Theo các quy định tại Điều 9, khoản 1 Điều 33 và Điều 48 của Luật, thời hiệu khiếu nại lần đầu đối với quyết định kỷ luật là 15 ngày còn thời hiệu khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính là 90 ngày; thời hiệu khiếu nại lần hai đối với quyết định kỷ luật là 10 ngày (đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc, thời hiệu này là 30 ngày) còn thời hạn khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính là 30 ngày (đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày); thời hiệu khiếu nại đối với quyết định kỷ luật đều tính từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, còn thời hiệu khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính được tính từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, thời hạn khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính được tính từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Đây là những hạn chế của Luật cần được khắc phục, vì trường hợp cán bộ, công chức không nhận được quyết định kỷ luật đối với mình nhưng đã biết được quyết định này thì họ lại không được thực hiện ngay quyền khiếu nại đối với quyết định. Trường hợp người giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định kỷ luật không ra quyết định giải quyết khiếu nại trong thời hạn pháp luật quy định hoặc có ra quyết định này nhưng người khiếu nại không nhận được thì họ cũng không thể thực hiện được quyền khiếu nại lần hai. Điều này làm cho việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật không được tiến hành nhanh chóng, kịp thời. Mặt khác, với thời gian tương đối ngắn, không phải bất kỳ cán bộ, công chức nào cũng có đủ thông tin và "dũng cảm" để thực hiện quyền khiếu nại của mình đối với quyết định kỷ luật. Điều này đã gây trở ngại không nhỏ cho việc thực hiện quyền khiếu nại đối với loại quyết định này. Mặt khác, theo quy định tại Điều 49 của Luật, cán bộ, công chức phải tự mình khiếu nại (không được uỷ quyền cho người khác) bằng đơn (không được khiếu nại trực tiếp). Điều này không những không bảo đảm được sự công bằng giữa cán bộ, công chức và công dân trong việc thực hiện quyền khiếu nại hành chính mà còn không phát huy được ưu điểm của phương thức giải quyết khiếu nại hành chính là thụ lí, giải quyết nhanh chóng tranh chấp hành chính.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
- Luật không quy định về việc không thụ lí khiếu nại hành chính trong trường hợp người khiếu nại không khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết.
Theo các quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 và Điều 49 của Luật, người khiếu nại có nghĩa vụ khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết. Tuy các quy định này nhằm bảo đảm thuận lợi cần thiết cho việc giải quyết khiếu nại hành chính, nhưng những quy định phức tạp và bất cập về phân cấp thẩm quyền giải quyết khiếu nại đã làm cho chủ thể có quyền khiếu nại khó khăn trong việc xác định đúng người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của họ. Đây cũng là nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại tràn lan, vượt cấp.
Vì không biết rõ người nào có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nên người dân thường khiếu nại tới nhiều nơi đối với một vụ việc. Điều này làm mất nhiều thời gian, tiền của của người khiếu nại và làm phức tạp thêm quá trình tiếp nhận, xử lí đơn khiếu nại của các cơ quan nhà nước. Do đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành ở Việt Nam có quy định về việc cơ quan, tổ chức, cá nhân tuy không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nhưng lại có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính. Các quy định này phần nào tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện quyền khiếu nại, nhưng đã vô hình trung làm vô hiệu nghĩa vụ của người khiếu nại được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 và Điều 49 của Luật Khiếu nại; làm phức tạp thêm cho việc thụ lí khiếu nại hành chính; làm tăng đáng kể số lượng đơn thư khiếu nại mà đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, cán bộ tiếp công dân, người phụ trách trụ sở, địa điểm tiếp công dân phải tiếp nhận, xử lí. Hơn nữa, trong thực tế, vai trò của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm chuyển đơn khiếu nại thường không được người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính coi trọng. Như vậy, sự thực là những cơ quan, tổ chức, cá nhân này không có thẩm quyền quyết định tranh chấp hành chính được khiếu nại có được giải quyết hay không và số phận pháp lí của tranh chấp này sẽ như thế nào; họ chỉ có nhiệm vụ chuyển yêu cầu khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hành chính để tạm thời làm "yên lòng" người khiếu nại cùng với niềm tin "giả tưởng" là yêu cầu khiếu nại của họ đã được cơ quan nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận thì tranh chấp hành chính sẽ sớm được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Từ những nhận định trên, thiết nghĩ, Luật Khiếu nại hiện hành cần được sửa đổi theo hướng quy định đầy đủ các trường hợp không thụ lí khiếu nại hành chính trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật về đối tượng, điều kiện, hình thức của khiếu nại hành chính và phân cấp thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính, cụ thể: Các trường hợp khiếu nại hành chính không được thụ lí giải quyết gồm:
Một là quyết định, hành vi bị khiếu nại không thuộc đối tượng của khiếu nại hành chính theo quy định của pháp luật. Tất nhiên, cùng với quy định này, pháp luật cần quy định cụ thể về phạm vi đối tượng của khiếu nại hành chính theo hướng bảo đảm quyền khiếu nại hành chính của cá nhân, tổ chức đối với tất cả các quyết định hành chính (gồm cả quyết định kỷ luật cán bộ, công chức) và hành vi hành chính (trừ quyết định hành chính quy phạm và hành vi hành chính ảnh hưởng chung tới lợi ích của cộng đồng).
Hai là người khiếu nại không có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật hoặc không hợp lí, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Quy định này là cần thiết để hạn chế tình trạng khiếu nại "cầu may" và bảo đảm quyền khiếu nại hành chính của cá nhân, tổ chức đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính hợp pháp nhưng không hợp lí.
Ba là việc khiếu nại không được thực hiện trong trường hợp được quy định tại Điều 7 của Luật Khiếu nại.
Hiện nay, tuy Điều 7 của Luật quy định về trình tự khiếu nại, song cũng đồng thời phản ánh các trường hợp khiếu nại. Theo đó, các trường hợp không thụ lí khiếu nại gồm: khiếu nại về những tranh chấp hành chính đã được tòa án thụ lí hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính; khiếu nại lần hai trong trường hợp chưa thực hiện khiếu nại lần đầu; khiếu nại trong trường hợp chưa hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu và chưa có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; khiếu nại về những tranh chấp hành chính đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.
Bốn là khiếu nại không được thực hiện trong thời hiệu, thời hạn do pháp luật quy định. Cùng với quy định này, pháp luật cần quy định hợp lí, thống nhất cả về thuật ngữ, cả về cách xác định và độ dài của thời hiệu, thời hạn khiếu nại.
Năm là tranh chấp được khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức tiếp nhận khiếu nại. Trường hợp tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác thì văn bản từ chối thụ lí khiếu nại phải ghi rõ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Theo quy định này, các trường hợp không thụ lí khiếu nại gồm: trường hợp cơ quan, tổ chức tiếp nhận khiếu nại không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo những quy định của pháp luật về phân cấp thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính; tranh chấp hành chính vừa được khiếu nại, vừa được khởi kiện, nhưng theo quy định của pháp luật, toà án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này.
Sáu là việc khiếu nại không được thực hiện đúng hình thức do pháp luật quy định. Trong trường hợp này, người tiếp nhận khiếu nại có trách nhiệm hướng dẫn người khiếu nại thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hình thức khiếu nại. Theo quy định này, các trường hợp không thụ lí khiếu nại có thể là: đơn khiếu nại không có đủ nội dung hoặc không đúng nội dung do pháp luật quy định; việc khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện không hợp pháp; v.v. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần phải quy định hợp lí về hình thức của khiếu nại, năng lực hành vi hành chính của người khiếu nại hành chính là cá nhân và về các trường hợp khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp./.
ThS. Nguyễn Mạnh Hùng
Giảng viên Khoa Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội
dotuanh
Từ khóa:
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
Kim Dung - Dương Nguyễn
Tin đọc nhiều
(ThanhtraVietNam) - Khi ứng dụng công nghệ số được nghiên cứu kỹ càng và nghiêm túc, hoạt động bồi dưỡng của nhà trường sẽ có những phát triển chưa từng có trong tiền lệ, thay đổi cả về lượng và về chất.
Th.s Nguyễn Mai Anh
(ThanhtraVietNam) - Ngày 14/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh. (TP.HCM), Báo Pháp Luật TPHCM tổ chức hội thảo “Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản trong thi hành án các vụ án kinh tế”.
Hữu Anh - Thanh Thủy
(ThanhtraVietNam) - Mô hình tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp phối hợp cùng trực tuyến đã đưa Trường Cán bộ Thanh tra trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong việc đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, việc áp dụng mô hình dạy học hiện đại trong tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng sẽ khắc phục được những điểm hạn chế trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức ngành thanh tra.
Thạc sĩ Đặng Thuỳ Trâm Phó Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Trường Cán bộ Thanh tra
(ThanhtraVietNam) - Đó là một trong những nguyên tắc trong việc kiểm tra, xử lý văn bản được quy định tại Nghị định số 79/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
M. Phương (TH)
(ThanhtraVietNam) - Dự thảo Luật Thanh tra năm 2025 đang trong giai đoạn hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, với nhiều thay đổi quan trọng. Những sửa đổi này tập trung vào việc kiện toàn tổ chức thanh tra, cải tiến quy trình hoạt động và nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan, nhằm khắc phục những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thi hành.
Dương Nguyễn
(ThanhtraVietNam) - Việc ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thể hiện quyết tâm cao của tỉnh trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác này. Chương trình được kỳ vọng là bước đi quan trọng trong việc xây dựng một bộ máy hành chính liêm chính, kiến tạo và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
BS
(ThanhtraVietNam) - Thanh tra Thành phố Hà Nội chỉ ra nhiều thiếu sót trong thủ tục quy hoạch, đất đai của dự án Công viên cây xanh kết hợp công trình phụ trợ phục vụ giải đua xe Công thức 1, đặc biệt là việc phê duyệt quy hoạch chi tiết khi chưa đủ thời gian lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo quy định.
BS
(ThanhtraVietNam) - Việc chuẩn hóa trình tự, thủ tục và mẫu các văn bản sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các cuộc thanh tra, kết luận thanh tra sẽ khắc phục được việc ban hành chậm và quá trình thanh tra người tiến hành thanh tra, người thực hiện giám sát, người thực hiện thẩm định phải thực hiện nghiêm các quy định, từ đó đưa hoạt động thanh tra theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả
ThS. Lê Ngọc Thiều Trưởng khoa Nghiệp vụ Thanh tra Trường Cán bộ Thanh tra
(ThanhtraVietNam) - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ, nhận thức sâu sắc chủ trương của Trung ương Đảng về việc cần thiết phải giải quyết các “điểm nghẽn”, “nút thắt” trong cơ chế, lãnh đạo Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra đã chủ động, sáng tạo trong việc tham mưu cho lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đưa hoạt động xử lý sau thanh tra mang lại hiệu quả thiết thực.
Nguyễn Mạnh Cường Cục trưởng Cục V, Thanh tra Chính phủ
(ThanhtraVietNam) - Hoạt động thanh tra khó có thể đảm bảo đủ các nguyên tắc “tuân theo pháp luật, dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác” nếu thiếu vắng công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra.
Nguyễn Mạnh Cường Cục trưởng Cục V, Thanh tra Chính phủ
(ThanhtraVietNam) - Đất hiếm là loại khoáng sản có giá trị chiến lược, được ví như "vàng trắng" trong công nghệ cao, từ sản xuất xe điện, điện thoại thông minh đến vũ khí quân sự. Nhưng ở Việt Nam, tài nguyên quý giá này không được bảo vệ như một kho báu quốc gia mà lại bị buôn bán như một món hàng chợ đen, tuồn lậu qua biên giới với những chiêu trò hết sức tinh vi.
Lan Anh
(ThanhtraVietNam) - Nếu có một thứ có thể biến giấy trắng thành vàng, thì đó chính là con dấu. Và trong vụ án vừa bị Công an TP. Hà Nội phanh phui, con dấu đã thực sự trở thành một “cỗ máy in tiền” cho một nhóm cán bộ tại Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội.
Lan Anh