Ban hành Chương trình công tác năm 2021 của Ban chỉ đạo TƯ Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng DTTS&MN

Thứ ba, 13/07/2021 10:18
(ThanhtraVietNam) – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia (BCĐ TƯ CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình) mới ký ban hành Chương trình công tác năm 2021 của Ban Chỉ đạo.

6 nhiệm vụ trọng tâm

Theo Quyết định 65/QĐ-BCĐCTMTQG mới ban hành, 6 nhiệm vụ trọng tâm mà các thành viên Ban chỉ đạo phải thực hiện gồm:

Thứ nhất, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình; thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định đầu tư Chương trình theo  đúng quy định pháp luật về đầu tư công.

Thứ hai, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp và cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo ở các cấp theo quy định của pháp luật về quản lý và điều hành thực hiện các Chương trình MTQG kèm theo Quyết định 41/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện Chương trình và một số nội dung của Đề án tổng thể.

leftcenterrightdel
 Chương trình định hướng và tạo ra nhiều cơ hội cho người DTTS làm chủ thể sản xuất ra các sản phẩm đặc sản địa phương, tạo sinh kế bền vững. Ảnh: O.H

Thứ tư, tổ chức quán triệt, tuyên truyền phổ biến đến các tổ chức, cá nhân liên quan và người dân về Chương trình và một số nội dung của Đề án tổng thể.

Thứ năm, tham mưu, đề xuất các giải pháp huy động, đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện Chương trình, nhất là nguồn vốn ODA và huy động thêm nguồn vốn từ xã hội hóa, đóng góp hợp pháp của cộngd đồng để bổ sung cho Chương trình.

Thứ sáu, chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình và một số nội dung của Đề án tổng thể; báo cáo Quốc hội kết quả Chương trình năm 2021.

Hướng tới nhiều mục tiêu quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia

Trước đó, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ban, ngành liên quan đã nhiều hoạt động chuẩn bị, họp bàn, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình với sự tham gia đầy đủ các ý kiến từ các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước tại các lĩnh vực.

leftcenterrightdel
 Chương trình cũng giúp bảo tồn, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa vùng các DTTS & MN. Ảnh: O.H

Theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu tổng quát nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển.

Song hành với đó là phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Đáng chú ý, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. Đồng thời, bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.

Tiếp đó, định hướng mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhiều chỉ tiêu quan trọng khác cũng hướng đến vào năm 2030 như: Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu có 80% số hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa; xóa tình trạng nhà ở tạm, dốt nát; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái; duy trì, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân;

Đồng thời, giải quyết căn bản tình trạng di cư không theo kế hoạch trong đồng bào dân tộc thiểu số. Quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí 100% hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở.

Đến năm 2030, sẽ cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong Mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững...

Với sự chuẩn bị, nghiên cứu kĩ lưỡng, hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi và đến nay là Quyết định Ban hành Chương trình công tác năm 2021 của Ban chỉ đạo Trung ương, Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng DTTS&MN đã sẵn sàng với quyết tâm chính trị cao nhất để có thể cán đích nhiều mục tiêu quan trọng vào năm 2030./.

 Oanh Hữu

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra