Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội: Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan

Thứ tư, 14/07/2021 08:00
(ThanhtraVietNam) - Trưởng Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội vừa ký Quyết định về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội. Theo đó, ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội.

Dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân

Cụ thể, Quy chế quy định về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của Ban Tôn giáo bao gồm: dân chủ trong nội bộ cơ quan; dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan nhằm phát huy quyền làm chủ của cán bộ công chức (CBCC) và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan; góp phần xây dựng đội ngũ CBCC là công bộc của nhân dân, có đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới của đất nước. Bên cạnh đó, phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân, xây dựng đội ngũ CBCC Ban Tôn giáo trong sạch, vững mạnh.

Trách nhiệm của CBCC được nêu rõ tại Điều 5, cụ thể: Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế làm việc của cơ quan; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời; thực hiện các quy định về nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp, quy tắc ứng xử của CBCC trong các cơ quan Thành phố, nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp và những việc không được làm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, thực hiện đúng thủ tục, quy trình, thời hạn giải quyết công vụ, chấp hành kỷ luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Trưởng Ban về việc thi hành nhiệm vụ của mình. CBCC có quyền trình bày ý kiến, đề xuất khi cách giải quyết nhiệm vụ của mình khác với ý kiến của cấp trên nhưng vẫn phải chấp hành sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, đồng thời có quyền bảo lưu ý kiến, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định công việc.

Mặt khác, trách nhiệm của CBCC kiến nghị, đề xuất với Lãnh đạo Ban về xây dựng và thực hiện các biện pháp nhằm thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của CBCC; thực hiện phê bình và tự phê bình nghiêm túc, phát huy ưu điểm, có giải pháp sửa chữa khuyết điểm; thẳng thắn đóng góp ý kiến để xây dựng nội bộ cơ quan trong sạch, vững mạnh; đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các văn bản, đề án của cơ quan khi được yêu cầu; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động của cơ quan.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Internet 

Công khai các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan sau khi đã có kết luận của cơ quan thẩm quyền

Quy chế cũng nêu rõ những việc phải công khai như: Chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Thành ủy, UBND Thành phố, Đảng ủy Khối các cơ quan Thành phố và các chế độ, chính sách có liên quan đến hoạt động của cơ quan, CBCC; văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý cấp trên liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan (trừ các văn bản mật); kế hoạch công tác hằng năm, hằng quý, hằng tháng của Ban; kinh phí hoạt động hằng năm, bao gồm các nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn tài chính khác; quyết toán kinh phí hằng năm của Ban; tài sản, trang thiết bị của Ban.

Ngoài ra, còn phương án tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm; hợp đồng làm việc, thay đổi chức danh nghề nghiệp, thay đổi vị trí làm việc, chấm dứt hợp đồng làm việc của người lao động; đi công tác nước ngoài, giải quyết chế độ, nâng bậc lương, nâng ngạch, đánh giá, xếp loại CBCC; khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với CBCC.

Các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan sau khi đã có kết luận của cơ quan thẩm quyền; kết quả kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai theo quy định của pháp luật; các nội quy, quy chế, quy trình giải quyết công việc của cơ quan hay các văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý cấp trên liên quan đến công việc của cơ quan cũng đều là những nội dung việc phải công khai.

Điều 11 của Quy chế về những việc CBCC giám sát, kiểm tra gồm: việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chương trình, kế hoạch công tác hằng năm, hằng quý, hằng tháng của cơ quan; việc sử dụng kinh phí hoạt động, chấp hành chính sách, chế độ quản lý và sử dụng tài sản của cơ quan; việc thực hiện các nội quy, quy chế, quy trình giải quyết công việc của cơ quan; việc thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước về quyền và lợi ích của CBCC trong cơ quan; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ cơ quan.

CBCC thực hiện việc giám sát, kiểm tra thông qua các hình thức: Thông qua kiểm điểm công tác, tự phê bình và phê bình trong các cuộc họp của cơ quan; phản ánh với Lãnh đạo Ban những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, đề nghị Lãnh đạo Ban tổ chức thanh tra, kiểm tra; thông quan các tổ chức chính trị - xã hội của cơ quan mà CBCC là thành viên./.

Kim Ngân

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra