Hà Nội có 4.559 cơ sở tín ngưỡng, 7 tôn giáo và 3 tổ chức tôn giáo
Thời gian qua, cùng với chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo được Ðảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Điều này thể hiện qua việc tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân; bình đẳng giữa các tôn giáo và bình đẳng trước pháp luật; đoàn kết tôn giáo gắn với đoàn kết dân tộc; phát huy giá trị đạo đức, nhân văn, tích cực của các tôn giáo.
Tại Thủ đô Hà Nội, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng trong cộng đồng dân tộc, luôn gắn bó, đoàn kết, đồng hành, phấn đấu vì lợi ích chung, vì sự ổn định, phát triển của thành phố. Chính sách nhất quán của Đảng bộ và chính quyền thành phố là tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và quyền tự do không tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, hết sức chăm lo đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc.
Qua tìm hiểu, đồng bào dân các tộc thiểu số tại thành phố Hà Nội sinh sống trong phạm vi hẹp, đa số sống quần cư thành thôn ở 14 xã thuộc 05 huyện gồm Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức với dân số trên 55.000 người dân tộc.
Theo Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội, đến năm 2020 thành phố có 4.559 cơ sở tín ngưỡng, trong đó 1.801 đình, 760 đền, 25 phủ, 1.973 cơ sở khác; có 07 tôn giáo và 03 tổ chức tôn giáo được công nhận hoạt động là: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hồi giáo, Đạo Baha’i, Minh sư đạo; với tổng số tín đồ hơn 80 vạn người, 2.500 chức sắc, hơn 5.000 chức việc, trên 2.400 cơ sở thờ tự tôn giáo, trên 4.500 cơ sở tín ngưỡng.
Đồng thời, Hà Nội là nơi có trụ sở của Trung ương Giáo hội một số tôn giáo như: Phật giáo, Công giáo, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc). Do vậy, những diễn biến và hoạt động tôn giáo luôn là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, khó khăn và có ảnh hưởng đến việc chấp hành chính sách pháp luật và tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Thủ đô.
Đặc biệt, Hà Nội là địa bàn có số lượng cơ sở tự viện, tăng, ni, tín đồ nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong cả nước với 2.059 chùa, hơn 2.000 tăng, ni, hơn 1.000 chức việc và khoảng hơn 600.000 tín đồ. Không những vậy, đây còn là địa bàn duy nhất trong cả nước có các xứ, họ đạo thuộc sự quản lý của 03 Tòa Giám mục (Hà Nội, Hưng Hóa, Bắc Ninh), 412 xứ, họ đạo, khoảng 250.000 tín đồ. Đồng bào Công giáo sinh sống ở 337/579 (chiếm 58,2%) xã, phường, thị trấn.
Ngoài ra, Hà Nội cũng là địa phương có nhiều đền, điện thờ Mẫu nhất cả nước với 585 đền, phủ, 1230 điện thờ tư gia, 1640 chùa có nhà Mẫu, điện Mẫu với lực lượng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu rất đông đảo.
Nhà thờ Lớn Hà Nội. Ảnh: Laodong.vn
Những số liệu trên cho thấy, vấn đề tôn giáo và dân tộc có quan hệ qua lại và tương hỗ lẫn nhau, đặc biệt là tại Hà Nội - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước. Để công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc được thuận lợi, thống nhất, điều phối được trên lĩnh vực tôn giáo và dân tộc, đồng thời kịp thời giải quyết điểm nóng về tôn giáo có yếu tố dân tộc và có biện pháp quản lý phù hợp đối với các công tác này, cần có cơ chế về mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc.
Cần nghiên cứu, xem xét cơ chế đặc thù về mô hình tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước phù hợp về tôn giáo, dân tộc
Trước đó, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực tiễn tại một số địa phương như Bạc Liêu, Hà Giang và Tây Ninh đã tiến hành thành lập Ban Tôn giáo và Dân tộc.
Trên thực tế, tại Hà Nội, Ban Dân Vận của Thành ủy có Phòng Dân tộc, Tôn giáo và Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc thành phố có Ban Dân tộc, Tôn giáo.
Theo Sở Nội vụ, nếu thực hiện việc sáp nhập thành Sở Tôn giáo - Dân tộc thì sẽ giảm được quy mô bộ máy hành chính và đầu mối từ 08 phòng, ban là Ban Tôn giáo (03 phòng), Ban Dân tộc (05 phòng) xuống còn 06 đơn vị do giảm được bộ máy hành chính - văn phòng của 02 cơ quan tôn giáo, dân tộc. Biên chế được gộp lại từ 2 đơn vị là 41 công chức, trong đó từ Ban Tôn giáo là 20 công chức và Ban Dân tộc là 21 công chức.
Nhìn chung, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn Thành phố đã được các cấp, chính quyền quan tâm, chỉ đạo giải quyết, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn những vấn đề đặt ra cần giải quyết. Mới đây vào ngày 17/6/2021, Ban Tôn giáo Chính phủ đã chủ trì Hội thảo “Thực trạng đạo lạ, tà đạo ở Việt Nam hiện nay - kiến nghị và giải pháp”...
Theo Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, để công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc đạt hiệu quả hơn nữa, nhằm thống nhất về đầu mối và chủ động hơn trong việc giải quyết điểm nóng về tôn giáo - dân tộc, thành phố Hà Nội cần xem xét, cân nhắc có cơ chế đặc thù về mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc, theo hướng sáp nhập, tinh gọn, hiệu quả./.
Kim Ngân