Thu phí và các khoản đóng góp trái phép
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, hiện nay châu Phi được coi là khu vực có tỉ lệ tham nhũng cao nhất thế giới. Tình trạng nguy hiểm này đã và đang góp phần làm chậm quá trình phát triển kinh tế, xã hội và làm gia tăng nghèo đói tại nhiều quốc gia ở châu lục này. Hệ thống giáo dục tại phần lớn các nước châu Phi không phù hợp với sự thay đổi của xã hội. Giáo dục sơ cấp vẫn còn là một việc xa xỉ đối với đại đa số người dân. Còn giáo dục đại học phần lớn chỉ tạo ra những cử nhân không có việc làm, không có khả năng hòa nhập vào cuộc sống xã hội ngay khi họ rời khỏi giảng đường.
Ở một số quốc gia châu Phi, mặc dù giáo dục tiểu học hoàn toàn miễn phí, nhưng có tới 44% phụ huynh học sinh tiểu học nói rằng họ vẫn phải đóng nhiều khoản tiền khác nhau. Nhiều trường học thu các khoản học phí và đóng góp trái phép để bù vào thâm hụt ngân sách. Nói cách khác, phụ huynh học sinh bị ép buộc phải nộp các khoản tiền cho những dịch vụ đáng lẽ được miễn phí, hay phải nộp cao hơn mức quy định.
So với các nước ở châu Phi, Nam Phi được xem là quốc gia đầu tư cho giáo dục nhiều nhất. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục đang được xếp hạng gần như thấp nhất. Học sinh Nam Phi thường xếp thứ hạng kém nhất trong các kỳ thi toán học và khoa học quốc tế. Hiệu trưởng các trường đại học thường phàn nàn về các sinh viên không chuẩn bị nghiêm túc cho chương trình học đại học. Các nhà tuyển dụng thường than phiền về sự thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao, trong khi 1/3 dân số Nam Phi thất nghiệp. Một số người bi quan cho rằng giáo dục Nam Phi không cung cấp được những lao động có kỹ năng đáp ứng cho nền kinh tế đang phát triển nhanh của đất nước. Tham nhũng trong ngành giáo dục chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên. Vào tháng 5 năm 2015, các nhà chức trách tại Nam Phi đã ra lệnh đóng cửa 42 trường cao đẳng và đại học “rởm” vì tổ chức đào tạo chương trình “rởm” chưa được kiểm định, trong đó có 3 chương trình “rởm” có nguồn gốc từ Mỹ cấp bằng chỉ trong 15 ngày.
Hối lộ để nhận vào trường theo nguyện vọng
Nhập học là một trong những chủ đề gây nhiều tranh cãi nhất trong cuộc tranh luận hiện tại về giáo dục ở Sri Lanka. Trong đó, báo chí đã đăng tải nhiều vụ việc các gia đình tìm đủ mọi cách kể cả hối lộ hay lợi dụng các mối quan hệ để con em mình được nhận vào trường tốt. Theo giới truyền thông nước này, phần lớn người được hỏi (89% giáo viên, 81% sĩ quan) tin rằng, các hiệu trưởng thường nhận hối lộ để nhận học sinh đăng ký nhập học. Tuy nhiên, theo những ghi nhận thực tế: Chỉ có 8,1% số hộ gia đình thừa nhận hối lộ; 15,5% hộ gia đình cho biết họ đã trả một khoản tiền lớn cho Hiệp hội Phát triển trường học (SDS) và 7% cho biết họ liên lạc với nhân viên giáo dục cấp cao để giúp con em mình được vào học tại một ngôi trường tốt. Mặc dù số lượng các vụ việc nhận hối lộ trong trường học được đưa ra ánh sáng không nhiều nhưng không nhất thiết phản ánh thực tế. Hoàn toàn dễ hiểu khi các bậc cha mẹ không muốn trình báo về các khoản thanh toán trái phép cho hiệu trưởng và nhân viên vì họ cảm thấy điều này có thể gây nguy hiểm cho việc học tập của con mình. Hiệu trưởng của một trường học ở khu dân cư nghèo tại Sri Lanka đã đưa ra băn khoăn: “Tại sao hiệu trưởng các trường nổi tiếng có đủ điều kiện để mua xe hơi riêng và nhà đắt tiền trong khi chúng tôi đều có mức lương như nhau?”. Mặc dù khó có thể định lượng được việc hối lộ trong trường học, nhưng thực tiễn cho thấy hành vi hối lộ vô hình chung đã làm hỏng hình ảnh của một hệ thống giáo dục công bằng và bình đẳng.
Ngoài ra, những nghiên cứu ở quốc gia này cũng cho thấy tiêu chí đăng ký hộ khẩu để được nhập học (tức là gia đình phải có hộ khẩu ở khu vực hành chính thuộc diện nhập học ở trường thì mới được gửi con vào trường trong khu vực đó) và sức ép ngày càng tăng để được vào các trường có chất lượng cao càng làm tăng cơ hội tham nhũng. Nhiều phụ huynh đã phải thực hiện nhiều thủ tục cần thiết trong một thời gian dài trước khi con họ đến trường. Cụ thể, để đáp ứng các tiêu chí đăng ký hộ khẩu, phụ huynh học sinh phải thuê hay mua nhà gần những trường danh tiếng. Tất cả những yếu tố này làm tăng áp lực đối với các trường tốt và tăng khoảng cách về tỷ lệ nhập học giữa các trường. Các hành vi tham nhũng thường xuyên bao gồm mua bán, cho thuê hoặc thuê ngôi nhà gần trường học có uy tín và hối lộ để xác nhận một cách sai trái rằng gia đình sống gần một trường học tốt… Chính những “nhu cầu cấp thiết” này đã tạo nên một nghề mới tại Sri Lanka. Đó là những nhà môi giới chuyên nghiệp, chuyên chuẩn bị “các hồ sơ cần thiết” và “đảm bảo” để học sinh được nhận vào trường theo đúng nguyện vọng để đổi lấy một khoản phí lên đến hàng chục ngàn Rupi.
Dạy thêm, học thêm
Trong nhiều trường hợp, việc tổ chức lớp học thêm của giáo viên cũng được coi là hành vi tham nhũng khi giáo viên chỉ dạy một phần chương trình chính khóa ở trường học và buộc học sinh phải trả tiền để đến các lớp học thêm học nốt phần còn lại hay giáo viên ép học sinh đến các lớp học thêm để đảm bảo được điểm cao. Trong cả hai trường hợp này, nếu không tham gia vào các lớp học thêm, học sinh có thể chịu hậu quả là nhận điểm số thấp. Trong khi Pháp, Úc và Singapore đã cấm các hoạt động dạy thêm, học thêm thì đây vẫn là hiện tượng phổ biến ở Bangladesh, Campuchia, Sri Lanka và nhiều quốc gia khác.
Trách nhiệm của nhà trường là giảng dạy đầy đủ những nội dung theo chương trình và trang bị cho các em những kỹ năng và kiến thức cần thiết. Tuy nhiên, phần lớn các học sinh của Sri Lanka đều phải học thêm. 78% số hộ gia đình trong cuộc điều tra của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết đã chi trả học phí cho việc học thêm. Trong khi các tiết học chính khóa hoàn toàn có thể trang bị đầy đủ kiến thức cho học sinh, tuy nhiên điều đó chỉ đúng nếu các giáo viên giảng dạy đầy đủ cho học sinh của mình. Bộ Giáo dục nước này đã ban hành một quy định cấm giáo viên không được dạy thêm trong giờ học nhưng không cấm việc trả học phí cho giáo viên sau giờ học. Đây chính là mấu chốt của vấn đề, bởi nó có thể đóng vai trò như một động lực khiến giáo viên không dạy đầy đủ các kiến thức cần thiết của chương trình giảng dạy trong lớp học chính khóa, do đó buộc học sinh tham dự các lớp học riêng (trả tiền) của giáo viên. Điều này chính là hành vi tống tiền và làm trầm trọng thêm thêm sự bất bình đẳng xã hội. Người dân Sri Lanka cũng đã lên án hành vi này: Một cuộc khảo sát được thực hiện ở quốc gia này cho thấy, 65% giáo viên và cha mẹ đồng ý rằng việc tiến hành các lớp học thêm cho học sinh, sinh viên của các giáo viên sau giờ lên lớp hay trong dịp cuối tuần này chính là hành vi tham nhũng.
Gian lận trong học tập
Ở cấp trung học phổ thông, gian lận trong học tập, như mua bán điểm và mua bằng cấp có thể xảy ra, đặc biệt là ở khu vực Nam Âu và Nga. Một ví dụ điển hình là vào năm 2003, số tiền hối lộ để được vào các trường đại học ở Nga ước tính lên tới 01 tỷ đô la Mỹ. Tham nhũng trong học tập còn xảy ra khi học sinh hoặc phụ huynh học sinh hối lộ giáo viên nhằm đạt được điểm cao, nộp tiền cho giáo viên để đi học thêm nhằm làm vui lòng giáo viên hoặc để giáo viên dạy các chương trình chưa được dạy trong các lớp học chính khóa. Ngoài ra, những hình thức tham nhũng khác như bán đề kiểm tra hay thi hộ cũng được coi là những hiện tượng phổ biến ở Trung Quốc và Bosnia.
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, việc tư nhân hóa các cơ sở giáo dục và tăng cường các khóa học từ xa cũng như các chương trình nghiên cứu ở nước ngoài cũng góp phần làm gia tăng cơ hội gian lận học đường. Trong nhiều trường hợp, chất lượng giáo dục không đáp ứng được yêu cầu; học sinh không đáp ứng được các yêu cầu học tập vẫn có được bằng cấp bằng cách nhập học hoặc thậm chí hối lộ các cơ sở giáo dục có yêu cầu chất lượng thấp hơn, quản lý ít nghiêm ngặt hơn… Tham nhũng trong tĩnh vực học tập kết hợp với gian lận trong cấp bằng, chứng chỉ của các cơ quan có thẩm quyền trong giáo dục dẫn tới tình trạng sinh viên được đào tạo kém sẽ được nhận bằng từ các trường học không đảm bảo được chất lượng giáo dục và đào tạo.
Việc bán văn bằng, chứng chỉ giả của các đại học danh tiếng và việc vận hành các trường cấp bằng nhưng hiếm khi tổ chức đào tạo – hay còn gọi là “xưởng làm bằng rởm” đã trở nên rất phổ biến ngày nay. Nhiều trường hợp bị phát hiện mua bằng rởm liên quan đến cả các chính trị gia, lãnh tụ tôn giáo và quan chức cao cấp, từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển. “Xưởng làm bằng rởm” chủ yếu tập trung tại Bắc Mỹ và châu Âu, trong khi một số khác nằm ẩn nấp và rải rác khắp thế giới. Cũng có nhiều trường đại học hoạt động mà không được kiểm định hoặc được kiểm định bởi tổ chức kiểm định rởm.
Cho đến nay, các nỗ lực nhằm chấm dứt nạn sản xuất bằng giả và bán bằng rởm vẫn chưa đạt được nhiều kết quả. UNESCO đã lập một cổng thông tin liệt kê danh sách của tất cả cơ sở giáo dục đại học được công nhận tại nhiều khu vực trên thế giới, đây là việc rất hữu ích. Trang web Wikipedia cũng liệt kê tất cả các cơ sở giáo dục đại học không được kiểm định trên toàn thế giới theo thứ tự abc. Tổ chức này cũng có một danh sách khác liệt kê các tổ chức kiểm định không được công nhận. Tuy nhiên, bản chất phi chính thống về thông tin của Wikipedia không đảm bảo những gì công bố là chắc chắn, bản thân trang web này cũng thừa nhận danh sách của họ có thể không đầy đủ. Chưa có một tổ chức nào có thể công bố một danh sách các xưởng làm bằng rởm hoặc các tổ chức kiểm định rởm mà không e ngại bất kỳ sức ép về luật pháp hay chính trị nào, hoặc một phần cũng bởi các “xưởng làm bằng rởm” hoặc kiểm định rởm thường có xu hướng bất định, biến mất rất nhanh cũng y như cái cách mà họ xuất hiện.
Hậu quả của tham nhũng đối với ngành Giáo dục
Đấu tranh chống tham nhũng trong giáo dục là một nhiệm vụ khổng lồ, phần lớn bởi nó liên quan đến quá nhiều bên cả trong và ngoài ngành. Các nhà nghiên cứu quốc tế đều nhất trí rằng tham nhũng trong giáo dục tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, và công bằng xã hội.
Mức độ tăng trưởng và phát triển kinh tế chung của một quốc gia bị đe dọa bởi tham nhũng trong giáo dục, trong đó ảnh hưởng đặc biệt tới năng suất lao động. Một nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho thấy, một cơ chế lựa chọn nhân tài hiệu quả (chế độ thực tài trong đó sự thành công của con người dựa trên thành tích, năng lực và tài năng của cá nhân chứ không phụ thuộc vào các mối quan hệ hay tiền bạc) có ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển chính trị, xã hội và kinh tế. Các nước đang phát triển có thể tăng thu nhập quốc dân trên đầu người khoảng 5% nếu các nhà lãnh đạo của họ được lựa chọn dựa trên thành tích, năng lực và tài năng.
Ngoài ra, tham nhũng trong ngành giáo dục cũng gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cung ứng dịch vụ công. Tham nhũng ảnh hưởng tới việc trở lại trường học của học sinh (tức là việc học sinh bỏ học hoặc không đi học đều) nói chung và đặc biệt tới sự công bằng/bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Trẻ em mất cơ hội đến trường do tham nhũng trong quá trình tuyển sinh; gánh nặng vì các khoản phí bất hợp pháp lên các gia đình, dẫn tới tỉ lệ bỏ học cao; tham nhũng trong quản lý, lựa chọn và tuyển giáo viên, dẫn tới chất lượng dạy học thấp và tham nhũng trong mua sắm thiết bị vật tư giáo dục, dẫn tới việc thiếu lớp học, dụng cụ và thiết bị giảng dạy cũng như sách giáo khoa.
Đặc biệt, tham nhũng tác động mạnh mẽ đến người nghèo và những nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, trong đó có phụ nữ. Những nhóm người này phụ thuộc nhiều vào dịch vụ công và không có đủ điều kiện để chi trả cho các khoản thu ngoài quy định để tiếp cận giáo dục (hay để được pháp luật bảo vệ). Vì vậy, nhóm người này dễ bị ảnh hưởng bởi tỉ lệ bỏ học cao, chất lượng dạy học thấp và tổn thương do những tác động ngoài trường học (chính trị, tôn giáo và dân tộc). Tham nhũng trong giáo dục khi đó sẽ làm tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo và làm tăng sự nghèo đói. Nghiên cứu được thực hiện ở Mali cho thấy tỉ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học chỉ đạt 40%, và nguyên nhân chủ yếu được xác định là do không cung cấp đủ sách giáo khoa và cơ chế đảm bảo chất lượng kém. Ở đây, một lần nữa người nghèo lại bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi nạn tham nhũng.
Và quan trọng hơn cả là những tác động tiêu cực của tham nhũng trong ngành giáo dục đến giá trị chung của xã hội và tương lai. Tham nhũng trong giáo dục đe dọa trực tiếp tới liêm chính và trách nhiệm của toàn xã hội bởi nó gây ra sự mỉa mai và hoài nghi về công bằng của những thành công trong xã hội. Điều này đặc biệt đúng đối với tham nhũng trong học tập, khi kết quả học tập là công cụ quan trọng để lựa chọn người lãnh đạo. Nói cách khác, tham nhũng trong giáo dục dù ở bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ làm suy yếu các giá trị sống của thế hệ trẻ về nhân phẩm và công bằng xã hội./.
Dương Nguyễn
(Tổng hợp)
Tài liệu tham khảo
1) https://www.transparency.org/topic/detail/education
2) http://www.tisrilanka.org/pub/pp/pdf/EduPositionpaper03072009.pdf
3) http://www.ceylontoday.lk/print20170401CT20170630.php?id=27982
4) https://www.opensocietyfoundations.org/voices/more-one-way-fight-corruption-education
5) https://www.u4.no/themes/education/educationmainpoints.cfm
6)https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/vi-sao-chau-phi-cham-phat-trien-20161006160753027.htm
7) http://ihe.fpt.edu.vn/so-84/tai-hoa-ve-gian-lan-va-tham-nhung-trong-giao-duc-dai-hoc/
8) Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Giám sát giáo dục ở châu Phi, 2010
9) “Tham nhũng Giáo dục, Cải cách và Tăng trưởng: Trường hợp nước Nga thời kỳ hậu Xô Viết”, Ararat L. Osipian