TikTok và văn hóa cực kỳ độc hại
Nền tảng mạng xã hội TikTok xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2019. Tuy mới phổ biến trong những năm gần đây, nhưng nó đã thực sự bùng nổ ở nước ta. Việt Nam hiện là quốc gia xếp thứ 6/10 quốc gia có số lượng người dùng TikTok cao nhất thế giới. Theo số liệu của DataReportal, tính đến tháng 2/2023, ở nước ta có khoảng 49,9 triệu người sử dụng mạng TikTok.
Văn hóa TikTok đã và đang gây ra không ít tác động tiêu cực đối với người dùng, đặc biệt là giới trẻ.
|
|
TikToker Nờ Ô Nô và clip “Người nghèo ăn gì - Nờ Ô Nô cho ăn đó” gây bức xúc dư luận. Nguồn: Internet |
Tại cuộc họp báo quý I/2023 của Bộ Thông Tin và Truyền thông (chiều ngày 06/04/2023), ông Lê Quang Tự Do – Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã nêu ra những vi phạm của mạng xã hội này tại Việt Nam. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm pháp luật.
Mạng xã hội này đã không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em.
Thứ hai, TikTok phát tán nội dung độc hại, phản cảm.
Bằng thuật toán “gây nghiện” – thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng (trend) do chính TikTok phát triển, TikTok đã phát tán đến người dùng những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.
Thứ ba, TikTok không có biện pháp kiểm soát hoạt động kinh doanh mặt hàng vi phạm pháp luật.
Tuy đã bắt đầu đẩy mạnh quảng cáo, kinh doanh thương mại điện tử trên nền tảng của mình, nhưng TikTok hiện không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc…
Thứ tư, TikTok tạo trend thu lời từ nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa.
Số lượng người sử dụng lớn, nhưng việc quản lý hoạt động của các TikToker (người dùng TikTok), đặc biệt là các Idol TikTok (thần tượng) không có, đã dẫn đến xu hướng việc TikToker sản xuất tràn lan những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo trend để thu lời từ những nội dung này.
Cụ thể là việc cho phép thách đấu trực tuyến, Idol TikTok có thể được người xem tặng quà, càng sốc, hở, phản cảm càng được tặng nhiều quà và có khả năng quy đổi ra tiền. Điều đáng nói là TikTok sẽ nhận được 70% từ số tiền thu được.
Thứ năm, TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền.
Nhiều người dùng TikTok đã chia sẻ, lan truyền những nội dung vi phạm nghiêm trọng bản quyền nhưng không hề bị xử lý.
Thứ sáu, TikTok không có biện pháp quản lý người dùng, để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, hoặc bôi nhọ, xúc phạm người khác.
Điều đáng nói là không chỉ có TikTok mà một số nền tảng khác như Facebook, Youtube cũng đang lan truyền những nội dung xấu, độc tương tự.
Kiểm tra toàn diện TikTok tại Việt Nam
|
|
Kiểm tra toàn diện TikTok vào tháng 05/2023. Nguồn: Internet |
Trước thực trạng ấy, Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động của nền tảng TikTok ở Việt Nam. Việc kiểm tra dự kiến sẽ bắt đầu Tiến hành từ tháng 05/2023.
Đồng thời, Bộ Thông tin & Truyền thông cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đánh giá toàn diện về tác động, ảnh hưởng của TikTok đối với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ kiểm tra các thuật toán, cách thức, quy trình phân phối nội dung của nền tảng TikTok.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết: TikTok, Facebook, YouTube,... đều là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Họ có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu. Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, các nền tảng này phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam, bao gồm cả việc quản lý về nội dung và các nghĩa vụ về thuế, thanh toán, quảng cáo./.