Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam:

Khắc phục tồn tại trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thứ tư, 01/06/2022 17:22
(ThanhtraVietNam) Theo thông báo Kết luận thanh tra số 84/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ, thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo TKV rà soát và sớm điều chỉnh các cơ chế quản lý vốn, tài sản, hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế, theo cơ chế thị trường, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho Nhà nước và doanh nghiệp bởi còn quá nhiều công ty con bị thua lỗ, phải đưa vào diện giám sát đặc biệt về tài chính.

Bài học trong phê duyệt, quyết định đầu tư và tự thanh tra, kiểm tra giám sát

Theo Thông báo Kết luận thanh tra số 84/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6/2015, cơ quan này đã phát hiện nhiều tồn tại, khuyết điểm, vi phạm chủ yếu trong công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV.

Về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, Hội đồng Thành viên và Tổng giám đốc TKV đã quyết định chủ trương và quản lý quá trình thực hiện đầu tư tài chính thuộc ngành nghề kinh doanh chính thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm các quy định của pháp luật, bảo lãnh trả nợ vay vượt thẩm quyền... Hậu quả là, một số khoản đầu tư không có hiệu quả, thua lỗ, mất vốn với giá trị rất lớn.

Cụ thể: Công ty liên doanh Công nghiệp Kẽm Việt Thái lỗ 297,165 triệu đồng, mất hết vốn chủ sở hữu và nợ Công ty TNHH MTV KLM Thái Nguyên 24,613 tỷ đồng; xác nhận bảo lãnh vượt thẩm quyền, dẫn đến, Công ty TNHH MTV Kim loại mầu Thái Nguyên phải có trách nhiệm xử lý khoản nợ phải trả cho Ngân hàng Eximbank Thái Lan cả gốc và lãi 13.785.678,05 USD.

Tại Công ty cổ phần Crômmit Cổ định, Thanh Hóa, TKV quyết định, thực hiện đầu tư 436,95 tỷ đồng khi chưa đủ điều kiện cần thiết, chưa được gia hạn giấy phép khai thác quặng, lỗ lũy kế đến 30/6/2015 là 113,5 tỷ đồng. Ngoài ra, góp 870,319 tỷ đồng tại Công ty cổ phần sắt Thạch Khê thiếu sự khảo sát, tính toán kỹ về các điều kiện cần thiết và hiệu quả đầu tư, dẫn đến đọng vốn trong thời gian dài, lãng phí.

Một số khoản đầu tư khác nhưng không được TKV thực hiện điều tra, khảo sát kỹ để lập, thẩm định, phê duyệt phương án và quyết định đầu tư phù hợp với thực tế, quy định, dẫn đến lỗ, mất vốn 380,825 tỷ đồng.

Hội đồng Thành viên và Tổng Giám đốc TKV chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong việc xây dựng, phê duyệt phương án đầu tư, quyết định chủ trương góp vốn cổ phần, sử dụng nguồn vốn không đúng quy định để đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, dẫn đến không có hiệu quả, nguy cơ mất vốn, như: Đầu tư 76,452 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Vận tải thuỷ -Vinacomin, lỗ luỹ kế 140,322 tỷ đồng, mất hết vốn đầu tư của các cổ đông, tổng nợ phải trả 446,480 tỷ đồng, không còn khả năng thanh toán nợ ngắn hạn; Công ty cổ phần Đóng tầu Sông Ninh nợ TKV không có khả năng thu hồi 52,588 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Khu kinh tế Hải Hà mất vốn 47,874 tỷ đồng.

Một nguyên tắc quản lý cơ bản, dễ nhận diện đó là: Lãnh đạo ra quyết định mà không tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, thì coi như không Lãnh đạo! Liệu đây có phải là bài học trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của chính Tập đoàn TKV?

Bài học về chấp hành các quy định trong hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh

Cũng theo Thông báo Kết luận thanh tra số 84/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ, Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc TKV ban hành các cơ chế quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh chưa phù hợp thực tế và quy định. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, TKV và các đơn vị thành viên chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, phát sinh nhiều chi phí bất hợp lý, tăng giá thành sản xuất, giảm lợi nhuận, thất thu ngân sách nhà nước. Cụ thể: Tổng Giám đốc TKV và các doanh nghiệp (Công ty cổ phần Xi măng Hữu Nghị - Phú Thọ, Công ty cổ phần Xi măng Hà Giang và Công ty cổ phần Bình Nguyên - Đăk Nông) đã vi phạm các điều khoản của hợp đồng kinh tế về điều kiện giao hàng và thanh toán, dẫn đến bị chiếm dụng vốn, không có khả năng thu hồi, phát sinh nợ khó đòi, nguy cơ mất vốn với giá trị 30,106 tỷ đồng.

TKV thu phí sử dụng thương hiệu Vinacomin đối với các đơn vị cổ phần có vốn góp chi phối bất hợp lý trong năm 2013 và năm 2015 là 141,192 tỷ đồng; quyết toán chi phí hao hụt vượt định mức quy định tại Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả và Công ty Kho vận Hòn Gai 12,067 tỷ đồng; chi phí thăm dò không có hiệu quả 30 tỷ đồng; điều chỉnh tăng sai chi phí do khuyến khích sản lượng và chất lượng không được thỏa thuận trong hợp đồng phối hợp kinh doanh từ năm 2010 đến năm 2014, làm tăng doanh thu bất hợp lý cho các công ty cổ phần 123,968 tỷ đồng; điều chỉnh doanh thu cho các công ty sản xuất than theo chênh lệch tỉ lệ AK (độ tro) làm tăng giá than mua tại các công ty (Tuyến than Hòn Gai, Cửa Ông, Kho vận và Cảng cẩm Phả và Kho vận Hòn Gai) 410,349 tỷ đồng; giá trị than do chênh lệch tỉ lệ AK giữa cách tính theo quy định của TKV và thực tế thu hồi được tại các đơn vị sàng, tuyển trị giá 1.833,974 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
(Ảnh internet) 

Đáng chú ý, TKV đưa ra các quy chế, thực hiện hợp đồng phối hợp kinh doanh chưa phù hợp với thực tế của cơ chế thị trường và quy định của pháp luật; thiếu tính cạnh tranh công bằng và lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài TKV, giảm tính chủ động, sáng tạo; khép kín hầu hết các công đoạn sản xuất, kinh doanh, dễ phát sinh cơ chế xin cho, tiêu cực như việc thực hiện cơ chế mua sắm máy móc, thiết bị, làm tăng giá thành sản xuất than hơn 172,233 tỷ đồng.

TKV đã và đang thực hiện tính toán, nghiệm thu, thanh toán khối lượng vận chuyển đất, đá nổ mìn thiếu cơ sở pháp lý, làm tăng đơn giá, chi phí đối với khối lượng vận chuyển đất đá tại các mỏ khai thác than lộ thiên 4.597,577 tỷ đồng; nghiệm thu, thanh toán khối lượng thuê ngoài vận chuyển đất đá tại 02 công ty than (Đèo Nai và Cao Sơn) vi phạm quy định về sử dụng Đăng kiểm tải trọng xe, với tổng khối lượng 43.452.814 m3, trị giá (bình quân 8000đồng/m3) là 347,622 tỷ đồng.

TKV và các đơn vị thành viên kê khai giá tính thuế tài nguyên, hạch toán chi phí không đúng quy định, dẫn đến, phải truy thu thuế do: chênh lệch giá TKV bán ra trên thị trường và giá tính thuế đang áp dụng 1.499,107 tỷ đồng; chênh lệch giữa tổng số lượng than cục thu hồi thực tế sau sàng tuyển cao hơn số than quy sạch trước đó 56,336 tỷ đồng; chênh lệch phẩm cấp than (AK) trước và sau sàng tuyển 91,69 tỷ đồng và do điều chỉnh chênh lệch tỷ giá ngoại tệ 92,054 tỷ đồng.

Cần có giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

Từ những vi phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo TKV rà soát và sớm điều chỉnh các cơ chế quản lý vốn, tài sản, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là cơ chế về quản trị chi phí sản xuất cho phù hợp với tình hình thực tế, theo cơ chế thị trường, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho Nhà nước và doanh nghiệp, như: Cơ chế hợp đồng phối hợp kinh doanh; công tác quản lý chi phí điều hành và sản xuất than, khoáng sản; quản lý việc mua sắm máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu... tránh lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.

Đã hơn 4 năm kể từ ngày Thanh tra Chính phủ thông báo Kết luận thanh tra cùng với những kiến nghị, tuy nhiên đến nay hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận của TKV ngày càng giảm, việc đầu tư tại một số công ty con bị thua lỗ.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, giám sát tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV. Kết quả cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV từ năm 2019 đến tháng 6/2021 đều ghi nhận mức lợi nhuận giảm. Cụ thể, năm 2019 tổng doanh thu toàn tập đoàn là 116.373 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 5.192 tỷ đồng; nộp ngân sách 21.114 tỷ đồng; năm 2020, TKV có tổng doanh thu là 132.415 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 3.094 tỷ đồng, nộp ngân sách 18.487 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu đạt 54.617 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.875 tỷ đồng và nộp ngân sách 9.102 tỷ đồng.

Mặc dù, việc kinh doanh của TKV vẫn có lãi, song hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn này bộc lộ một số hạn chế. Theo đó, số dư nợ phải thu khó đòi của công ty mẹ đến ngày 1/1/2020 là 199 tỷ đồng, số đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi là 187 tỷ đồng. Riêng khoản thu quá hạn là 193,7 tỷ đồng, giá trị trích lập dự phòng là 129 tỷ đồng, hầu hết đều là các khoản nợ quá hạn trên 3 năm.

Tuy có đủ khả năng trả nợ các khoản vay, nhưng Bộ Tài chính cho biết dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của TKV âm 1.972 tỷ đồng, các chỉ số thanh toán đều thấp. Theo Bộ Tài chính, TKV cần có các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm hàng tồn kho để cải thiện các chỉ tiêu khả năng thanh toán. Mặt khác, đến thời điểm 31/12/2020, công ty mẹ TKV có các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, một số công ty con có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh bị lỗ và vẫn còn lỗ lũy kế…./.

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra