Từ những tác động không mong muốn…
Internet và mạng xã hội mang lại nhiều giá trị tích cực, cho phép người dùng tìm kiếm thông tin, thể hiện bản thân và trải nghiệm cuộc sống; giao lưu, gắn kết cộng đồng, chia sẻ tình cảm; tìm kiếm việc làm, kinh doanh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Internet và mạng xã hội như “người bạn đồng hành” của giới trẻ.
Tuy nhiên, Internet và mạng xã hội cũng có thể gây ra nhiều hệ lụy. Người dùng có thể bị xâm phạm đời tư, bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và nhiều nguy cơ khác. Nếu chủ quan, đơn giản có thể dẫn tới vô tình hoặc cố ý tán phát những thông tin xấu, độc, gây hại cho cộng đồng, xã hội, thậm chí tiếp tay cho các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước.
Có một thực tế là môi trường mạng đang bị vẩn đục bởi các hành vi giao tiếp, ứng xử thiếu văn hóa hoặc lợi dụng các diễn đàn công khai để đả kích, nói xấu, bôi nhọ lẫn nhau. Không thiếu những lời nói tục, chửi thề, những phát ngôn gây sốc, những hành động trả thù bằng video clip, những lời bình luận miệt thị hay “ném đá” tập thể, đặc biệt là đưa thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận ngày càng gia tăng.
Thời gian vừa qua, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều cá nhân đã đăng những thông tin sai sự thật, làm nhiễu loạn, tạo tâm lý hoang mang, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch như: “Khu cách ly thành phố Hà Nội vỡ trận”; “Ca đầu tiên tử vong”; “Dùng bùa để chữa Corona”; …
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đã lợi dụng phát tán trên mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch.
Theo báo cáo của Bộ Công an, hơn 2 tháng qua, cơ quan chức năng đã xác minh, làm việc với gần 700 trường hợp đưa tin sai sự thật; đã có hơn 300 đối tượng trong nước tung tin giả về dịch COVID-19 trên mạng bị cơ quan chức năng xử lý[1]. Chỉ riêng chủ tài khoản có tên “KOL” đã tung lên gần 300 bài viết với nội dung sai sự thật về dịch COVID-19, chỉ trong vòng hơn 1 tháng[2].
Các biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, đạo đức, văn hóa truyền thống trên mạng đã đến mức đáng báo động. Nếu không sớm có biện pháp giáo dục, chấn chỉnh kịp thời, các thiết chế, chế tài ngăn chặn thì rất có thể những hiện tượng đó sẽ tiếp tục lan rộng và phát triển thành những hành vi nguy hiểm cho xã hội, làm mất đi hình ảnh đẹp về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
... đến sự chung tay của toàn xã hội
Từ sự xuống cấp trong văn hóa mạng, nhất là văn hóa ứng xử, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, của mỗi người dân, nhằm hướng tới xây dựng môi trường văn hóa mạng thực sự lành mạnh.
Trước hết, văn hóa mạng đòi hỏi cách đối nhân xử thế tương ứng như cuộc sống đời thực, trong tất cả các mối quan hệ, với người thân trong gia đình, hàng xóm, láng giềng, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, với những người khác trên không gian mạng. Mỗi người cần coi trọng việc nâng cao ý thức, rèn luyện hành vi đạo đức, xây dựng cho mình thái độ tôn trọng người khác, biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, cảm thông.
Mọi lời nhận xét, bình luận phải khách quan, chân thành và tế nhị, tỏ thái độ, cảm xúc phù hợp. Có trách nhiệm với lời nói, hành vi của mình; tìm hiểu kỹ các nguồn thông tin để kiểm chứng, không đưa ra những nhận xét, bình luận vội vàng, không đúng hoặc ác ý. Có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, sự trong sáng của tiếng Việt khi giao tiếp trên mạng.
Tăng cường bảo mật thông tin cá nhân, giữ bí mật mật khẩu, đặt chế độ xem phù hợp; nghiên cứu sử dụng phần mềm lọc, ngăn chặn thông tin xấu, độc; tham khảo các chuyên gia tư vấn cách sử dụng mạng an toàn. Phối hợp chặt chẽ với bộ phận chăm sóc khách hàng sử dụng dịch vụ, với cơ quan công an để ngăn chặn những hành vi vi phạm, xử lý các tình huống rủi ro phát sinh.
Tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng, giúp mỗi người hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa khi tham gia hoạt động trên môi trường mạng; đặc biệt là những hành vi xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Theo đó, cần đưa ra các quy tắc chung như tôn trọng, trách nhiệm, lành mạnh và an toàn; các quy tắc riêng đối với người dùng theo các mức độ: Nên/không nên, được/không được. Chẳng hạn, người dùng mạng là cán bộ, viên chức nhà nước không được ứng xử trái với các chuẩn mực đạo đức, nên lên tiếng ủng hộ, chia sẻ thông tin tích cực, không được phát ngôn gây thù hận, kích động bạo lực...
Phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức, cơ quan, nhà trường và gia đình trong xây dựng văn hóa mạng; thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”; tăng cường giáo dục, xây dựng văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự, bồi dưỡng các kỹ năng ứng phó với các tình huống trên mạng.
Cán bộ, đảng viên, thầy cô giáo, các bậc phụ huynh phải mẫu mực về văn hóa, có biện pháp quản lý chặt chẽ khi con em tham gia mạng xã hội; có những lời khuyên hữu ích và có những tác động điều chỉnh khi cần thiết. Cơ quan chuyên trách tích cực tìm kiếm những thông tin sai sự thật, xúc phạm người khác…, gửi tới nhà cung cấp dịch vụ người dùng đăng tải và yêu cầu gỡ bỏ.
Văn hóa mạng là một bộ phận cấu thành của văn hóa Việt Nam, cần phải được quan tâm xây dựng, phát triển; phải tích cực “dọn rác trên mạng” để những giá trị đặc trưng văn hóa Việt Nam luôn được lưu giữ, bảo tồn và phát triển, thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội; là mục tiêu, động lực, đột phá phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện nay./.
[1] https://kiemsat.vn: Công an làm việc với gần 700 trường hợp tung tin sai về Covid-19. 27/3/2020
[2]http://baovanhoa.vn: Buộc một “KOL” gỡ bỏ 216 bài xuyên tạc về dịch Covid-19 trên facebook. 27/3/2020