Phát triển mô hình Hợp tác xã du lịch cộng đồng là hướng đi trong thời tới của kinh tế tập thể tỉnh Ninh Bình

Thứ sáu, 11/10/2024 11:33
(ThanhtraVietNam) - Những năm gần đây, phát triển Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng có có tiềm năng lớn, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. Là một tỉnh xác định phát triển du lịch là mũi nhọn, tỉnh Ninh Bình thời gian qua cũng đã quan tâm đến phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong các trang trại, HTX.

Qua đó, đem lại nguồn thu cho người nông dân và đóng góp nhất định cho kinh tế địa phương; nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, sạch sẽ, nâng cao chất lượng cuộc sống, khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Để khai thác những tiềm năng về nông nghiệp, nông thôn cho phát triển du lịch, rất cần có giải pháp, chính sách đồng bộ nhằm khai thác và phát huy được tiềm năng của hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn trong các HTX, góp phần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao thời gian tới, đồng thời nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân nông thôn, trong đó phát triển du lịch là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế, khai thác giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông nghiệp đa giá trị.

leftcenterrightdel
Du khách thích thú khi thăm quan trải nghiệm tại HTX du lịch cộng đồng Vân Long 
Du lịch cộng đồng là một mô hình phát triển du lịch, trong đó cộng đồng dân cư là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch. Cộng đồng dân cư cũng chính là người có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch và họ được chia sẻ các nguồn lợi kinh tế do phát triển du lịch tạo ra. Phát triển du lịch cộng đồng sẽ tạo ra thêm công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho cộng đồng dân cư bản địa, góp phần cho việc xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Thực trạng hoạt động và phát triển HTX hoạt động du lịch cộng đồng sinh thái ở tỉnh Ninh Bình

Về tình hình phát triển kinh tế tập thể, HTX nói chung và HTX lĩnh vực du lịch nói riêng, đến hết năm 2023 toàn tỉnh có 02 Liên hiệp HTX, 504 HTX, trong đó có: 397 HTX lĩnh vực nông nghiệp (212 HTX dịch vụ nông nghiệp và 185 HTX chuyên ngành); 68 HTX phi nông nghiệp, 39 Quỹ tín dụng nhân dân, thu hút trên 337.415 thành viên tham gia, doanh thu bình quân năm 2023  đạt 2.710 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân đạt 160 triệu đồng/HTX; thu nhập của lao động thường xuyên trong HTX đạt 55 triệu đồng/năm. 

leftcenterrightdel
 Du khách chụp ảnh kỷ niệm tại HTX Nông sản và du lịch Tam Điệp
Riêng lĩnh vực HTX du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, sinh thái có 15 HTX và 20 HTX sản xuất, chế biến các sản phẩm liên quan đến quà tặng du lịch; doanh thu bình quân đạt khoảng 4.000 triệu đồng, thu nhập bình quân đạt 150 đến 200 triệu/HTX, mặt khác, với khoảng gần 200 HTX lĩnh vực nông nghiệp chuyên ngành, đây là tiềm năng để khai thác và phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, phát triển các sản phẩm quà tặng du lịch... Hiện có thể phân thành 02 dạng mô hình HTX du lịch nông nghiệp, nông thôn đó là: (1) HTX sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch; (2) HTX phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng (homestay). 
leftcenterrightdel
Tham quan, trải nghiệm tại HTX Sinh Dược 
Nhiều mô hình đã đạt hiệu quả cao, thu hút sự quan tâm của các du khách trong và ngoài nước, như mô hình HTX Sinh Dược, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn chuyên sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ thảo dược gắn với dịch vụ trải nghiệm các sản phẩm của chính HTX sản xuất (tắm ngâm thảo dược, thăm quan vườn dược liệu, trải nghiệm làm các sản phẩm thảo dược…), thu hút đông đảo du khách, doanh thu đạt từ 15 đến hơn 20 tỷ đồng/năm. Mô hình HTX Du lịch – Nông sản Tam điệp với dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp với các cây, con gắn với thăm quan, chụp ảnh với sinh thái vùng đồi, núi gắn với tổ chức các sự kiện, hội thảo, ăn uống… doanh thu bình quân hàng năm đạt khoảng 20 đến 30 tỷ đồng…

Đánh giá chung những lợi thế và khó khăn các HTX hoạt động du lịch 

Về lợi thế:

Mô hình HTX kết hợp du lịch ở tỉnh ta có xu hướng phát triển những năm gần đây và đã có những tác động nhất định đến sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn nói chung và kinh tế hộ gia đình nói riêng. Phát triển hoạt động du lịch trong các HTX là tăng sự đa dạng về sinh kế, thu nhập cho các thành viên HTX. Nhiều mô hình HTX kết hợp hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp với du lịch nông nghiệp, nông thôn cho thấy kết quả hoạt động rất hiệu quả nên cần được hỗ trợ đầu tư để nhân rộng. 

Việc phát triển loại hình HTX kết hợp hoạt động du lịch sẽ thúc đẩy nông nghiệp sạch phát triển; đồng thời thu hút và tạo công ăn việc làm tại chỗ cho lao động địa phương; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nếu được quản lý và khai thác tốt, việc phát triển HTX kết hợp hoạt động du lịch sẽ là cầu nối để quảng bá sản phẩm của địa phương và kết hợp phát triển du lịch sinh thái, hạn chế ô nhiễm môi trường. 

Về khó khăn:

- Hoạt động du lịch trong các HTX chủ yếu phát triển tự phát, không có quy hoạch, thiếu sự gắn kết với tour du lịch nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về mẫu mã, thương hiệu. 

- Lao động làm việc trong các HTX không được đào tạo, thiếu kiến thức và kỹ năng du lịch. Vì thế, các HTX chưa khai thác hết được tiềm năng du lịch bản địa.

- Hầu hết thiếu kinh nghiệm làm du lịch, thiếu khuôn khổ pháp lý đến nhiều rủi ro trong phát triển nông nghiệp gắn với du lịch như: phát sinh dịch bệnh, đầu tư xây dựng hạ tầng trái quy định (nhất là các công trình phục vụ du lịch xây dựng trên đất nông nghiệp); ô nhiễm môi trường, du nhập tệ nạn vào nông thôn...

- Công tác quản lý nhà nước về HTX gắn với du lịch chưa được hoàn thiện. Cụ thể: (1) Chưa thống nhất cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước; đồng thời thiếu sự liên kết giữa ngành nông nghiệp với ngành văn hóa, du lịch; (2) Thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước để tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp phát triển dịch vụ du lịch. (3) Thiếu các quy định hoạt động du lịch trong các HTX. 

Giải pháp phát triển HTX hoạt động du lịch công đồng, sinh thái ở tỉnh Ninh Bình đến năm 2030

Một là, giải pháp cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực  và phát triển loại hình sản phẩm du lịch, gắn với chương trình OCOP phát triển du lịch cộng đồng sinh thái

Đổi mới nhận thức và tư duy về phát triển nguồn nhân lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động du lịch tại các HTX nông nghiệp, nông thôn và phát triển loại hình sản phẩm du lịch, gắn với chương trình OCOP phát triển du lịch cộng đồng sinh thái là yếu tố quan trọng để phát triển mô hình HTX du lịch cộng đồng sinh thái có hiệu quả.

Để đổi mới nhận thức và tư duy về phát triển nguồn nhân lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động du lịch tại các HTX nông nghiệp, nông thôn, chúng ta cần quan tâm:1) Hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn trong quản lý nhà nước, trong lĩnh vực sự nghiệp du lịch và trong kinh doanh du lịch nông nghiệp; 2) Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông trong nâng cao nhận thức về phát triển nguồn nhân lực du lịch nông nghiệp, nông thôn; 3) Tạo điều kiện thuận lợi để HTX kinh doanh du lịch và  được trang bị năng lực “làm” du lịch nông nghiệp, nông thôn. 4) Chú trọng công tác giáo dục và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ và ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện của cá nhân có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao nhận thức về chất lượng nguồn nhân lực, cho thành viên, người lao động mới làm du lịch nông nghiệp, nông thôn; thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình; phải nâng cao nhận thức, ý thức tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, nỗ lực hoàn thiện mình trong việc chấp hành kỷ luật lao động, tìm hiểu và chấp hành những quy định của ngành Du lịch; 5) Thường xuyên giáo dục tinh thần yêu quê hương, yêu đất nước đối với nguồn nhân lực du lịch HTX nông nghiệp, nông thôn để hoàn thiện bản thân...

Hai là, giải pháp xây dựng tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực tổ chức hoạt động du lịch cho các HTX

Các HTX cần có kiến thức khoa học và kỹ năng quản trị về marketing du lịch. Lãnh đạo HTX cần phải hiểu rõ khách hàng của họ là ai, từ đâu đến, sở thích và khả năng chi tiêu của họ để xây dựng sản phẩm du lịch và định giá cho phù hợp. Tiếp đó cần tổ chức hợp lý, hiệu quả quá trình cung ứng sản phẩm du lịch và tiếp thị, xúc tiến, quảng bá hiệu quả. 

Có năng lực về quản trị chất lượng sản phẩm du lịch: Hiểu biết nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thỏa mãn nhu cầu của họ, đồng thời phải cải tiến liên tục sản phẩm cũ và tìm kiếm các sản phẩm mới để tạo ra một cộng đồng khách hàng trung thành ngày càng lớn và mức chi tiêu của du khách ngày càng tăng.

Đảm bảo 3 cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm: Du khách đến tham quan được ở tại HTX, thưởng thức những móm ăn là đặc sản vùng miền do  HTX tạo ra, trải nghiệm cùng thành viên HTX tham gia lao động sản xuất, chế biến...

Có năng lực về quản trị nguồn nhân lực, quản trị tác nghiệp và quản trị tài chính: Quản trị tác nghiệp có các nguyên tắc và hình thức tổ chức các hoạt động của du lịch cộng đồng một cách khoa học, hướng đến năng xuất và hiệu quả cao. Yêu cầu này đương nhiên kéo theo nhiệm vụ HTX phải có một nguồn nhân lực thực hiện được các công việc này như đón tiếp khách, phục vụ ăn uống, phòng nghỉ, hướng dẫn du lịch, trình diễn múa hát tập thể…; Quản trị tài chính trong kinh doanh du lịch nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, giảm chi phí lãng phí, bất hợp lý và quản lý dòng tiền hiệu quả, làm tăng lợi nhuận và thu nhập cho HTX và các thành viên.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh trong phát triển HTX du lịch nông nghiệp, nông thôn: Ứng dụng công nghệ, lập bản đồ số các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ kết nối sản phẩm du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch khác phục vụ cho việc xúc tiến du lịch nông thôn. Xây dựng chuyên trang điện tử (website, triển lãm, hội chợ du lịch ảo, các sản phẩm truyền thông số…) về du lịch nông thôn gắn với giới thiệu, quảng bá điểm du lịch nông thôn; Khai thác thế mạnh truyền thông trên các nền tảng xã hội (facebook, zalo, tiktok, …)

 Liên kết các doanh nghiệp chia sẻ khách du lịch, phối hợp đào tạo kỹ năng làm du lịch. HTX cần liên kết các doanh nghiệp có hoạt động du lịch nhằm quảng bá sản phẩm du lịch, thu hút, chia sẻ khách du lịch.

 Đào tạo kỹ năng quản lí tổ chức các hoạt động du lịch cho quản lý HTX và các thành viên HTX. Hướng dẫn cán bộ quản lí, thành viên HTX các kiến thức kỹ năng về văn hóa nghệ thuật, cách thức chào đón và giao tiếp với khách du lịch...

HTX phát triển du lịch cộng đồng gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ít nhất 01 sản phẩm chủ lực của địa phương hoặc có tiềm năng trở thành sản phẩm chủ lực, hàng hóa liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tham gia chuỗi giá trị sản phẩm.

Tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm đặc sản trên địa bàn, đảm bảo hình thành khối lượng sản phẩm lớn với chất lượng đồng đều cho phát triển du lịch (Chương trình OCOP) mỗi xã một sản phẩm.

Ba là, giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng cho các HTX hoạt động lĩnh vực du lịch cộng đồng sinh thái

Cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch nông nghiệp nông thôn theo hướng mới và cần nâng cấp và từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng như: hệ thống đường giao thông (Giao thông đến được tới các HTX, cơ sở sản xuất nông nghiệp và hoạt động dịch vụ du lịch các nhà vệ sinh phục vụ khách, khu vực bãi đỗ xe, khu vực trưng bày, hay các chợ cung cấp cho khách..., hệ thống điện (nghiên cứu hệ thống sử dụng điện gió, điện năng lượng mặt trời phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp đồng thời bảo vệ môi trường nông nghiệp - du lịch hướng đến sản phẩm du lịch xanh - sạch - bền vững), cấp thoát nước (có thể đầu tư hệ thống tưới tiêu nhỏ giợt nhằm tiết kiệm nước bảo vệ môi trường), cải tạo môi trường (Khuyến khích bà con sản xuất nông nghiệp hữu cơ, organic)… là tiền đề quan trọng thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn. Trong thời gian tới cần có cơ chế, chính sách, thu hút và sử dụng các nguồn vốn khác nhau trong xã hội vào cơ sở hạ tầng một cách có hiệu quả, trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo. 

Mô hình HTX du lịch cộng đồng, sinh thái ở tỉnh ta hiện nay có xu hướng phát triển và đã có những tác động nhất định đến sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn nói chung và kinh tế hộ gia đình nói riêng. Phát triển hoạt động du lịch trong các trang trại, HTX nông nghiệp là tăng sự đa dạng về sinh kế, thu nhập cho chủ trang trại và các thành viên HTX. Nhiều mô hình trang trại, HTX nông nghiệp kết hợp hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp với du lịch nông nghiệp, nông thôn cho thấy kết quả hoạt động rất hiệu quả nên cần được hỗ trợ đầu tư để nhân rộng./.

LMHTX
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra